Kỳ vọng đường vành đai huyết mạch vùng thủ đô

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội khi hoàn thành sẽ tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và toàn bộ vùng thủ đô, góp phần kết nối các tuyến quốc lộ, cao tốc hướng tâm

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay của thành phố là thực hiện phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Không gian phát triển mới

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng với những dự án có ý nghĩa rất quan trọng như tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, Vành đai 3 - TP HCM, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội cũng rất cấp thiết, cấp bách.

"Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 có ý nghĩa tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và toàn bộ vùng thủ đô, góp phần kết nối các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm mà hiện nay tuyến đường Vành đai 3 đang đảm nhiệm và đã chịu quá tải trầm trọng. Khi có tuyến đường Vành đai 4, sẽ giảm ùn tắc cho Vành đai 3; góp phần phát triển đô thị hai bên tuyến; phục vụ công tác an ninh, quốc phòng" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khi hoàn thành sẽ “chia lửa” cho đường Vành đai 3 hiện đang quá tải trầm trọng

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khi hoàn thành sẽ “chia lửa” cho đường Vành đai 3 hiện đang quá tải trầm trọng

Đại diện Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) cho biết đường Vành đai 4 có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỉ đồng, song sau khi rà soát kỹ lưỡng, tổng mức đầu tư của dự án là 87.225 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028. Dự án đi qua địa phận Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, qua Hà Nội dài 58,2 km; qua Hưng Yên dài 19 km; qua Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối với Quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.

Dự án đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100 km/giờ với thành phần đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; đoạn 4 làn xe và đường bên có tốc độ 60-80 km/giờ. Dự án đường Vành đai 4 sẽ có 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1, bao gồm: nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nút giao đường trục Mê Linh, đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 6, nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ, nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 38, nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Dự án có 3 cầu vượt sông, cụ thể, 2 cầu vượt sông Hồng là: cầu Hồng Hà (dài 5.023 m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674 m); 1 cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990 m)...

Dự án được phân chia thành 3 hợp phần. Thời gian thực hiện dự án dự kiến trong giai đoạn 2021-2027, trong đó hợp phần 1 và 2 thực hiện trong giai đoạn 2023-2026; hợp phần 3 từ năm 2023-2027 và dự kiến đưa vào khai thác đầu năm 2028.

Quy hoạch toàn tuyến, kết nối sân bay thứ 2

Theo PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, Vành đai 4 là tuyến cao tốc đô thị nên yếu tố quy hoạch, cảnh quan rất quan trọng do cao tốc tồn tại 100 năm do đó phải hài hòa với quy hoạch tổng thể; khi dự án tiền khả thi được phê duyệt phải thi tuyển phương án kiến trúc. Ông kiến nghị thành lập 2-3 dự án thành phần để thuận lợi cho quá trình thực hiện dự án, giảm tải cho Hà Nội trong quá trình đầu tư.

Còn PGS-TS Tống Trần Tùng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật - Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng nút giao với sân bay thứ 2 của thủ đô chưa được nêu trong báo cáo tiền khả thi; kiến nghị về số lượng nút giao của dự án tại phía Nam còn ít và cần rút kinh nghiệm từ nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; Bên cạnh đó, cần quan tâm mật độ xây dựng, mật độ dân số quanh đường Vành đai 4 và cần có chỉ tiêu ngay từ đầu bởi nếu xây dựng chằng chịt sẽ không còn khái niệm cảnh quan của cả tuyến đường.

Trong khi đó, theo PGS-TS Hoàng Hà, Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam, với tình hình giao thông hiện tại của Việt Nam nên tiến hành phương án đi theo đường trên cao để giải quyết xung đột giao thông nội vùng; vấn đề ảnh hưởng của dự án đối với các tuyến đường khác. Cần phải tính toán kỹ vấn đề thoát nước của dự án ngay từ đầu bởi đây là vấn đề mà các dự án khác thường gặp phải.

Cần cơ chế đặc thù

TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, nhận định dù được thực hiện trong thời gian ngắn, hồ sơ dự án đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đưa ra cơ bản đầy đủ luận cứ, tư liệu. Theo TS Nguyễn Đức Hiển, hồ sơ dự án nên bám sát Nghị quyết 06-NQ/TƯ của Bộ Chính trị "Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó nhấn mạnh yêu cầu phát triển hạ tầng dùng chung giữa các đô thị để thúc đẩy quá trình kết nối, trong đó đô thị động lực Vùng Thủ đô đóng vai trò rất quan trọng.

"Cần phải có các cơ chế đặc thù để tháo gỡ, thúc đẩy dự án về hạ tầng nói chung, trong đó có hạ tầng kết nối các đô thị là rất cần thiết, phù hợp với định hướng lớn thể hiện trong Nghị quyết 06-NQ/TƯ" - TS Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Bài và ảnh: BẠCH HUY THANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ha-noi/ky-vong-duong-vanh-dai-huyet-mach-vung-thu-do-20220217201255925.htm