Kỳ vọng về những khu công nghiệp mới

Ngoài 23 phân khu công nghiệp (KCN) tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa được phê duyệt 19 KCN với diện tích là 6.045ha và sau năm 2030 khoảng 6.809ha. Cùng với tiếp tục triển khai hạ tầng các KCN đã có trong quy hoạch, công tác lập, thẩm định và triển khai các KCN mới đang được tỉnh Thanh Hóa rốt ráo thực hiện, với mục tiêu sớm định hình những KCN mới hiện đại, tiềm năng.

Phối cảnh KCN Giang Quang Thịnh (huyện Thiệu Hóa).

Phối cảnh KCN Giang Quang Thịnh (huyện Thiệu Hóa).

Tại TP Thanh Hóa, những KCN trong lòng đô thị nhiều năm nay đã bộc lộ những bất cập về diện tích, giao thông, thể hiện những hạn chế trong tầm nhìn quy hoạch từ 20 năm trước. Mới đây, việc thực hiện một số KCN ở những địa bàn giáp ranh TP Thanh Hóa đang mở ra cơ hội cho việc di chuyển, giãn các cơ sở sản xuất chật chội trong lòng thành phố, cũng như hình thành các KCN mới hiện đại, đồng bộ hơn.

Điển hình như mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Phú Quý (KCN WHA Smart Technology) có tổng diện tích là 540ha, đứng thứ 3 về quy mô trong số các KCN hiện hữu và đã quy hoạch của tỉnh Thanh Hóa (sau KCN Bỉm Sơn và KCN Lam Sơn - Sao Vàng).

Theo đánh giá của Ban Quản lý KKTNS và các KCN, dự án KCN Phú Quý được kỳ vọng phát huy lợi thế về vị trí giao thông quan trọng, là cửa ngõ trung tâm huyện Hoằng Hóa tiếp giáp với TP Thanh Hóa và các huyện phụ cận, là giao điểm tuyến giao thông của các vùng kinh tế, cảng biển, cảng hàng không. Đây được đánh giá là khu vực có tiềm năng phát triển công nghiệp, đặc biệt các loại hình công nghiệp nhẹ, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao và sẽ tập trung ưu tiên thu hút các doanh nghiệp nước ngoài với các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy quá trình đô thị hóa - công nghiệp hóa của tỉnh Thanh Hóa, khu vực Bắc Miền Trung và cả nước.

Với số vốn đầu tư dự ước lên tới hàng nghìn tỷ đồng, dự án do nhà đầu tư có tên tuổi trong lĩnh vực hạ tầng KCN làm chủ đầu tư - Tập đoàn WHA (Thái Lan). Được biết, Tập đoàn WHA là nhà phát triển hàng đầu trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp tại Thái Lan. Cùng với năng lực tài chính, kinh nghiệm thì với hệ sinh thái có sẵn là các nhà đầu tư thứ cấp của Tập đoàn WHA, kỳ vọng sẽ sớm hiện diện một KCN mới hiện đại, tạo ra những giá trị gia tăng cao đóng góp vào cơ cấu và giá trị sản phẩm công nghiệp của tỉnh nhà.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ngoài KCN Phú Quý, WHA và Ban Quản lý KKTNS và các KCN tỉnh cũng đã ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư dự án KCN Giang Quang Thịnh (Thiệu Hóa). Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN này.

Được biết, với tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch là gần 349ha. Trong đó, diện tích xây dựng KCN hơn 298ha và đất ngoài KCN hơn 50ha, KCN Giang Quang Thịnh có chức năng là KCN đa ngành, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hướng đến công nghiệp 4.0, ưu tiên các ngành nghề công nghiệp điện tử, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khi đi vào hoạt động, KCN sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Việc hình thành KCN này kỳ vọng thu hút, phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư khu vực lân cận TP Thanh Hóa do kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật của huyện Thiệu Hóa, KKTNS và các KCN hiện hữu.

Hiện nay, ngoài 7 KCN gắn với các dự án đầu tư lớn và đã được lấp đầy tại KKTNS thì việc thu hút đầu tư các dự án thứ cấp vào các KCN còn hạn chế. Chẳng hạn, lũy kế đến năm 2023, tỷ lệ lấp đầy các KCN trong KKTNS bình quân đạt 33,1%; KCN Bỉm Sơn 66,1%; KCN Lam Sơn - Sao Vàng 1,7%; KCN Thạch Quảng 6,1%. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do kết cấu hạ tầng các KCN còn thiếu và yếu, đặc biệt là chưa có mặt bằng sạch để có thể triển khai ngay dự án.

Cùng với đó, đa phần có quy mô nhỏ, chưa thu hút được nhiều dự án chế biến sản phẩm sau lọc hóa dầu, các dự án công nghiệp phụ trợ, các dự án công nghiệp lớn, công nghệ cao, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Do đó, ngoài hiệu quả trong việc giải quyết nhiều việc làm cho người lao động ở một số dự án may mặc, giày da thì hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án khác chưa thể hiện rõ rệt.

Những tháng đầu năm nay, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tượng Lĩnh (Nông Cống); hoàn thành Đồ án Quy hoạch phân khu KCN phía Tây TP Thanh Hóa; tiếp tục triển khai lập đồ án quy hoạch khu KCN Hà Long (Hà Trung) và quy hoạch phân khu KCN Bắc Hoằng Hóa (Hoằng Hóa). Việc thu hút các dự án hạ tầng KCN với lựa chọn các nhà đầu tư uy tín, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới trong lĩnh vực phát triển KCN của tỉnh Thanh Hóa, với những dòng vốn chất lượng của các tập đoàn đa quốc gia.

Bài và ảnh: Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ky-vong-ve-nhung-khu-cong-nghiep-moi-216800.htm