Ký ức về những mùa cày

Tuổi thơ tôi gắn với cánh đồng, bờ đê, lũy tre làng, dòng sông, lưng trâu và mùa vụ. Chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, đá bóng, bắt cá giữa đồng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Nhưng có lẽ, ký ức về những mùa cày xưa cũ 'con trâu đi trước, cái cày theo sau' để lại nhiều kỷ niệm nhất. Đến khi trưởng thành, ký ức đó vẫn theo tôi lên phố thị, để rồi khi bắt gặp những cánh đồng ruộng lúa, đàn trâu, ký ức đó lại ùa về, xao xuyến, bâng khuâng...

 Đời sống của người dân ở cù lao Bắc Phước ngày một đổi thay - Ảnh: N.B

Đời sống của người dân ở cù lao Bắc Phước ngày một đổi thay - Ảnh: N.B

Tôi sinh ra ở nông thôn, nơi cù lao Bắc Phước, một vùng ốc đảo nằm gọn giữa bốn bề sông nước bao quanh bởi hai nhánh sông Thạch Hãn và sông Hiếu, thuộc xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong. Trước đây, quê tôi nghèo lắm, đất nông nghiệp chưa đầy 120 ha, lại làm 1 vụ lúa nhờ trời nên cái đói, nghèo vẫn đeo bám mấy chục năm ròng.

Khoảng 15 năm về trước, cả làng đều lấy nông nghiệp làm nghề chính và độc canh cây lúa, hoa màu nên chuyện cày bừa khi mùa vụ đến rất quan trọng. Làng tôi chỉ làm mỗi vụ lúa, hoa màu đông xuân nên mùa cày ải bắt đầu từ cuối tháng 10 âm lịch; mùa cày, bừa làm đất gieo lúa, hoa màu có khi kéo dài đến cận tết Nguyên đán. Quê tôi, hầu như nhà nào cũng nuôi trâu và có từ 2 - 3 trâu cày, đây là những con trâu to khỏe. Ngày ấy, mùa cày vất vả lắm. Thời tiết lập đông rét cắt da, cắt thịt nhưng ai cũng dậy sớm. Từ 3 - 4 giờ sáng, những đứa trẻ chăn trâu tuổi tầm 13 - 14 như tôi đã lọ mọ dậy cho trâu ăn rơm khô, uống nước rồi dẫn trâu ra những thửa ruộng chờ sẵn. Khi trời vừa sáng, những anh thợ cày vác cày ra đồng, tra ách (quê tôi gọi dù) vào cổ trâu bắt đầu một ngày lao động vất vả. Nhà nào nhiều trâu thì cày 2 con một lúc (dùng dù đôi), nhà nào ít trâu thì cày dù đơn. Vất vả nhất là những ngày thúc trâu cày (tập cho trâu cày), vì trâu còn non, khi tra dù vào cổ và kéo nặng thường bị dập thịt, lở da cổ nên vùng chạy tứ tung. Những đứa trẻ chăn trâu chúng tôi vừa phải cầm chắc dây xỏ mũi, vừa dẫn trâu đi theo ngang hàng thẳng lối. Để trâu cày nhanh tiến bộ, người quê tôi ghép một con trâu cày thành thạo, khỏe mạnh vào cày chung với trâu mới “vào nghề”. Trâu mới “vào nghề” dù bướng đến đâu cũng rất nhanh chóng đi vào khuôn khổ theo sự điều khiển của người cày. Vài ba hôm sau, trâu mới thúc cày thuần dần, lúc đó những đứa trẻ chăn trâu cày như tôi mới đỡ vất vả.

Ngày nào bận học, đám trẻ chăn trâu chúng tôi đến trường. Tan học lại ra đồng theo mùa trâu cày. Đứa học buổi sáng thì 6 giờ khi người lớn tra dù vào trâu cày mới được về đi học. Trưa học về lại ra đồng chăn trâu. Đứa học buổi chiều thì từ mờ sáng đã dậy đưa trâu ra đồng đến tận xế trưa mới về đi học. Hôm nào nghỉ học, cả đám trẻ chăn trâu chúng tôi đều ra đồng theo mùa trâu cày.

 Đàn trâu , bờ đê, cánh đồng luôn để lại những ký ức đẹp trong lòng người dân quê - Ảnh: N.B

Đàn trâu , bờ đê, cánh đồng luôn để lại những ký ức đẹp trong lòng người dân quê - Ảnh: N.B

Trâu cày từ sáng đến trưa là nghỉ ngơi, đám trẻ chăn trâu chúng tôi ở lại đưa trâu đi ăn cỏ, uống nước và đợi người nhà mang cơm ra đồng. Nhiều lúc trong nhóm chăn trâu cắt cử ra vài đứa về làng lấy cơm cho cả nhóm. Những đứa ở lại chăn trâu, đa phần đều con nhà nghèo, đói, lạnh nên bày ra đủ trò để kiếm thức ăn. Chúng tôi chỉ để lại vài đứa làm nhiệm vụ chăn cả đàn trâu, số còn lại chia nhau ra các hướng bắt cá, tôm, cua đồng về nướng ăn. Ngày đó, cá tôm nhiều lắm chứ không khan hiếm như bây giờ nên đứa nào cũng lưng bụng. Cơm được mang sang khi buổi cày chiều vừa chuẩn bị bắt đầu. Ăn vội vã, rồi lùa trâu cày về ruộng. Nếu nhà nào trâu cày thành thạo thì những đứa trẻ chăn trâu có chút thời gian nhàn rỗi ngồi trên đê học bài, vui chơi. Ngược lại, gặp những đợt trâu cày mới thúc thì phải cầm dây xỏ mũi dẫn trâu đi quanh ruộng theo vòng tròn đến xây xẩm mặt mày. Trời nhá nhem tối, buổi cày kết thúc. Đám trẻ chăn trâu chúng tôi lại lùa trâu đi gặm cỏ, uống nước. Để chống chọi với cái lạnh tê buốt, bụng đói, cả nhóm trẻ chăn trâu lại đốt lửa, nướng cá, tôm chia nhau ăn ngon lành. Tối mịt, cả nhóm ới gọi nhau rồi cùng lùa trâu về làng.

Năm nào nhà tôi cũng có 3 - 4 trâu cày trưởng thành và trong làng có khoảng 10 hộ có trâu cày khỏe như gia đình tôi. Sau khi cày đất ruộng của gia đình mình xong, trâu cày của nhà tôi và một số nhà khác thường chuyển qua cày thuê cho các gia đình không có trâu hoặc ruộng nhiều. Làm dịch vụ thu tiền nên đám trẻ chúng tôi thường được ba mẹ hứa khi nhận tiền cày thuê sẽ cho chúng tôi bộ áo quần, đôi dép mới. Thế nên, chúng tôi háo hức lắm, chẳng than phiền điều gì, hễ sai đâu là làm đó và khi nghĩ đến bộ quần áo, đôi dép mới trong dịp tết Nguyên đán đang cận kề là bao mệt mỏi tan biến hết.

Trong mùa cày, tình cảm của người nông dân đối với những con trâu càng gần gũi, thân thương. Người nông dân hiểu được những vất vả của trâu cày nên chăm sóc rất chu đáo. Từ đó, trâu và người nông dân như có mối gắn kết, làm việc nhịp nhàng với nhau. Giữa buổi nghỉ cày, chúng tôi chăm sóc trâu rất cẩn thận, làm sạch bùn đất cho trâu, chọn bãi cỏ đẹp để thả, thậm chí còn mang theo rơm khô để trâu ăn thêm cho lại sức. Trâu cày thuê càng nhiều ruộng, đám trẻ chúng tôi càng vui. Bởi biết rằng Tết này nhà mình cũng được đủ đầy, các anh em trong nhà không phải thiếu ăn, không phải mặc áo quần, đi dép cũ.

Mùa cày kết thúc cũng là lúc tết Nguyên đán cận kề. Việc đồng áng xong xuôi, người dân quê tôi thường tổ chức lễ “rửa tay”, đại ý mùa cày, việc đồng áng đã xong, gác lại sự vất vả để vui vầy bên nhau trong bữa cơm ấm cúng và ước mong về một vụ mùa bội thu. Sau lễ “rửa tay”, người dân quê tôi bắt đầu tập trung vào làm việc nhà, đi làm thêm để chuẩn bị đón Tết.

Ngày nay, cuộc sống người nông dân quê tôi đã khấm khá hơn. Làm nông nghiệp đã có máy móc hiện đại nên đám trẻ chăn trâu rất nhàn hạ so với thế hệ chúng tôi. Trâu hiện nay nuôi để làm kinh tế chứ không còn phục vụ kéo cày, bừa như trước. Bây giờ hiếm khi thấy, thậm chí là không còn cảnh trâu cày ruộng. Ấy thế nhưng, mỗi lần nhìn thấy cánh đồng, đàn trâu, máy cày nhộn nhịp trên đồng ruộng, tôi lại nhớ về những câu chuyện thuở mục đồng cùng những ký ức vui buồn lẫn lộn. Tất cả những ký ức ấy vẫn vẹn nguyên, đong đầy trong tôi...

Vân Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=155301