Kỳ vọng từ dự án nuôi cá tầm Siberi

Nguồn nước sạch từ trong các khe núi đá vôi và rừng phòng hộ chảy ra là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi thủy sản nước lạnh tại Thái Nguyên.

Cá tầm Siberi được nuôi tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Thái Nguyên (ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai).

Cá tầm Siberi được nuôi tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Thái Nguyên (ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai).

Dự án nói trên được thực hiện từ tháng 11/2020 và sẽ kết thúc vào cuối năm 2023, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Thái Nguyên chủ trì.

Theo đó, cơ sở nuôi cá theo Dự án có diện tích 2.000m2, tổng thể tích bể nuôi là trên 700m3, được bố trí bên cạnh Khu du lịch hang Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai) - nơi có nguồn nước sạnh chủ động vào cả mùa Đông và mùa Hè. Theo kết quả đánh giá môi trường, chất lượng nước ở đây phù hợp với nước nuôi cá tầm Siberi khai thác trứng thương phẩm.

Ông Nguyễn Tất Đắc, Chủ nhiệm Dự án, cho biết: Cá tầm là một đối tượng thủy sản có giá trị rất cao, nhất là trứng cá tầm Caviar, là sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Tại Việt Nam, cá tầm được đưa vào nuôi từ năm 2005, với những nỗ lực nhằm khai thác nguồn lợi thủy sản nước lạnh tại các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm qua tại nhiều tỉnh đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới, cùng với Trung Quốc, Nga, Italia, Bulgaria, Iran, Mỹ, Pháp, Ba Lan và Đức.

Trong Dự án thực hiện tại Thái Nguyên, cá tầm được các chuyên gia nuôi với điều kiện nguồn nước ngọt, từ các sông, suối, hồ, hoặc nước máy sinh hoạt. Nguồn nước này được xử lý qua bông lọc để loại bỏ các chất bẩn, rác và đảm bảo điều kiện trong sạch, không bị ô nhiễm.

Dự án đã tuyển chọn cá có khả năng khai thác trứng/số cá đưa vào nuôi vỗ (với số lượng 123/180 con cá), khối lượng từ 17 đến 20 kg/con. Tính đến nay, lượng cá cho khai thác trứng là 20 con. Số lượng trứng cá đã được đưa vào sơ chế là 15kg, số lượng trứng cá chế biến là trên 10kg. Dự án đã khai thác trứng đạt 95% khối lượng theo yêu cầu đề ra.

Trứng cá tầm Siberi sẽ được chế biến, đóng hộp thành phẩm và bảo quản theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm. Được biết thêm, hiện nay trên thị trường, trứng cá tầm đang có giá 5 triệu/100 gam.

Sau khi Dự án kết thúc, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Thái Nguyên sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ khai thác trứng để nâng cao năng suất, chất lượng trứng; mở rộng mối liên kết theo chuỗi giá trị giữa nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch sinh thái để giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm.

Công ty cũng sẽ mở rộng quy mô nuôi cá tầm khai thác trứng, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, cung cấp con giống, thức ăn và thu mua cá nuôi của các hộ dân đạt yêu cầu để khai thác, phục vụ thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu trong tương lai.

Theo bà Phạm Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên: Công nghệ nuôi và khai thác, chế biến trứng cá tầm Siberi thương phẩm tại tỉnh Thái Nguyên sẽ mở ra hướng nuôi mới, tiên tiến đối với nghề nuôi cá tầm nói riêng và ngành Thủy sản của tỉnh nói chung...

Việc ứng dụng thành công quy trình công nghệ nuôi và khai thác, chế biến, bảo quản trứng cá tầm Siberi thương phẩm sẽ góp phần cung cấp thực phẩm cao cấp, tạo ra sản phẩm công nghệ có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện, lợi thế sẵn có và gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202308/ky-vong-tu-du-an-nuoi-ca-tam-siberi-f0068f4/