Kỷ vật gia đình

Một phần đời của tôi đã thuộc về cha mẹ. Một ngăn cặp là một ngăn lưu trữ vô giá không bao giờ gỉ sét của kỷ niệm. Mỗi đứa chúng tôi là một số ít nhưng là ngôi thứ nhất trong lòng má tôi

Qua những tháng năm lưu lạc, tai ương, thăng trầm dời đổi chỗ ở, ba má tôi vẫn giữ được nguyên vẹn chiếc cặp đựng giấy tờ mà chị em chúng tôi vẫn gọi bằng một cái tên rất riêng chỉ người trong cuộc mới hiểu hết cái nghĩa của nó, đó là "chiếc cặp lung tung". Đúng vậy, nhờ "chiếc cặp lung tung" này mà cuộc đời tôi và các em tôi được sắp xếp trong một trật tự, ngăn nắp, lớp lang, y hệt bộ nhớ của chiếc máy vi tính gia đình.

Ban đầu, nó là cái cặp da đen chứa sách vở đồ dùng dạy học, có khi là bộ quần áo, cái khăn mặt... cho ba tôi gác trên tay cầm xe đòn dông mà đạp đi dạy học, đi về quê thăm tôi và má tôi những năm 55-60 thế kỷ trước. Sau đó, ba tôi từ giã nghề giáo, cái cặp thành nơi giữ gìn tất cả những thứ giấy tờ của gia đình. Nó được yên vị ở một nơi tuy hơi tối một chút nhưng mát mẻ quanh năm, đó là cái ngăn lớn của tủ quần áo.

Một trang học bạ còn lưu lại trong những chiếc cặp của gia đình Ảnh: INTERNET

Một trang học bạ còn lưu lại trong những chiếc cặp của gia đình Ảnh: INTERNET

Trong cặp, những thứ giấy mỏng, dày, lớn nhỏ khác nhau được má tôi xếp một cách thứ tự. Cái cách trang trọng khi dời chiếc cặp ra, cách cẩn thận nhẹ nhàng từng ngón tay khi lật những trang giấy cho tôi một câu hỏi lúc tuổi bé bỏng là giấy tờ là cái gì mà quan trọng vậy? Lần đầu tiên sau khi đọc đã rành mặt chữ, tôi được má cho xem những bí mật trong chiếc cặp ấy. Tôi chăm chú, lẩm nhẩm đọc. Nào là giấy khai sinh, tờ khai gia đình, học bạ… Qua sự giải thích của má, tuy không hiểu hết nhưng tôi biết rằng đó đều là những giấy tờ quan trọng với cuộc sống cả nhà tôi.

Khi tôi học xong trung học, má tôi chia ra từng xấp hồ sơ riêng cho cá nhân mỗi đứa. Em út 7 tuổi còn nhỏ quá nên cái tép hồ sơ cá nhân ít ỏi của nó được xếp chung vào túi bằng bì giấy hơi dày của tôi. Tuy đã ý thức rất rõ là mình phải làm gì nhưng tiếng của má dặn vẫn âm âm nhắc đi nhắc lại trong trí não tôi: "Có ra sao đi nữa thì cũng không được để lạc em và túi giấy tờ!". Đó lần đầu tiên cái cặp được tạm thời chia ra...

Giờ đây, con trai lớn của tôi đã 40 tuổi. Gia đình nhỏ của tôi từ lâu cũng đã có một cái... cặp lung tung! Tôi cũng nhiều lần khẽ khàng xếp các loại giấy tờ, bằng cấp học hành, kể cả những tờ giấy nguệch ngoạc những nét vẽ đầu tiên của 3 đứa con tôi…thành từng xấp riêng biệt thứ tự như má tôi đã từng làm, với niềm xúc động kỳ lạ!

Mỗi lần ghé thăm ba tôi, ông hay nhắc: "Giấy tờ của đứa nào thì đem hết về mà giữ đi con, ba già rồi". Mỗi lần nghe vậy là mỗi lần lòng tôi lặng đi nhưng tuyệt nhiên tôi không "đem hết về" như ba dặn. Bây giờ tôi gắn vô "số nhiều" của vợ chồng con cái riêng chúng tôi nhưng một phần đời của tôi đã thuộc về cha mẹ. Một ngăn cặp là một ngăn lưu trữ vô giá không bao giờ gỉ sét của kỷ niệm. Mỗi đứa chúng tôi là một "số ít" nhưng là ngôi "thứ nhất" trong lòng má tôi. Vậy thì, lý do gì để tôi có thể bứt mình ra khỏi chỗ đã từng cư ngụ an bình và hạnh phúc đó?

Cái cặp giấy tờ không có tuổi - bởi nó đã thoát khỏi vòng sinh tử của con người. Duy chỉ có má tôi, người bảo vệ cho sự sống còn của nó, đã đi xa 22 lần Tết rồi. Đúng ngày 30 Tết, năm nào cũng vậy, chị em tôi hẹn nhau về mái nhà chung để sum vầy và thắp hương cho má. Sau đó sẽ ăn với nhau một bữa cơm cuối cùng của năm cũ. Lần nào cái cặp giấy tờ cũng được em trai kế tôi nhấc ra. Quý nhất đối với tôi là cuốn sổ tay của má với nét chữ đẹp chân phương. Trong đó, má tôi ghi đặc điểm của các con lúc mới chào đời… Về ngày sinh, chúng tôi có cả giờ giấc, ngày dương lịch lẫn âm lịch. Theo má tôi nói là để sau này chúng tôi biết mà… chấm lá số tử vi. Tôi chưa từng đi chấm số nhưng tôi biết mình sung sướng hơn má tôi vì sống trong lửa đạn chiến tranh chỉ có một phần đời thôi. Hơn nữa dù có khó khăn gì tôi vẫn còn được đùm bọc bởi ba má, khác với má tôi đã không hề có giấy tờ gì lúc nhỏ, kể cả tờ giấy khai sinh thật cần thiết và thiêng liêng bởi vì bà đã mồ côi mẹ ngay từ những giây phút mới chào đời.

Nhiều lần tôi lật đi lật lại cái tấm giấy khai sinh, cái thẻ học sinh lớp đệ thất của mình, thầm nhủ: Bây giờ nộp vào đâu nữa? Xin vào lớp nào? Rồi tự cười một mình cho ý nghĩ của mình. Tôi biết, những dấu mộc đỏ mờ hoen này, những số ngày tháng ghi không còn rõ này, chẳng còn chút giá trị gì trên thực tế nữa. Nó giống như một thứ hư ảo, thuộc về quá khứ xa xăm. Nhưng sao trong lòng tôi, cái hư vô ấy lại hằn lên bao nhiêu ngấn tích. Tôi sẽ phải còn giữ gìn cái thẻ có tấm ảnh cười toe toét ấy và cái giấy khai sinh có dòng chữ "tên họ đứa nhỏ", "con trai hay con gái"… cho đến bao giờ nữa, hết cuộc đời mình chăng? Hay là tới cái lúc tôi quên được má tôi? Có lẽ đúng vậy, có những thứ giấy tờ ngoại lệ, bởi cái niên hạn sử dụng nó vượt qua khỏi thời gian!

Giờ đây tóc đã bạc, ngoảnh lại nhìn chiếc cặp đơn sơ của ba má, nơi cất giấu tâm hồn và tình cảm của chúng tôi, bất chợt tôi có cảm tưởng chị em tôi là một lũ búp bê còn cư trú trong đó. Ôi, được bé bỏng lại, trẻ thơ lại thật hạnh phúc biết dường nào. Quá khứ của một con người, một gia đình, lớn nữa là quá khứ của Tổ quốc, của nhân loại… phải chăng vẫn được lưu giữ trong những chiếc cặp hữu hình và vô hình… có tên là lịch sử, bắt đầu từ những chiếc cặp đơn sơ bé nhỏ kia?

Tình yêu và khát vọng làm người

Lớn lên từ chiếc cặp gia đình, chúng ta bước từng bước qua những chiếc cặp học trò. Từ chiếc cặp sách vỡ lòng đến chiếc cặp thời trung học, đại học... cất giấu cả tình yêu và khát vọng làm người. Thế giới này nói cho cùng cũng chỉ là một chiếc cặp vũ trụ, nơi con người dù sống đến trên 100 tuổi, vẫn chỉ là một đứa trẻ. Đứa trẻ ấy đến trường học tạo hóa, học cách giữ lấy quá khứ, giữ lấy lịch sử của mình. Để dù văn minh tới đâu, con người vẫn nhớ mình mãi mãi là một con người từng thơ bé, từng quấn quýt trong vòng tay ba má thuở thơ ấu ngày xưa...

NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/ky-vat-gia-dinh-20200425204813458.htm