Lãi suất dài hạn neo cao, dồn tiền tỷ gửi ngân hàng
Lãi suất dài hạn vẫn được neo cao, tiền nhàn rỗi đang chảy về ngân hàng, trong khi đó tín dụng tăng trưởng thấp nên các nhà băng đang dư tiền mặt.
Tiền đổ về ngân hàng
Anh Nguyễn Hùng ở Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội, kể rằng anh vừa bán nhà được hơn 5 tỷ đồng, chưa biết đầu tư vào đâu trong thời điểm này nên quyết định gửi tiết kiệm tại một ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nhỏ. Lãi suất gửi kỳ hạn 12 tháng, lĩnh cuối kỳ là 8,1%/năm, tính ra anh được hưởng trên lãi 40 triệu đồng mỗi tháng. Do lãi suất tiết kiệm là cố định trong suốt kỳ hạn gửi nên anh Hùng rất yên tâm, cho dù thời gian tới có thể giảm.
Theo anh Hùng, trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, chưa biết khi nào mới kết thúc, đầu tư vào chứng khoán, ngoại tệ, vàng hay sản xuất kinh doanh có nhiều rủi ro, nên an toàn nhất vẫn là “trú ẩn” vào tiết kiệm. Nếu có tiền nhàn rỗi chưa biết làm gì, có thể chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12-24 tháng tại các ngân hàng TMCP để hưởng lãi suất cao trong thời gian dài mà không cần phải lo lắng gì cả, anh Hùng nói.
Nhiều người đồng quan điểm với anh Hùng. Họ cho rằng khi dịch bệnh, có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm là yên tâm nhất, vừa có lãi để chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày, vừa không sợ rủi ro thua lỗ.
Anh Đào Quang Huyện, phố Doãn Kế Thiện, Cầu Giấy (Hà Nội), cho hay từ cuối năm 2019 đã chuyển tất cả tiền bán cổ phiếu sang gửi ngân hàng do thấy lãi suất tăng cao. Anh mua chứng chỉ tiền gửi của một ngân hàng TMCP với lãi suất kỳ hạn 24 tháng 9,5%/năm, ngoài ra còn gửi tiết kiệm kỳ hạn 16 tháng lãi suất 8,7%/năm và gửi kỳ hạn 7 tháng lãi suất 8,3%/năm. Với số tiền 4 tỷ đồng, giờ anh đang ngồi hưởng lãi và yên ổn sống qua những ngày biến động vì dịch bệnh. Anh Huyện nói rằng quyết định này rất đúng đắn, bởi hiện tại giá cổ phiếu sụt giảm mạnh còn lãi suất tiết kiệm được hưởng khá cao.
Mặc dù từ ngày 17/3, quyết định giảm lãi suất điều hành, lãi suất ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, nhưng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng trở lên (do các tổ chức tín dụng tự quyết định) giảm không nhiều, chỉ từ 0,1-0,3 điểm phần trăm. Nhiều ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất như đầu tháng 3/2020, chưa giảm.
Khảo sát biểu lãi suất của nhiều ngân hàng TMCP cho thấy các nhà băng vẫn duy trì lãi suất ở mức cao. Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất từ 5,3%-7,6%, trong đó cao nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) ở mức 7,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng dao động từ 5,3%-7,65%/năm và NCB vẫn có mức lãi suất huy động cao nhất. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất từ 6,7%-8,1%/năm, cao nhất là ngân hàng NCB 8,1%/năm. Các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên lãi suất từ 6,8%-8,6%/năm.
Ngân hàng dồi dào đồng vốn
Theo giới chuyên môn, dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế khó khăn, chứng khoán sụt giảm, đầu tư vào sản xuất kinh doanh gặp nhiều rủi ro, người dân không đi du lịch được cùng với việc phải hạn chế nhiều hoạt động khác là lý do khiến tiền nhàn rỗi đang chảy vào ngân hàng ngày càng nhiều. Trong khi đó, lãi suất lại cao nên đây càng là kênh đầu tư hấp dẫn.
Ngược lại, tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm 2020 rất thấp, chỉ đạt 0,06%, tính ra, tương ứng với hơn 5.000 tỷ đồng. Dự báo quý 1/2020, tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 0,1%, tương ứng 8.500 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Đây là con số rất thấp.
Nhiều ngân hàng dồi dào tiền đã quay ra mua các giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước phát hành để hưởng lãi suất. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước thông qua nghiệp vụ mở đã phải hút ròng về khoảng 150.000 tỷ đồng, gấp tới hơn 15 lần tăng trưởng dư nợ tín dụng, đây là điều hiếm có. Như vậy, điều đó cũng có nghĩa là tiền không đưa được vào nền kinh tế mà đang nằm ở các ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, theo số liệu của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), trong hai tháng đầu năm, kênh trái phiếu DN đã huy động hơn 19.000 tỷ đồng với kỳ hạn bình quân 4,75 năm và lãi suất bình quân 10,07%/năm. Nhiều ngân hàng trong lúc thừa tiền, tăng trưởng tín dụng thấp đang đầu tư vào trái phiếu DN. Đặc biệt, riêng trái phiếu DN bất động sản huy động tới 11.639 tỷ đồng và không loại trừ hiện tượng huy động để đảo nợ.
Các ngân hàng đang giảm lãi suất để kích cầu vốn vay với các DN. Nhưng tình hình khó khăn, các DN không có nhu cầu về vốn. Các dự báo cho biết tăng trưởng tín dụng năm 2020 khó đạt mục tiêu 13-14% theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng dư vốn trong tình hình hiện nay và dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp, bên cạnh đó việc chia sẻ khó khăn với các khách hàng khó khăn trong dịch bệnh có thể sẽ khiến lợi nhuận của các ngân hàng bị sụt giảm. Tuy nhiên, đó là điều phải chấp nhận để hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn.