Kỳ vọng trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao

Xưa nay trong cuộc sống hàng ngày, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy có một mặt hàng ai cũng phải dùng, nhưng không bao giờ mặc cả và cũng không thể mặc cả. Đó là thuốc tây, là dược phẩm.

Ảnh minh họa (Ảnh:VnEconomy)

Ảnh minh họa (Ảnh:VnEconomy)

Ba năm qua, Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt thuốc bởi gián đoạn nguồn cung ứng thuốc thành phẩm và nguyên liệu sản xuất thuốc do hệ quả đại dịch COVID-19 và những bất ổn xung đột giữa một số nước. Đảm bảo an ninh dược phẩm trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực y tế.

Trong quá khứ, cũng đã xảy ra một số vụ án một số đối tượng câu kết “thổi” giá thuốc, đặc biệt là thuốc nhập khẩu, biệt dược, đã bị đưa ra xét xử.

Vì vậy, thông tin UBND TP HCM vừa phê duyệt đề án phát triển công nghiệp dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bước khởi động quan trọng để TP sớm lập khu công nghiệp y dược tập trung đầu tiên cả nước, là thông tin rất đáng mừng.

Cụ thể, theo đề án, TP chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và thiết bị y tế, ưu tiên thiết bị y tế kỹ thuật cao và vaccine, sinh phẩm, thuốc mới, thuốc phát minh. Đề án này nhằm đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh trong nước, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu với lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá.

Khu công nghiệp chuyên ngành y dược sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 (huyện Bình Chánh), diện tích 338ha. Nơi này có trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo về lĩnh vực y dược, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm y dược và sản phẩm phụ trợ thuộc phân khúc kỹ thuật cao, trung tâm giao dịch sản phẩm.

Dự kiến, khu công nghiệp hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào hoạt động từ năm 2030. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện cho DN đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất.

Tháng 10/2023, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, Việt Nam ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic (sản xuất theo công thức từ những thuốc đã hết hạn bản quyền) dạng bào chế công nghệ cao, vaccine... Mục tiêu chuyển một phần từ sản xuất thuốc generic sang thuốc phát minh. Đến 2030 Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực với giá trị xuất khẩu thuốc đạt khoảng 1 tỷ USD.

TP HCM là trung tâm giao thương ở khu vực phía Nam, thuận lợi vận chuyển, cung ứng thuốc đến các khu vực khác, tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm trên địa bàn những năm qua tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế dược cả nước. Nhiều bệnh viện tại TP có quy mô lớn, tiêu thụ lượng thuốc lớn nhất cả nước, đặc biệt là thuốc chuyên khoa đặc trị.

Theo một số liệu thống kê, hiện TP HCM có hơn 30 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP - WHO (hướng dẫn thực hành sản xuất thuốc tốt của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO). Những nhà máy này phân bố chủ yếu tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Những yếu tố trên cho thấy, TP đặt ra kỳ vọng trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao, là rất đáng ủng hộ và có cơ sở sớm trở thành hiện thực.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ky-vong-trung-tam-san-xuat-duoc-pham-gia-tri-cao-post505921.html