Ký ức ngôi trường xưa

Đôi lúc, tẩn mẩn về góc ký ức học trò, điều làm tôi ngỡ ngàng, là tôi đã ở đây - ngôi trường này - ngôi trường gắn chặt với thời tay vân vê tà áo dài trắng ngập sân trường đầy nắng. Nhìn những cô cậu học trò lúc nhúc hồn nhiên chân bước đến lớp, cảm thấy thân thuộc biết bao, thân thuộc đến mức như mới ngày hôm kia, hôm qua đây thôi, ở tuổi các em, tôi cũng đã từng.

Thời gian tô vẽ cho ngôi trường ngày nào thêm vài nét chấm phá mới, nhưng có những góc ký ức không dễ tô vẽ, không dễ làm phai màu. Có chăng, tôi đã thay bộ áo dài trắng nữ sinh ngây thơ ngày ấy bằng bộ áo dài hồng, xanh, cam, đỏ trên một cương vị mới - người giáo viên của ngôi trường từng theo tôi đi suốt chặng đường dài.

Tôi không nhớ mình đặt chân vào ngôi trường ấy vào ngày tháng nào. Nó cứ lâng lâng một cảm giác khó tả của một học sinh đầu cấp, trong veo dưới cái nắng sau hè, mẹ thắt bím đòng đưa từ sáng sớm cho tôi đạp xe một mình “ra mắt” ngôi trường mới. Sao lại phập phồng thế kia? Như nhiều ánh mắt đang đổ dồn về phía mình. Mà không! Còn nhiều bạn cùng lứa như tôi, cũng ngại ngùng vòng xe quay đều, quay đều. Nỗi phập phồng đeo đẳng dai dẳng trong tôi đến tận mấy tuần sau khi nhập học. Ngôi trường mới mới lạ lẫm làm sao! Lần đầu tiên mang cho tôi cảm giác bở ngỡ khôn xiết dù nó không xa lạ mấy khi tôi đi ngang nó hà rầm hồi học cấp hai. Nơi có hàng cây xanh mát, rợp bóng cả một khoảng sân, nhất là hai gốc còng to sụ bung tán che một khoảng sân trường rộng lớn. Chỗ mà mọi khi học thể dục, mấy anh chị lớp trên hay tụm lại hóng mát, hay làm duyên chụp hình. Còn kia, hàng ghế đá cũ kĩ trơ gan cùng mưa nắng học trò, con đường đất khúc khuỷu quanh co dẫn lối vào các phòng học, nhuộm một màu xanh mới của đám cỏ non mọc hai bên đường. Xa xa, nhà xe học sinh - gọi cho oai - nhỏ hẹp xíu xiu nhưng đủ sức chống chọi với nắng mưa để bảo vệ cho những chú “ngựa sắt” mà học sinh chúng tôi thường hay gọi.

Khung cảnh thoáng nhìn vậy đó. Nhưng đó lại là nơi tôi được gặp biết bao bạn bè xa lạ nhưng bỗng chốc lại thân quen như tri âm tri kỉ. Lớp đầu cấp lớ ngớ đôi bàn chân, nơi tôi “giao kèo” kết thân những người bạn mới. Hơn thế nữa, không dám ngước mắt nhìn lên, chỉ len lén nhìn sau lưng của người thầy, người cô vất vả với nghề, dìu dắt những đứa học trò như tôi đến với toa tàu tri thức sáng láng. Đâu mơ một ngày, tôi cũng cùng dáng vẻ tất tả như thầy cô tôi - những người cả đời vất vả với công việc truyền đạt kiến thức cho học sinh - không xem công việc của mình là bổn phận hay cái nghề để mưu sinh mà hóa thân vào việc bằng chính con tim, bằng lòng nhiệt huyết và hết lòng tận tụy vì học sinh của mình.

Ngôi trường bao nhiêu tuổi, tôi không biết. Nhưng độ cũ kĩ thì già hơn gấp đôi tuổi tôi thì phải. Nằm trên bãi đất trống và rộng, bên cạnh quốc lộ 53, ngôi trường chắp vá mấy dãy lá ọp ẹp. Mấy phòng tường cấp bốn còn lại cũng không mấy khang trang với hai dãy phòng học, mỗi dãy có một trệt và một lầu, gồm 16 phòng học và 04 phòng dùng để làm Văn phòng, phòng giáo viên, Thư viện - thiết bị và Văn phòng Đoàn. Trang thiết bị còn thiếu thốn, đồ dùng dạy và học còn ít ỏi. Số lượng giáo viên và học sinh vẫn còn ít có thể đếm được. Ở trường, hầu như khoảng cách thầy cô và học sinh không xa cách, thay vào đó, thầy cô luôn xem học sinh như những đứa em của mình, sẵn sàng trò chuyện, chia sẻ, trả lời thắc mắc và luôn lắng nghe nguyện vọng của học sinh, làm cho ngôi trường trở nên thân thiện hơn. Điều khiến cho tôi nhớ mãi là cảm giác không khí ngôi trường ấm áp như đang ở chính ngôi nhà của mình bằng tình thương yêu vô bờ bến của cô thầy. Với học sinh chúng tôi, thầy cô như những “idol” mà chúng tôi luôn ngưỡng mộ và học hỏi, không những nhiệt tình trong công tác giảng dạy, mà khi lên lớp, thầy cô còn mang cả kinh nghiệm sống trao cho chúng tôi. Đọng lại hình ảnh ngày nào những giọt nước mắt hạnh phúc của thầy cô trong ngày 20/11 khi được học sinh cài lên áo những bông hồng, rồi những giọt nước mắt buồn bã khi chia tay với học sinh, rồi những cái ôm thật chặt trong buổi lễ tốt nghiệp, những người chỉ biết lặng lẽ mỉm cười hạnh phúc khi đã đưa được một lớp thế hệ trẻ đến bến bờ tương lai đầy hy vọng.

Tôi trở về trường với cương vị mới - một cô giáo trẻ măng mới hai hai tuổi - thì ngôi trường chẳng khác xưa là mấy: vẫn những dãy phòng tường đã bạc màu vì mưa nắng, vẫn những dãy phòng lá tạm bợ rách nát mà bên này thầy cô giảng bài, các bạn học sinh bàn cuối lớp bên kia có thể nghe rõ mồn một từng lời. Khoảng cách về độ tuổi giữa cô giáo trẻ và các cô cậu học sinh lớp 11, 12 chẳng là bao nên rất nhiều lần tôi phải đỏ mặt bối rối trước những lời chọc ghẹo và những trò nghịch ngợm của học sinh, nhất là có những đứa học sinh hay đi từ phía sau lưng lẹ lẹ vượt lên phía trước rồi quay cổ nhìn lại không ít lần khiến tôi chới với. Lại có lần nọ, đang đứng giảng bài trên bục giảng, quay lưng về phía bảng đen, tôi đã phải giật bắn người suýt hét thất thanh vì cảm giác có bàn tay ai đó đang thò qua lỗ hổng vách lá giật nhè nhẹ tà áo dài của mình… Thì ra là những chú nhóc bàn cuối lớp bên cạnh đang “gây ấn tượng” cho cô giáo trẻ bằng một phương cách hết sức lạ lùng. Dù đã né khu vực lổ trống của vách lá nhiều lân, vậy mà, lần hai, lần ba, rồi vài lần sau nữa, bận say sưa giảng bài “lọt hầm” bước đến chỗ đấy - mỗi lần như thế tôi chỉ biết phì cười rồi lại tiếp tục bài giảng của mình.

Hơn hai mươi năm trôi qua ở cương vị mới, cô giáo trẻ ngày nào đã bước vào tuổi trung niên. Mái tóc, làn da đã nhuốm màu thời gian nhưng ngôi trường cũ lại khác xưa nhiều. Trường THPT Cầu Ngang cũ kỹ ngày nào đã hóa thân thành Trường THPT Dương Quang Đông khang trang bề thế - một ngôi trường đủ sức gây ấn tượng cho bất kỳ ai bước chân đến đây về cả cơ sở vật chất lẫn bề dày thành tích chất lượng dạy và học. Lớp lớp học sinh ra trường và không ít các em thành đạt. Tất cả đã tạo nên niềm tin yêu với các cấp chính quyền, các bậc phụ huynh và các thế hệ học sinh. Góc ký ức ngôi trường chưa đủ xa để nhớ. Mọi thứ dần trở nên quen thuộc hơn, những kỷ niệm năm nảo năm nao dưới mái trường này lại ùa về, từng đợt nhớ. Những cảm xúc chưa lắng xuống. Nay lại gặp tôi của mấy năm về trước, tà áo dài trắng phất phơ trong cái nắng trong veo giao thoa giữa hạ và thu. Khác một cái là ngôi trường đã khoác lên bộ cánh tinh tươm, khang trang và sạch đẹp hơn xưa. Chỉ góc còng già ngày nào vẫn chưa bị thay thế, mà thay thế sao được, nó đã ghi dấu bao kỷ niệm của bao lứa thế hệ ra trường, mỗi lần tốt nghiệp đều gom về đây chụp một tấm ảnh lưu niệm. Nghĩ cũng lạ, hình như, thầy cô hết lượt này đến lượt khác về hưu, chỉ còn nó, như chứng nhân của bao sự kiện lớn nhỏ của ngôi trường này. Mà hông biết, có khi nào, nó kể lại cho tôi nghe không nữa!

KIM HUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/ky-uc-ngoi-truong-xua-40679.html