Lai Châu cần định vị lại thương hiệu du lịch
Đây là một trong những ý kiến do các chuyên gia du lịch đề xuất để phát triển du lịch Lai Châu tại tọa đàm Đánh giá sản phẩm du lịch Lai Châu, diễn ra sáng 5/11 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023.
Dự tọa đàm có ông: Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu; Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu; Xay In Đa La, Phó Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp và Thương mại tỉnh U Đôm xay (Lào); các doanh nghiệp du lịch đến từ Lào; các doanh nghiệp lữ hành 3 miền Bắc - Trung - Nam...
Tại tọa đàm, ông Phạm Văn Thủy cho biết, Lai Châu là vùng đất sinh sống của hơn 20 dân tộc anh em, trong đó có 90% là dân tộc thiểu số với những nét văn hóa riêng biệt, đặc sắc.
“Cảnh quan thiên nhiên của Lai Châu mang nhiều sắc thái đặc trưng của rừng núi vùng cao, nhưng đồng thời cũng mang nhiều dấu ấn đậm nét thể hiện sức người cải tạo thiên nhiên qua các vùng chè, vùng rừng trồng cây công nghiệp… Điều này đã tạo cho Lai Châu một “kho tàng” tài nguyên du lịch khá đồ sộ và đặc sắc, đầy tiềm năng để phát triển du lịch trở thành một trong những trọng điểm của vùng Tây Bắc” - ông Thủy nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã phân tích, nhận định về tiềm năng, thực trạng khai thác tài nguyên du lịch, xem xét khả năng hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, từ đó đề xuất định hướng khai thác một cách hợp lý các tài nguyên du lịch và phát triển dịch vụ du lịch tại tỉnh Lai Châu.
Các đại biểu cũng đề xuất các khuyến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp phải đối mặt khi khai thác và phát triển sản phẩm du lịch, những vấn đề quan tâm của từng thị trường khách cụ thể đối với sản phẩm du lịch trên tuyến và các giải pháp đột phá nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Mạnh Thảo, Chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố Hà Nội cho rằng để phát triển du lịch bền vững, tỉnh Lai Châu cần quan tâm tới hạ tầng cho du lịch, cơ chế chính sách, việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp du lịch...
Theo ông Thảo, giai đoạn này, tỉnh Lai Châu nên tập trung phát triển du lịch cộng đồng, tập trung giới thiệu ẩm thực đặc sắc của Lai Châu, triển khai loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, xây dựng sản phẩm du lịch đi chợ đường biên.
Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch Travelogy Việt Nam đánh giá cao tiềm năng du lịch của tỉnh Lai Châu bởi hiếm có địa phương nào của Việt Nam hội tụ một hệ sinh thái du lịch từ cộng đồng, mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng, du lịch bền vững như ở Lai Châu.
Ông Tuyên đánh giá, du lịch Lai Châu có điểm tích cực, về chiến lược, Lai Châu đã có nhiều đề án để khai thác và phát triển thị trường du lịch đầy tiềm năng. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu, điểm đến chưa rõ nét. “Các chuỗi cung ứng về du lịch chưa khớp và đang bị đứt từ giao thông, khách sạn, nhà hàng và nhân sự hoạt động trong lĩnh vực du lịch” - ông Tuyên nói.
Ông Tuyên gợi mở Lai Châu cần định vị lại thương hiệu du lịch, trong đó, trước tiên là cần làm tốt công tác truyền thống, xây dựng các lô gô, biểu trưng ấn tượng.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Tống Thanh Hải thông tin, Lai Châu đặt mục tiêu phấn đấu sớm đưa Lai Châu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở khu vực Tây Bắc, là điểm nhấn của du khách trên hành trình khám phá Tây Bắc; xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, có thương hiệu trên bản đồ Du lịch Việt Nam.
“Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và chia sẻ cùng các doanh nghiệp lữ hành, du khách trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình tour và các hoạt động du lịch tại địa phương” - ông Tống Thanh Hải nhấn mạnh.