Lại lo thiếu điện

Tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiều 18-12 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhận định, kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia vẫn sẽ đảm bảo đủ và ổn định trong năm 2020, nhưng từ năm 2021 đến 2025 thì rất khó khăn.

Hiện nay, EVN đang huy động điện từ các nguồn: thủy điện, nhiệt điện (than, dầu và khí đốt), năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió…) và một phần nhập khẩu. Do dự báo thiếu điện từ các nhà máy thủy điện, nên EVN cho biết, trong năm 2020, EVN dự kiến sẽ phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu. Con số này khiến nhiều người giật mình, vì đây là nguồn điện có giá thành đắt hơn nhiệt điện than, sẽ ảnh hưởng “túi tiền” của EVN, thực chất là được áp vào giá bán lẻ điện, ăn vào túi tiền của người tiêu dùng.

Theo EVN, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là gần 332.284 tỷ đồng, giá thành 1kWh điện là 1.727,41 đồng (tăng 3,58% so với năm 2017); doanh thu bán điện là 332.983 tỷ đồng (tăng 14,84%); giá bán điện bình quân năm 2018 là 1.731,04 đồng/kWh (tăng 4,3%). Như vậy, mỗi số điện hiện nay, EVN chỉ lãi khoảng 4 đồng; tổng lãi cả năm 2018 là gần 700 tỷ đồng. Sau nhiều năm thua lỗ và mới bắt đầu có lãi, EVN đang đứng trước sức ép về vốn để mở rộng dự án mới, hoàn thiện các dự án chậm tiến độ, để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội.

Cũng như nhiệt điện than, nhiệt điện dầu và khí đang đối mặt nhiều rủi ro về giá. Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, giá dầu trong nước bình quân năm 2018 tăng so với năm 2017 tới 20-22%; còn giá dầu HSFO thế giới tăng cao hơn tới 31,9%, đã làm tăng chi phí mua điện khi huy động các nhà máy điện chạy dầu. Về giá than, mặc dù trong nước ổn định nhưng giá nhập khẩu lại tăng mạnh (trên 20%). Do thiếu than nên nhiều nhà máy nhiệt điện phải nhập khẩu và khiến chi phí tăng.

Trong khi đó, năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ... Bởi vì, năm 2019, hầu như không xuất hiện lũ trên nhiều hệ thống sông ở miền Bắc và Bắc miền Trung; lưu lượng nước về nhiều hồ thủy điện thấp hơn so với trung bình nhiều năm, dẫn đến mực nước của nhiều hồ thủy điện vào cuối năm 2019 rất thấp so với mực nước dâng bình thường.

Theo tính toán, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ thủy điện vào đầu năm 2020 thấp hơn so với mực nước dâng bình thường là 4,55 tỷ kWh. Trong khi, các hồ thủy điện còn phải làm nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn tại nhiều địa phương.

Năm 2020, trong số 3,397 tỷ kWh dự kiến huy động từ nguồn điện chạy dầu thì riêng mùa khô (tập trung vào các tháng 3, 4, 5, 6), EVN dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh. Trong khi đó, theo dự báo những tháng đầu năm 2020, tình hình thủy văn không thuận lợi và việc phải vận hành phát điện các nhà máy thủy điện lớn (Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) phục vụ đổ ải trong tháng 1 và 2-2020 sẽ không đảm bảo khả năng huy động cao các nhà máy này trong các tháng cao điểm mùa khô. Nguy cơ thiếu điện còn do mấy năm nay chúng ta chưa khởi công được dự án điện lớn nào, việc thu hút vốn đầu tư vào ngành điện còn nhiều hạn chế…Với thực tế này, việc cắt điện luân phiên thật khó nói là không xảy ra và đây thực sự là điều đáng lo.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lai-lo-thieu-dien-635986.html