Lạc Dương - điểm đến của tương lai (Bài cuối)

TIN LIÊN QUAN

Lạc Dương - điểm đến của tương lai (Bài 1)
Lạc Dương - điểm đến của tương lai (bài 2)

Phát triển từ sự tôn trọng thiên nhiên

Không chỉ bó hẹp trong khu vực Tây Nguyên, Lạc Dương, một huyện miền núi với rất nhiều khó khăn cố hữu của tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc “lột xác” ngoạn mục khi trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, đồng thời nằm trong tốp đầu của cả nước trong sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và phát triển du lịch. Cấp thiết nhưng không đánh đổi bằng mọi giá, nhanh nhưng bắt buộc phải bền vững, tăng tốc, đột phá phải đồng hành với quyết tâm gìn giữ môi trường rừng, môi trường tự nhiên. Đó chắc hẳn không phải là điều mà những địa phương khác có đặc điểm tương đồng với Lạc Dương có thể làm được.

Sản xuất rau, củ, quả sạch tại Đạ Sar

Sản xuất rau, củ, quả sạch tại Đạ Sar

“Dang tay chào đón miễn không được xâm hại đến rừng”

Thành tựu đạt được của huyện Lạc Dương trong những năm vừa qua không đơn thuần nằm ở mặt cơ chế mở cửa, “rải hoa hồng” chào đón các nhà đầu tư. Đó là chiến lược mang tính tổng quát, được cân nhắc, soi xét qua rất nhiều giai đoạn và trở thành nghị quyết xuyên qua các nhiệm kỳ đại hội.

“Chính quyền không đặt điều kiện gì cho các nhà đầu tư, miễn là họ không làm hại đến môi trường, đến rừng của Lạc Dương. Còn lại chúng tôi đều dang tay chào đón”, ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương đã từng khẳng định như vậy.

Hạn chế lớn nhất của những địa phương có diện tích rừng lớn như Lạc Dương luôn là một thách thức trong lộ trình phát triển bởi khó khăn về các điều kiện mở rộng quy mô sản xuất cũng như các điều kiện về giao thương. Tuy nhiên, huyện Lạc Dương đã biến thách thức này thành cơ hội và tiêu chí phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo tồn thiên nhiên. Đây cũng được xem như gánh trên vai trách nhiệm đối với cả không gian không chỉ của riêng Lâm Đồng mà còn của cả Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Nói về trách nhiệm đó, ông Sử Thanh Hoài cho biết: “Toàn bộ hệ thống sông suối của huyện Lạc Dương đều chảy về lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước hay Bình Dương đều đang dùng nguồn nước được khơi nguồn từ Lạc Dương. Chính vì lẽ đó, về lâu dài chúng tôi vẫn tiếp tục chủ trương duy trì độ che phủ rừng hiện có. Đồng thời sẽ cố gắng phát triển theo hướng không sử dụng nhiều đất và theo hướng không chuyển mục đích sử dụng đất rừng để phát triển các hoạt động về kinh tế”.

Được sự hoan nghênh và ủng hộ của các nhà đầu tư

Điều đáng mừng là quan điểm này của Lạc Dương luôn được các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đồng cảm và nhiệt tình ủng hộ. Bà Liêu Thị Phượng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Charm Group chia sẻ: “Chủ trương của huyện Lạc Dương là hoàn toàn đúng đắn. Bởi rừng là tài sản vô giá của quốc gia, mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ. Rừng như lá phổi tạo ra môi trường xanh, góp phần thúc đẩy trực tiếp vào sự phát triển kinh tế, xã hội theo đúng với khái niệm bền vững, đồng thời hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của thế giới trong giai đoạn hiện nay”.

Cũng theo Tổng Giám đốc của Charm Group: Hiện nay nhiều địa phương phát triển ồ ạt và quá nhanh về du lịch nhưng không hề tính đến phương án phát triển bền vững, gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường của rừng tự nhiên, chính điều này đã gây ra những hệ lụy đáng tiếc.

“Là một doanh nghiệp tìm đến với vùng đất Lạc Dương tươi đẹp và đầy tiềm năng để tìm kiếm cơ hội; Charm Group luôn ủng hộ tuyệt đối định hướng bảo vệ môi trường, đầu tư phát triển du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao của địa phương”, bà Phượng nhấn mạnh.

Bà Liêu Thị Phượng cũng cho rằng: Bên cạnh việc phát động thường xuyên chiến dịch bảo vệ rừng, trồng rừng để cải thiện môi trường, đồng thời tạo sinh kế cho người dân nghèo, chính quyền nên lồng ghép các buổi tập huấn rèn luyện kỹ năng sống, kiến thức môi trường xanh tại các công sở, trường học. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư có thiện chí, cũng như các đề án thiên về du lịch sinh thái và phát triển mảng xanh. Về phía Charm Group cũng nỗ lực đóng góp hết sức mình để Lạc Dương sớm trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Minh bạch để phát triển bền vững

Hiện tại ở Lạc Dương, với tất cả những nhà đầu tư, chính quyền có quy trình kiểm soát rất chặt chẽ. Với từng diện tích được thuê, từng khu vực, từng loại cây đều được kiểm kê, được xác định bằng tọa độ. Sau mỗi hợp phần của dự án được triển khai, ngành chức năng của huyện đều triển khai công tác hậu kiểm, nếu doanh nghiệp nào vi phạm đều phải trồng lại rừng và chịu mức bồi thường từ 3 đến 5 lần giá trị của rừng đã thiệt hại.

Việc cho phép đầu tư nhưng hạn chế khai thác đất lâm nghiệp của Lạc Dương đã khiến cho tâm lý của các nhà đầu tư ít nhiều e ngại, bởi không được phép khai thác thêm diện tích đồng nghĩa với việc quy mô của các công trình bị bó hẹp, hệ thống giao thông nội bộ, nơi lưu trú không được mở rộng. Theo ông Sử Thanh Hoài, để tìm lời giải cho bài toán này: “Địa phương sẽ dựa vào lợi thế của rừng để có nhiều mô hình phát triển. Ví dụ như cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch, điều này không làm thay đổi mục đích sử dụng đất rừng, ngược lại sẽ phát huy lợi thế từ rừng để phát triển kinh tế”.

Là nhà đầu tư thành công ở Lạc Dương, ông Văn Tuấn Anh - người sáng lập Khu Du lịch Làng Cù Lần, vẫn luôn tự hào về hướng phát triển kinh tế theo đúng với quan điểm của địa phương. Với diện tích hơn 200 ha rừng chuyên khai thác du lịch, dù có rất nhiều sản phẩm thu hút khách nhưng Làng Cù Lần vẫn bảo tồn những yếu tố nguyên sơ nhất, những công trình với kiến trúc cổ của người Kơ Ho, đậm đặc không gian bản địa gần như được bảo vệ nguyên vẹn. Sự nhẫn nại, tôn trọng và tiếp nối giá trị văn hóa truyền thống đã giúp cho khu du lịch này có được những thành công ngoài mong đợi. Năm đầu tiên đi vào hoạt động, Làng Cù Lần chỉ đón khoảng 60.000 khách/năm, nhưng đến năm 2019 có hơn 500.000 khách ghé thăm khu du lịch nổi tiếng của Lạc Dương này.

“Lượng khách của chúng tôi luôn tăng, năm sau tăng gấp đôi năm trước. Một không gian của người Kơ Ho nằm giữa rừng nguyên sinh chính là lực hút để du khách tìm đến, đó cũng chính là giá trị lớn nhất mà chúng tôi mong muốn mang lại cho mọi người”, ông Văn Tuấn Anh chia sẻ.

Thành công từ việc biết phát huy lợi thế của địa phương tại Lạc Dương là điều không thể phủ nhận. Con số 68 dự án trên địa bàn với tổng số vốn đăng kí là 6.400 tỷ đồng, tổng diện tích thực hiện 6.327 ha là một minh chứng rõ nét nhất. Dù tất cả các dự án đều được đảm bảo các yếu tố hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ rừng, tuy nhiên lãnh đạo huyện không kêu gọi đầu tư một cách ồ ạt.

“Không phá rừng để đầu tư các dự án tại Lạc Dương, đó là thông điệp duy nhất. Phần còn lại huyện sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để doanh nghiệp phát triển những lợi thế của địa phương đang có. Chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp sẽ cố gắng tìm được tiếng nói chung, hài hòa để cùng nhau bảo vệ rừng, giữ từng diện tích rừng”, đó là khẳng định chắc chắn từ Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương về vấn đề thu hút đầu tư gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường tại địa phương này.

LINH ĐAN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202104/lac-duong-diem-den-cua-tuong-lai-bai-cuoi-3054253/