Kỳ vĩ hang động Thăng Hen
Chum đựng nước trời
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách là những ngôi nhà nghỉ xinh xắn được thiết kế kiểu nhà sàn truyền thống của đồng bào các dân tộc phía Bắc. Các nhà nghỉ nằm ẩn mình dưới những tán cây rừng, mặt trước quay xuống hồ Thăng Hen và lọt thỏm giữa bốn bề xanh ngát cây cối. Không khí trong lành.
Theo giới thiệu của chị Trần Thị Thơm, Giám đốc KDL, Thăng Hen tiếng dân tộc Tày - Nùng là cái chum, ý muốn nói nơi đây như một cái chum đựng nước trời, vì nằm lọt thỏm giữa núi cao dựng đứng (núi Quân Tử), hứng nước từ các khe suối chảy ra quanh năm, nên nước hồ luôn có màu xanh ngọc bích và không bao giờ cạn. Vào ngày trời xanh trong, bầu trời cùng bóng núi in bóng dưới mặt hồ trông thật quyến rũ.
Sau khi nghỉ ngơi lấy lại sức của hành trình dài ngày hôm trước, cả đoàn được hướng dẫn lội rừng khám phá hang động trong lòng núi. Du khách được thông báo hành trình leo núi khá vất vả, phụ nữ không được mang giày cao gót, nam quần sooc, áo thun. KDL còn chuẩn bị cho mỗi người một đôi ủng để vượt qua quãng đường sình bên sông.
Du khách phải vượt qua 2km đường rừng với nhiều đoạn dốc mới đến trước cửa hang động. Muốn đi sâu vào trong phải dùng bè vượt qua đoạn sông nhỏ nước màu xanh ngọc. Cảnh tượng chiếc thuyền đánh cá mỏng manh làm bằng tôn với gỗ thong thả lướt nhẹ trên mặt sông, in bóng cả bầu trời xanh và núi cao, khiến du khách như cảm thấy đang lạc vào nơi tiêu diêu tự tại.
Qua sông, từng tốp 2-3 người được phát cái đèn pin gắn trên đầu đi trong hang động. Tiến dần vào trong, từng khối thạch nhũ hiện ra qua những ngóc ngách của con đường rừng mới kỳ vĩ làm sao, với vô số hình thù độc đáo khiến mọi người quên đi mọi mệt nhọc.
Quãng đường trong lòng núi dài đến hơn 3km bỗng trở nên ngắn lại, không ai muốn bỏ cuộc. Cái cảm giác mệt đừ, thở hổn hển khi vừa ra khỏi cửa hang, thấy được ánh sáng trời và hít thở không khí trong lành mới khoan khoái làm sao.
Cung điện giữa núi cao
Sau những giờ lội bộ mệt nhoài, du khách được thưởng thức âm nhạc dân tộc do chính những cô gái người dân tộc Tày ở địa phương biểu diễn buổi tối. Chúng tôi được dùng bữa và giao lưu âm nhạc dân tộc trong động có tên là Hàm Hương có sức chứa hơn 100 người.
Dưới ánh sáng điện chiếu vào lung linh, thế giới thạch nhũ hiện lên hết vẻ đẹp kỳ vĩ vốn có. Có những khối thạch nhũ rủ xuống trông rực rỡ như những chùm đèn trong cung điện, hoặc có những không gian nhỏ đủ chỗ cho 2 người ngồi, với thạch nhũ rủ xuống che kín như cái lọng của ngai vàng quyền quý. Một người trong đoàn đã thốt lên: “Hệt như cung điện giữa núi cao”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Thơm cho biết: “KDL có 7 hang động tự nhiên lớn nhỏ trong lòng núi và đều tìm thấy quanh hồ Thăng Hen. Các kỹ sư địa chất đào đất thấy lộ ra thạch nhũ, khi rửa đất đá bám vào đã phát hiện ra các ngóc ngách, hang động. Công ty đang có kế hoạch mở thêm 1 hang động nữa được đặt tên là Thanh Bình, có diện tích lớn hơn động Hàm Hương, để du khách có thể khám phá thêm sự kỳ vĩ của núi đá vôi đặc trưng vùng Đông Bắc”.
Tiếng hát trong trẻo của các cô sơn nữ hòa cùng tiếng đàn tính cất lên trong lòng hang động, tạo nên một âm thanh rộn rã, ấm áp, đủ say đắm lòng người. Những ly (có khi là dùng bát) rượu ngô do chính nhân viên KDL nấu, ủ men theo cách làm truyền thống của đồng bào dân tộc miền cao, được rót ra. Các sơn nữ mến khách sẵn sàng nhâm nhi ly rượu mời với ánh mắt lúng liếng, để tất cả cùng hòa nhịp trong vũ điệu đêm rừng vùng Đông Bắc.
Trong tương lai gần, tuyến đường cao tốc từ Lạng Sơn đi Trà Lĩnh - TP Cao Bằng hình thành sẽ giúp du khách có thêm cơ hội khám phá Thăng Hen hơn.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/du-lich/ky-vi-hang-dong-thang-hen-76171.html