Kỳ vọng đất nước sẽ phát triển lên một tầm cao mới
Tôi luôn hướng về các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng với kỳ vọng sự kiện chính trị trọng đại này sẽ mang lại không chỉ cho Đảng mà còn cho cả đất nước một bệ phóng mới để phát triển lên một tầm cao mới.
Từ 25/1 đến 2/2, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị trọng đại đang được cả nước hướng tới. Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng chia sẻ với VietNamNet về những trăn trở, kỳ vọng của ông về Đại hội XIII của Đảng.
Ông Bùi Văn Tiếng nói: Tôi là một đảng viên nên luôn hướng về các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng với kỳ vọng sự kiện chính trị trọng đại này - và nhất là Đại hội lần này - sẽ mang lại không chỉ cho Đảng mà còn cho cả đất nước một bệ phóng mới để phát triển lên một tầm cao mới.
- Theo dõi các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, ông kỳ vọng Đại hội lần này sẽ có những quyết sách như thế nào để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững?
Ông Bùi Văn Tiếng: Theo tôi, muốn tạo được bệ phóng mới để phát triển lên tầm cao mới như đã kỳ vọng, Đại hội lần này khi đề ra các quyết sách cần phải coi trọng hai chữ “bền vững” trong phát triển.
Từ phát triển đảng viên - làm thế nào để việc phát triển đảng viên thật sự “bền vững”, tức là phải coi trọng thực chất chất lượng, tránh tình trạng đông mà không mạnh; cho đến phát triển kinh tế - làm thế nào để việc phát triển kinh tế thật sự “bền vững”, tránh tình trạng phát triển kinh tế bằng mọi giá, làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên, gây nên những thảm họa về môi trường, nghiêm trọng hơn là làm ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh.
Điều tôi trăn trở nhất là việc thực hiện quan điểm của Đảng nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI): “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Tuy văn hóa đã có nhiều khởi sắc trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhưng vẫn còn bất cập so với yêu cầu.
- Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn tất cả cán bộ rường cột của Đảng và Nhà nước, những “Bao Công của thời đại ngày nay” gương mẫu đi đầu trong phòng chống tham nhũng. Theo ông, thông điệp này nên được hiểu và áp dụng ở từng cơ sở thế nào cho hiệu quả?
Ông Bùi Văn Tiếng: Thông điệp mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước muốn gửi gắm là công cuộc phòng chống quốc nạn tham nhũng chỉ có thể thành công khi có sự nêu gương từ trên xuống.
Không phải ngẫu nhiên mà trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, Đảng có nhiều văn bản quy định trách nhiệm nêu gương của đảng viên - “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”- và đặc biệt là của cán bộ cấp chiến lược - cán bộ “rường cột” của Đảng và Nhà nước theo cách nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Nêu gương trong việc phòng chống tham nhũng thể hiện qua thái độ nghiêm túc phát hiện và xử lý các trường hợp tham nhũng ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình, không vì sợ mất thành tích mà dung túng bao che, hoặc xử lý tùy tiện, chỗ “triệt” chỗ “để”, hoặc thậm chí can thiệp cản trở, đi ngược lại phương châm hành động mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiều lần nhấn mạnh: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.
Đặc biệt, nêu gương trong việc phòng chống tham nhũng thể hiện qua việc luôn giữ mình trong sạch, tránh tình trạng người chưa bị lộ xử lý người bị lộ. Có như vậy mới đáp ứng được mong muốn về những “Bao Công của thời đại ngày nay” không chỉ riêng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mà còn chung của toàn Đảng, toàn dân.
Tôi có nhiều hy vọng vào công cuộc phòng chống quốc nạn tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ đồng bộ, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nơi nóng, nơi lạnh…