Lại chuyện 'con gà, quả trứng' trong công nghiệp hỗ trợ
Nếu như doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt cần đơn hàng để gia tăng năng lực thì các doanh nghiệp FDI lại muốn tìm đến những đơn vị đã có khả năng đáp ứng sản xuất.
Dù đóng góp thành công đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhiều năm qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được nhận định có mối liên kết kinh tế không mấy bền chặt với các doanh nghiệp trong nước.
Không nhiều doanh nghiệp nội địa chen chân được vào chuỗi cung ứng cũng như mức độ thu mua linh kiện, phụ tùng nội địa còn thấp.
Chia sẻ với TheLEADER bên lề Triển lãm quốc tế lần thứ 11 về công nghệ chế tạo và phụ tùng công nghiệp (VME 2019) và Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 8, ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc công ty Reed Tradex Việt Nam cho hay, khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp FDI mong muốn mua được các linh kiện, phụ tùng trong nước để giảm lượng tồn kho cũng như giảm giá thành.
Tuy vậy, doanh nghiệp nội địa lại chưa có kế hoạch dài hạn, chưa mạnh dạn đầu tư khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này xuất phát từ khó khăn về vốn và về thị trường đầu ra khi doanh nghiệp chưa nhìn thấy tiềm năng.
Trong khi các doanh nghiệp nội mong muốn nhận đơn hàng để có cơ hội nâng cao năng lực thì các doanh nghiệp nước ngoài lại muốn sự chứng tỏ năng lực trước khi đặt hàng.
“Điều này giống như câu chuyện con gà và quả trứng”, ông Tài đánh giá.
Doanh nghiệp Việt được nhận định đang đứng trước cơ hội lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra.
Tuy nhiên, thách thức đến từ việc phải cạnh tranh với các nước trong khu vực giữa bối cảnh các nước này đã có nền công nghiệp tốt hơn, năng suất lao động tốt hơn và nhiều điều kiện khác cũng tốt hơn.
Lấy ví dụ Thái Lan, ông Tài cho biết quốc gia này có chính sách rất đồng bộ trong hỗ trợ doanh nghiệp, làm tốt vấn đề xúc tiến thương mại. Về cơ sở hạ tầng, chỉ riêng Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế Bangkok (BITEC) đã có diện tích lớn hơn vài lần trung tâm Việt Xô.
“Để đạt được giá thành cạnh tranh, cần tăng hàm lượng chất xám trong công nghệ sản xuất cũng như quản lý. Không thể chờ mãi vào nhân công giá rẻ vì thời đó qua rồi”, ông Tài nhấn mạnh.
Ông Tài cho rằng, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không nhất thiết phải làm lớn mà còn nhiều ngách nhỏ nhưng rất hiệu quả. Việc đi nhỏ mà đi đúng hướng, tận dụng được thế mạnh về công nghệ, con người, thị trường thì sẽ phát triển thị trường tốt hơn.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank), nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có giá trị cao lại có hàm lượng nhập khẩu cao và giá trị gia tăng trong nước thấp.
Chất lượng của các nhà cung cấp địa phương của Việt Nam trong Chỉ số cạnh tranh toàn cầu xếp thứ 109/138 nền kinh tế, đứng sau rất xa Philippines (74), Thái Lan (77) và Malaysia (22).
Phát biểu tại Hội nghị các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra. Do đó, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân được xác định là thiếu chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, chưa tạo lập được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch, ổn định, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Nhân lực chất lượng cao cũng là một hạn chế, xuất phát từ thực trạng nội dung đào tạo tại các trường kỹ thuật lạc hậu, không gắn với thực tiễn sản xuất, chưa đáp ứng được yêu cầu.