Lãi suất 'thủng đáy' 6%, người gửi hết thời 'ăn chênh'

Lãi suất không chỉ giảm mạnh, 'thủng đáy' 6%/năm mà còn chấm dứt chính sách 'ăn chênh'. 'Ăn chênh' nghĩa là khi gửi tiết kiệm, khách hàng được cộng thêm vài điểm phần trăm so với biểu niêm yết.

Lãi suất “thủng đáy” 6%/năm

Sau nhiều tháng liên tục bị điều chỉnh giảm, mặt bằng lãi suất huy động liên tục “thủng đáy”. Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng đã xuống dưới mức 6%/năm ở khá nhiều ngân hàng.

Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng, Big 4 (nhóm 4 ngân hàng quốc doanh bao gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển – BIDV, Ngân hàng TMCP Công Thương – VietinBank và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Agribank) có lãi suất huy động thấp nhất, chỉ 4,7%/năm.

Cao hơn một chút là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần như Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam – VIB (5,4%/năm), Ngân hàng TMCP Kiên Long - KienlongBank (5,8%/năm), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (5,8%/năm), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (5,9%/năm), Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu – GPBank (5,95%/năm).

 Lãi suất không chỉ giảm mạnh, “thủng đáy” 6%/năm mà còn chấm dứt chính sách “ăn chênh”. “Ăn chênh” nghĩa là khi gửi tiết kiệm, khách hàng được cộng thêm vài điểm phần trăm so với biểu niêm yết. Ảnh minh họa

Lãi suất không chỉ giảm mạnh, “thủng đáy” 6%/năm mà còn chấm dứt chính sách “ăn chênh”. “Ăn chênh” nghĩa là khi gửi tiết kiệm, khách hàng được cộng thêm vài điểm phần trăm so với biểu niêm yết. Ảnh minh họa

Ở kỳ hạn 12 tháng cũng có khá nhiều đơn vị niêm yết biểu lãi suất dưới 6%/năm như Ngân hàng TMCP An Bình – ABBank (5,7%/năm). Nhóm Big 4 cùng áp dụng mức lãi suất 5,8%/năm. 5,8%/năm cũng là mức được VIB và VPBank áp dụng.

Thậm chí, ở kỳ hạn 24 tháng, mốc 6%/năm cũng đã bị “xuyên thủng”. ABBank đang có lãi suất thấp nhất thị trường với 5,4%/năm. Cao hơn một chút là mức 5,5%/năm được nhóm Big 4 áp dụng. Ngoài ra, VPBank cũng niêm yết lãi suất ở mức 5,8%/năm.

Đỏ mắt tìm nơi gửi 7%/năm

Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng phổ biến nhất dao động từ 6,2%/năm đến 6,6%/năm. Lãi suất trên 7%/năm vẫn còn tồn tại nhưng khá hiếm hoi, phải “đỏ mắt” để tìm.

Ở kỳ hạn 6 tháng, Ngân hàng TMCP Đông Á – DongA Bank là đơn vị hiếm hoi niêm yết lãi suất huy động trên 7%/năm với mức 7,25%/năm.

Cụ thể, theo biểu niêm yết “chuẩn” của DongA Bank, lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao nhất chỉ là 6,35%/năm. Tuy nhiên, DongA Bank áp dụng chính sách cộng biên độ. Theo đó, tiền gửi có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên, khách hàng sẽ được cộng 0,9%. Như vậy, mức tối đa mà khách hàng nhận được tại nhà băng này là 7,25%/năm.

Với kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, lãi suất tại DongA Bank là 6,7%/năm và 7,1%/năm. Đây là các kỳ hạn cũng được cộng biên độ như trên. Điều đó có nghĩa mức cao nhất mà khách hàng được nhận ở kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng là 7,6%/năm và 8%/năm.

Một số nhà băng khác cũng có chính sách lãi suất kỳ hạn 12 tháng trên 7%/năm có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Nam Á - NamA Bank (7,1%/năm), Ngân hàng TMCP Quốc Dân - NCB (7,1%/năm).

Ngoài ra, tùy từng Chi nhánh, Phòng giao dịch, một số đơn vị như Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây dựng cũng ghi nhận lãi suất trên 7%/năm.

Hết thời “ăn chênh” lãi suất

Có thể thấy, mặt bằng lãi suất huy động đã xuống mức rất thấp. Người gửi càng “khó” hơn khi nhiều nhà băng ngừng chính sách “chênh” lãi suất suất.

Cô Hoàng Thu (Hai Bà Trưng – Hà Nội) chia sẻ trước đây, ngay cả ở thời điểm lãi suất rất cao, khi đi gửi tiết kiệm, cô luôn được nhận lãi suất cao hơn so với biểu niêm yết của nhiều ngân hàng.

“Chỉ vài tháng trước, khi gửi tiết kiệm, tôi thường gửi được với mức chênh từ 0,2% đến 0,5%/năm, tùy từng ngân hàng khác nhau và tùy từng giá trị món tiền gửi khác nhau. Nhưng bây giờ, đa số các ngân hàng đều cắt chính sách này. Có chỗ quen lắm cũng chỉ cộng thêm 0,1% thôi”, cô Hoàng Thu chia sẻ.

Ngoài ra, cô Thu còn cho biết chỉ vài tháng trước, cô còn “chê” mức lãi hơn 7%/năm. Nhưng cách đây vài ngày, cô phải mất nhiều thời gian mới tìm được mức cao là 6,6%/năm.

Dù lãi suất đã xuống mức rất thấp so với trước đây nhưng cô Thu vẫn không có ý định thay đổi kênh đầu tư, cô vẫn tiếp tục gửi tiết kiệm nhưng theo “chiến thuật” mà các con cô khuyên.

“Các con tôi cho rằng lãi suất tiết kiệm vẫn có thể tăng trở lại nên khuyên tôi chỉ nên gửi kỳ hạn ngắn. 6 tháng là kỳ hạn hợp lý nhất vì thời gian đủ linh hoạt và lãi suất không quá thấp như kỳ hạn 3 tháng”, cô Thu chia sẻ.

Hoàng Tú

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lai-suat-thung-day-6-nguoi-gui-het-thoi-an-chenh-post262884.html