Ký ức tháng Mười của những cô gái Hà Nội năm xưa

Tham gia kháng chiến khi tuổi đời còn rất trẻ, các cô gái Hà Nội đã gan dạ, kiên cường, nghĩ ra nhiều cách để đánh lạc hướng địch, chuyển tài liệu đến với tổ chức; rải truyền đơn thành công... góp phần vào sự thành công của cách mạng, tiến tới giải phóng Thủ đô vào ngày 10/10/1954.

Rải truyền đơn qua chim bồ câu

Nhớ về những tháng ngày tham gia hoạt động cách mạng, bà Nguyễn Thị Thành Nhân (sinh năm 1932), nguyên Trưởng ban Liên lạc cán bộ phụ nữ tham gia kháng chiến và tiếp quản Thủ đô chia sẻ, năm 16 tuổi bà xung phong tham gia đội Tự vệ ở rạp Chuông Vàng để làm cơ sở thành lập đội Quyết tử quân. Do tuổi còn nhỏ nên bà không được nhận và chỉ được tham gia đội tuyên truyền với nhiệm vụ dùng lời ca, tiếng hát để động viên tinh thần chiến sĩ của ta khi bị thương.

Bà Nguyễn Thị Thành Nhân, nguyên Trưởng ban Liên lạc cán bộ phụ nữ tham gia kháng chiến và tiếp quản Thủ đô - Ảnh: Vân Hà

Bà Nguyễn Thị Thành Nhân, nguyên Trưởng ban Liên lạc cán bộ phụ nữ tham gia kháng chiến và tiếp quản Thủ đô - Ảnh: Vân Hà

Năm 1950, Thành ủy Hà Nội thành lập lực lượng quay trở lại Hà Nội để hoạt động nội thành, bà Thành Nhân lại được làm nhiệm vụ vận động chị em phụ nữ tham gia hoạt động cách mạng, rải truyền đơn.

"Hoàn cảnh lúc đó hết sức khó khăn, địch khủng bố ráo riết, để hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao mà không liên lụy đến bà con, nên có người đã nghĩ ra sáng kiến buộc truyền đơn vào chim bồ câu" - bà Thành Nhân nhớ lại.

Theo lời bà kể, khi đó, chị em tiểu thương ở chợ Đồng Xuân hăng hái tham gia, họ âm thầm buộc truyền đơn vào chim bồ câu và chờ buổi trưa khi cửa khóa sẽ thả chim bồ câu ra, xua cho chim bay lên nóc, truyền đơn được rải khắp nơi, địch không thể tìm ra được người phát tán.

Còn với bà Công Thị Thu, sinh 1930 (xã Phú Thượng, quận Tây Hồ) được giao nhiệm vụ xây dựng phong trào bình dân học vụ; đi vận động các gia đình có cơ sở để cho cán bộ về nằm vùng bảo vệ Thủ đô. Tiếp đó, khi thành lập ban du kích, bà được phân làm trưởng ban, được giao nhiệm vụ gây dựng phong trào phụ nữ. Năm 1947 vận động được gần 100 phụ nữ tham gia, làm bến đò sang bãi sông để trồng ngô, khoai cung cấp lương thực nuôi cán bộ; đồng thời tham gia chuyển tài liệu vào cho tổ chức.

"Có lần tôi được giao nhiệm vụ mang thư vào trong Hà Nội cho các cán bộ, tôi và một đồng chí nữ nữa cùng đi. Địch kiểm tra, lùng sục gắt gao lắm, chúng tôi chuẩn bị nón và mang theo ít ngô bắp. Hai chị em xé bớt vỏ của vài bắp ngô rồi nhét tài liệu vào bên trong rồi để cùng những bắp ngô khác, cứ thể đi vào thành phố" - bà Công Thị Thu kể.

Bà Công Thị Thu, Tiểu đội trưởng, Trưởng ban cán sự phụ nữ xã Phú Thượng, Tây Hồ - Ảnh: Vân Hà

Bà Công Thị Thu, Tiểu đội trưởng, Trưởng ban cán sự phụ nữ xã Phú Thượng, Tây Hồ - Ảnh: Vân Hà

Nữ tù nhân nhà tù hỏa lò kiên cường

Với tinh thần gan dạ, kiên cường những phụ nữ Hà Nội đã hoàn thành các nhiệm vụ mà tổ chức giao cho, ngay cả khi bị địch bắt, họ vẫn luôn giữ tinh thần kiên trung, bất khuất.

Bà Nguyễn Thị Thường - đoàn viên Phụ nữ cứu quốc, đội Hoàng Diệu hoạt động nội thành, chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Hỏa lò kể lại: "tôi bị bắt do lính Pháp chỉ điểm. Chúng dùng đủ các ngón đòn tra tấn dã man để tôi khai ra các thông tin, nhưng không được. Có lần chúng đánh rất nhiều và cặp điện 2 bên tai để quay. Khi đang quay, cặp 1 bên tai bị rơi ra, tôi liền bảo: này, rơi 1 bên rồi. Nghe thế cả nhóm mấy chục lính đều kinh ngạc. Có lẽ do thấy tôi bình thản, không khai bất cứ điều gì nên từ đó chúng không tra tấn nữa".

Không tìm được chứng cứ, chúng đưa bà về trại An Trí – nơi giam giữ những tù nhân “ngoan cố”. Không nao núng, trong trại bà vẫn tích cực tham gia sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền về cách mạng cho những bạn tù.

Trước giải phóng, nhóm của bà được áp giải ra Hải Phòng dự kiến đưa lên tàu chở ra khơi rồi thả xuống biển… thủ tiêu. Biết âm mưu của địch, bà lại cùng đồng đội đấu tranh kiên quyết không lên tàu.

Bà Nguyễn Thị Thường, cựu tù binh nhà tù Hỏa Lò - Ảnh: Vân Hà

Bà Nguyễn Thị Thường, cựu tù binh nhà tù Hỏa Lò - Ảnh: Vân Hà

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Genever được ký kết, bà Thường được trả tự do sau khi có lệnh trao đổi tù binh. Trở về Thủ đô, bà lại cùng chị em phụ nữ chuẩn bị cho ngày đón đoàn quân chiến thắng trở về vào 10/10/1954.

Vỡ òa trong niềm vui khải hoàn

Theo chân cách mạng đi nằm vùng, khi Thủ đô được giải phóng, bà Thành Nhân được giao nhiệm vụ quay lại Hà Nội để tập huấn về chính sách đối xử với các tầng lớp Nhân dân. Do Hà Nội thiếu cán bộ nên đã nhờ cán bộ ở các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa hỗ trợ, bà được giao nhiệm vụ hướng dẫn về đường đi, cách thức hoạt động...

"Đúng ngày 10/10 chúng tôi có nhiệm vụ huy động chị em ở chợ Đồng Xuân, học sinh, sinh viên đứng đón bộ đội mình về. Không thể nói hết được niềm vui sướng khi đất nước được giải phóng, từ nay trở đi mình sẽ sống trong hòa bình" - bà Thành Nhân hồ hởi.

Bà Nguyễn Thị Tâm, cựu du kích liên xã Quảng Tân

Bà Nguyễn Thị Tâm, cựu du kích liên xã Quảng Tân

Mặc dù đã 92 tuổi nhưng với bà Nguyễn Thị Tâm, cựu du kích liên xã Quảng Tân, quận 5, Hà Nội (nay là quận Tây Hồ) những ấn tượng, cảm xúc về thời khắc đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ Đô vẫn còn nguyên vẹn. "Chúng tôi rất mừng vui, sung sướng khi Thủ đô được giải phóng. Khi đó, ai cũng mặc quần áo đẹp, đàn ông thì mặc áo sơ mi, đi giày Tây; phụ nữ đứng thành hàng cầm cờ vẫy trong không khí nô nức, hân hoan"- bà Nguyễn Thị Tâm nhớ lại.

Bà Tạ Quế Anh, cán bộ quân y cùng con dâu tại buổi gặp mặt phụ nữ tiêu biểu tham gia kháng chiến và tiếp quản Thủ đô nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội tổ chức - Ảnh: Vân Hà

Bà Tạ Quế Anh, cán bộ quân y cùng con dâu tại buổi gặp mặt phụ nữ tiêu biểu tham gia kháng chiến và tiếp quản Thủ đô nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội tổ chức - Ảnh: Vân Hà

Trong niềm vui đó, cũng có những người phụ nữ tiếp tục nhận nhiệm vụ đặc biệt, dù không được trực tiếp đón đoàn quân chiến thắng trở về, nhưng họ trong họ luôn ngập tràn niềm vui chung cùng Thủ đô. Đó là câu chuyện của bà Tạ Quế Anh. Vào bộ đội từ năm 1949 khi mới 17 tuổi, bà đã có tuổi trẻ đi qua nhiều chiến dịch như chiến dịch biên giới tại Cao Bằng, chiến dịch Điện Biên với nhiều nhiệm vụ khác nhau: từ hậu cần đến pha chế thuốc, làm dược tá cứu chữa thương binh.

Tháng 10/1954, được Cục Quân Y điều về tiếp quản Thủ đô và nhận nhiệm vụ đặc biệt, cô dược tá ấy không khỏi bồi hồi nghĩ rằng sẽ được về gặp mẹ và các em nơi Thủ đô yêu dấu (tại làng Định Công, huyện Thanh Trì, nay là quận Hoàng Mai), nhưng do nhiệm vụ, xe của bà không ở lại mà đi qua những đường phố Hà Nội, băng qua con phố dài Kim Mã, đi thẳng Sơn Tây. Gác lại mong muốn được gặp mẹ, bà tiếp tục dồn tâm sức cho những ngày luyện tập tại sân bay Hòa Lạc, rồi về sân bay Bạch Mai để tổng duyệt cho lễ duyệt binh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 1/1955.

Ký ức tháng Mười với riêng bà thật khó tả, có niềm vui chung của người Hà Nội đã hoàn toàn giải phóng, có sự kiên gan nén lại niềm vui sum họp gia đình, lòng tự hào của một công dân, một người lính luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao…

"Với một lòng tin tưởng sâu sắc vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Hà Nội, phụ nữ Hà Nội đã kiên cường, anh dũng, chịu đựng gian khổ, hi sinh, nhiều người đã không tiếc máu xương, hiến trọn tuổi thanh xuân, giữ trọn khí tiết bảo vệ tổ chức, bảo vệ cơ sở cách mạng, nêu tấm gương kiên trung, bất khuất" - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội Lê Kim Anh bày tỏ sự tri ân với các bà, các mẹ đã tham gia vào công cuộc bảo vệ đất nước và Thủ đô.

Thịnh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ky-uc-thang-muoi-cua-nhung-co-gai-ha-noi-nam-xua.html