Ký ức về ngày giải phóng quê hương

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi. Trong kỳ tích đó có sự góp sức của Nhân dân Quảng Trị anh hùng. 45 năm đã trôi qua, ký ức về ngày chiến thắng của dân tộc vẫn luôn tươi mới trong trái tim của nhiều người dân nơi đây.

 Cựu chiến binh Lê Đức Trị (thứ 3 bên phải sang) cùng đồng đội trong một lần gặp mặt Đặc công K10 Quảng Trị. Ảnh nhân vật cung cấp

Cựu chiến binh Lê Đức Trị (thứ 3 bên phải sang) cùng đồng đội trong một lần gặp mặt Đặc công K10 Quảng Trị. Ảnh nhân vật cung cấp

Không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui chiến thắng

Ông Lê Đức Trị (66 tuổi), cựu chiến binh, hiện sống ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, kể trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ông là chiến sĩ liên lạc của Tiểu đoàn 10 Đặc công Quảng Trị. Nhiệm vụ của ông lúc đó là truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu của Ban chỉ huy Tiểu đoàn xuống các đại đội trực thuộc; đồng thời giữ liên lạc giữa Ban chỉ huy Tiểu đoàn với Sở chỉ huy tiền phương Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị ở cánh tây Hải Lăng, thuộc khu vực Vũng Tròn (phía tây xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng) bây giờ để trực tiếp tham gia trận tiến công Chi khu quân sự Mai Lĩnh (nay ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng), mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị.

Trong trận tiến công cao điểm 122 thuộc chi khu, khi đang làm nhiệm vụ liên lạc tiểu đoàn, ở một mũi chiến đấu thiếu người, ông Trị cùng nhiều đồng đội được bổ sung vào chiến đấu, thêm một tay súng là thêm sức mạnh áp đảo. Với tinh thần tổng tiến công “tất cả cho tuyến đầu”, chỉ trong mười ngày tiến công áp đảo, tuyến phòng thủ của quân đội Sài Gòn ở miền tây nam Quảng Trị đã lung lay tận gốc rễ, buộc phải “tùy nghi di tản” rút chạy vào Thừa Thiên - Huế. Tỉnh Quảng Trị được giải phóng hoàn toàn vào ngày 19/3/1975, tạo thế và lực góp phần đẩy nhanh chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày 19/3/1975, các tiểu đoàn bộ binh tiếp tục tiến vào phía Nam theo mệnh lệnh Quân khu để giải phóng Huế, riêng Tiểu đoàn K10 ở lại làm nhiệm vụ tiếp quản và quân quản, tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống Nhân dân hai khu vực Đông Hà và tiểu khu Quảng Trị mới ở hồ Nước Chè (Hải Lăng). Kể về thời khắc nghe tin đất nước được hoàn toàn giải phóng, ông Trị không giấu được xúc động: “Vào khoảng 12 giờ trưa 30/4/1975, anh Lê Hữu Thử, chính trị viên tiểu đoàn cầm cái máy thu thanh từ trong nhà chạy ra sân kêu to: “Quân ta đã tiến vào Dinh Độc lập, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện!”. Tất cả anh em trong tiểu đoàn lặng đi không ai nói một câu nào vì quá xúc động. Không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui chiến thắng, nhưng ngay tại thời điểm đó, không ai bảo ai, chúng tôi đều tưởng nhớ đến những đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ước gì các anh cũng chứng kiến giây phút lịch sử trọng đại của ngày chiến thắng như chúng tôi”.

Ngay sau giải phóng, ông Trị được cấp trên cho đi học sĩ quan rồi làm Trung đội trưởng Trung đội Trinh sát của Tiểu đoàn 33, Đặc công Quân khu 4. Năm 1979, Tiểu đoàn 33 Đặc công Quân khu 4 được điều động chi viện Mặt trận Quân khu I ở Cao Bằng trong đội hình Trung đoàn 114 của Bộ Tư lệnh binh chủng Đặc công. Năm 1996 ông chuyển về công tác tại Văn phòng UBND huyện Vĩnh Linh cho đến khi nghỉ hưu.

Đã 45 năm trôi qua, hào khí về cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 ở Quảng Trị trong ông vẫn không mờ phai theo năm tháng. Được chiến đấu trong đội hình đơn vị Đặc công anh hùng, đơn vị được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn và trận kết thúc chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1975, mỗi tháng Tư về, ông cùng đồng đội cảm thấy tự hào vì đã góp phần nhỏ bé vào chiến công vĩ đại của dân tộc. Ông luôn nhận thức trách nhiệm của mình là tiếp tục sống xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội.

Vỡ òa trong niềm vui và tự hào

Đã gần một nửa thế kỷ trôi qua nhưng trong tâm thức của ông Lê Hữu Thăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, quê ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc của giây phút mừng ngày đất nước thống nhất.

Ngày 19/3/1975, huyện Hải Lăng là phần đất cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được giải phóng, nhưng phía chính quyền miền Nam cũ lôi kéo hầu hết Nhân dân chạy vào phía Nam. Lúc đó ông Thăng đang làm Phó Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời xã Hải Thượng. Nhiệm vụ ông lúc đó là cùng cán bộ của thị xã Quảng Trị, một số cán bộ, xã và huyện Hải Lăng do ông Nguyễn Minh Kỳ, Tỉnh ủy viên, Bí thư thị ủy Quảng Hà trực tiếp chỉ huy vượt sông Ô Lâu, thọc sâu vào địa bàn của tỉnh Thừa Thiên - Huế để vận động và tổ chức cho người dân trở lại vùng vừa mới được giải phóng của Quảng Trị. Chiều 25/3/1975, ông cùng đồng đội tiến vào thành phố Huế. Sau khi Huế được giải phóng vào ngày 26/3/1975, ông tham gia công tác an ninh trật tự, dân vận tuyên truyền chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta để ổn định Nhân dân.

Những ngày ông ở thành phố Huế là những ngày dồn dập nghe tin chiến thắng, từ Đà Nẵng đến giải phóng Sài Sòn. Cũng như cả dân tộc Việt Nam, chiến thắng ngày 30/4/1975, ông cùng nhiều người mừng vui trong tiếng reo hò, sung sướng đến tột cùng và nhiều đêm thao thức không ngủ được. “Sướng, không có sướng nào bằng; vui, không có vui nào bằng; tự hào, không có tự hào nào bằng...”, ông Lê Hữu Thăng nhớ lại.

 Ông Lê Hữu Thăng ( ngồi giữa ) cùng gia đình. Ảnh nhân vật cung cấp

Ông Lê Hữu Thăng ( ngồi giữa ) cùng gia đình. Ảnh nhân vật cung cấp

Sau khi tham gia giải phóng tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông cùng đồng đội phải trở lại Quảng Trị để đón Nhân dân đi sơ tán trở về. Những ngày đầu tháng 5/1975 ấy, khắp thôn xóm đâu đâu cũng tràn ngập niềm vui đoàn tụ. Nhiều gia đình cha mẹ gặp được con, vợ gặp được chồng, anh gặp được em... vui mừng khôn xiết. Tiếng khóc mừng tủi vỡ òa trong buổi trùng phùng. Những ngày đầu trên quê hương giải phóng, đất nước thống nhất, công việc của chính quyền cách mạng vô cùng bề bộn. Gia tài của người dân ngày trở về quê nhà hầu hết chỉ chất gọn vào một đôi quang gánh trên vai. Sau thời gian đi sơ tán, nhà cửa hầu hết bị bom đạn phá tan nên người dân phải chặt tre, cắt cỏ tranh để làm tạm nếp nhà trú mưa nắng. Những ngày đó đến cỏ tranh cũng không đủ lợp nhà, phải xin cấp trên chi viện thêm những cuộn giấy dầu (giấy có tráng nhựa đường) dựng nhà tạm để ở. Công việc cấp thiết nhất là vận động Nhân dân lo trồng rau màu để chống đói, đồng thời lo ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vì mặc dù chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ, nhưng những kẻ phản động vẫn còn lẩn khuất, giấu mặt. Bên niềm vui sum họp của nhiều gia đình, vẫn còn không ít gia đình khác lại ngậm ngùi, đau xót khi những người thân của mình đã mãi mãi ra đi vì bom đạn chiến tranh.

Hạnh phúc trọn vẹn

 Vợ chồng hưu trí công an Trần Đức Túy và Lê Thị Lan nâng niu những kỷ vật kháng chiến. Ảnh: Tú Linh

Vợ chồng hưu trí công an Trần Đức Túy và Lê Thị Lan nâng niu những kỷ vật kháng chiến. Ảnh: Tú Linh

Vợ chồng ông Trần Đức Túy và bà Lê Thị Lan trú tại Khu phố 3, Phường 1, TP.Đông Hà chứng kiến hạnh phúc của dân tộc trong niềm hạnh phúc riêng tư của mình. Ở tuổi ngoài 70, ông Túy nhớ lại, năm 1972, đang công tác tại Khu ủy Trị Thiên-Huế thì được lệnh của cấp trên điều về đồng bằng, bổ sung vào lực lượng của Phòng Trinh sát bảo vệ chính trị (Phòng 48) của Ty Công an tỉnh Quảng Trị. Tại đây, ông gặp và yêu đồng đội Lê Thị Lan cùng cơ quan, nguyên là học sinh K8, ở xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh. Yêu nhau trong hoàn cảnh chiến tranh nên hai người lính hẹn hò cùng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, chờ ngày hòa bình sẽ về chung một nhà. Trong những ngày này, bà Lê Thị Lan đảm nhận một công việc bí mật của ngành.

Những ngày tháng 4/1975, đội trinh sát của ông được điều động lên tuyến trước tiếp quản vùng mới giải phóng tại Hải Lăng, phối hợp với các lực lượng địa phương ổn định tinh thần, tư tưởng cho Nhân dân, giữ vững an ninh trật tự, phối hợp cùng công an xã, thôn giữ gìn tài sản, nhà cửa của Nhân dân để chuẩn bị đón người dân trở về ổn định cuộc sống. Ông cùng đồng đội tuyên truyền 10 điều của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đối với vùng mới giải phóng, vận động Nhân dân không được tàng trữ vũ khí, đưa đón người dân trở về quê Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong… an toàn. Vui với niềm vui Quảng Trị vừa được giải phóng, rồi tin thắng trận từ Bình Định, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Đồng Nai… liên tục được truyền về khiến ông Túy và đồng đội thêm phấn chấn. Họ như cảm nhận được ngày đất nước được giải phóng đang cận kề.

Trưa 30/4/1975, trong khi đang làm nhiệm vụ, tin từ mặt trận báo về quân ta đã vào Dinh Độc lập, giải phóng Sài Gòn, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi hoàn toàn, non sông từ nay thu về một mối, niềm vui như vỡ òa trong lồng ngực người lính trẻ. “Thắng rồi! Thắng rồi!”, ông cùng đồng đội và nhiều người dân nắm tay hân hoan reo mừng, cùng hòa chung niềm vui chiến thắng. Không lâu sau ngày đất nước hòa bình, ước nguyện hạnh phúc của hai người lính đã trở thành hiện thực. Tiệc cưới đơn sơ được diễn ra nhưng cũng có đầy đủ gia đình hai bên và đồng đội, quà mừng cưới là bộ ấm chén, bát đũa, phích nước… cho một gia đình mới với lời chúc đôi vợ chồng trẻ sớm sinh con đầu lòng.

Chiến thắng 30/4 là sự kiện trọng đại của lịch sử Việt Nam, ngày cả dân tộc ca khúc khải hoàn, kết thúc cuộc trường chinh kéo dài suốt 21 năm chiến đấu giành độc lập, thống nhất đất nước. Những người còn sống nguyện tiếp tục sống xứng đáng hơn nữa với sự hy sinh to lớn mà cả dân tộc đã đổ biết bao nhiêu máu và nước mắt mới có được ngày hòa bình và phát triển như hôm nay.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=147994