Kỳ vọng lớn nhất của Mỹ về cuộc gặp Biden-Tập Cận Bình
Quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này là cơ hội để nối lại kênh đối thoại quân sự giữa hai nước.
Theo Bloomberg, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden xem việc nối lại kênh liên lạc quân sự Mỹ-Trung là ưu tiên hàng đầu trong cuộc gặp sắp tới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn APEC.
Phát biểu trên đài CBS hôm 12/11, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Trung Quốc đã cắt đứt kênh liên lạc quân sự với Mỹ. Tổng thống Biden mong muốn nối lại các cuộc đối thoại về quân sự giữa hai nước và kỳ vọng sẽ thực hiện được mục tiêu này tại cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này”.
Theo quan chức Nhà Trắng, Mỹ và Trung Quốc nên khôi phục đường dây nóng giữa các quan chức quốc phòng hàng đầu ở “cấp độ chiến thuật và hoạt động”.
Ông Sullivan cũng tiết lộ thêm vấn đề Iran cũng là một trong những vấn đề chính được thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung vào ngày 15/11 tới.
“Chắc chắn, chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc sẽ bao gồm vấn đề hạt nhân của Iran, cùng với mối đe dọa của Tehran đối với sự ổn định tại Trung Đông và đối với các lực lượng Mỹ tại khu vực” - ông Sullivan cho hay.
Mỹ đang xem xét thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, - nước cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc, vì Tehran ủng hộ phiến quân Hamas, nhóm đã thực hiện vụ tấn công vào Israel ngày 7/10. Mỹ và châu Âu xếp lực lượng Hamas vào nhóm khủng bố.
Trung Quốc đã ngừng kênh liên lạc quân sự với Mỹ từ tháng 8 năm ngoái để phản đối chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi.
Căng thẳng giữa hai nước leo thang vào tháng 2 năm nay sau khi Tổng thống Biden ra lệnh bắn hạ một khinh khí cầu bị nghi là do thám của Trung Quốc bay qua lãnh thổ Mỹ.
Theo thông báo của Nhà Trắng, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sẽ được tổ chức vào ngày 15/11. Chương trình nghị sự của hội đàm dự kiến đề cập đến quan hệ song phương cho đến các vấn đề toàn cầu như xung đột Hamas - Israel, xung đột Nga – Ukraine, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như lĩnh vực thương mại và kinh tế.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/11 cũng thông báo, nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến San Francisco từ ngày 14-17/11, gặp Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden và tham dự Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.
Đây sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một năm qua.
Kể từ tháng 11/2022, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, hai nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ và Trung Quốc không có cuộc gặp trực tiếp nào.
Trong thời gian qua, Trung Quốc và Mỹ thường xuyên có những tương tác trên nhiều lĩnh vực và thúc đẩy các chuyến thăm của giới chức hai nước tới quốc gia của nhau nhằm xoa dịu quan hệ song phương. Thông qua các chuyến thăm, hai bên cũng cùng phát đi tín hiệu tích cực về việc ổn định và cải thiện quan hệ song phương.
Mặc dù còn nhiều khác biệt với nhiều vấn đề chưa được giải quyết, song cả Bắc Kinh và Washington đều tin rằng việc duy trì đối thoại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là cần thiết và có lợi cho hai bên.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung trong tuần này được xem là chỉ dấu quan trọng nhằm giải quyết những căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc.
Ông Vinnie Aggarwal, Giáo sư khoa học chính trị thuộc trung tâm tại UC Berkeley nhận định: “Việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc gặp nhau là một ý tưởng rất hay vì giữa hai nước đang còn nhiều bất đồng trong nhiều vấn đề như chất bán dẫn, chuyển giao công nghệ và những thứ tương tự. Đây sẽ là cơ hội để Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc cùng thảo luận nhằm tìm giải pháp ổn định quan hệ giữa hai nước lớn. Cuộc gặp bền lề APEC sắp tới là thời điểm quan trọng và có thể là bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Trung”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ky-vong-lon-nhat-cua-my-ve-cuoc-gap-biden-tap-can-binh.html