Lãi suất tín phiếu kỳ vọng tiếp tục giảm, tạo thuận lợi cho dòng tiền cuối năm

Lợi suất trái phiếu chính phủ đang tiếp tục chu kỳ đi xuống và các chuyên gia dự báo, trong xu hướng giảm lãi suất toàn cầu thì dư địa cho mặt bằng lãi suất đấu thầu tín phiếu trên thị trường mở (OMO) của Việt Nam có thể còn tiếp tục giảm thêm. Đây là yếu tố thuận lợi về dòng tiền từ hệ thống ngân hàng có thể lan tỏa ra nền kinh tế giai đoạn cuối năm.

Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng là 2 nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng hoạt động các ngân hàng. Ảnh tư liệu

Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng là 2 nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng hoạt động các ngân hàng. Ảnh tư liệu

Kỳ vọng lãi suất OMO giảm thêm

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức ban hành Thông tư 44/2024/TT-NHNN sửa đổi khoản 2 Điều 2 Thông tư 16/2019/TT-NHNN quy định về phát hành tín phiếu NHNN.

Theo đó, tại Thông tư 44/2024/TT-NHNN đã có thay đổi quan trọng là bổ sung thêm đối tượng áp dụng là các công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành so với các đối tượng được quy định tại Thông tư 16 trước đây. Theo lý giải của NHNN, việc thay đổi này là để đảm bảo sự đồng bộ với Luật Các tổ chức tín dụng 2024, khi Luật này đã bổ sung quy định về công ty tài chính tổng hợp và công ty tài chính chuyên ngành tại khoản 12, 13 Điều 4.

Như vậy, từ ngày 23/10 này, Thông tư 44/2024/TT-NHNN sẽ chính thức có hiệu lực, tạo sự đồng bộ, ổn định hơn về mặt pháp lý, hỗ trợ cho hoạt động đấu thầu tín phiếu của NHNN, cũng như các đối tượng tham gia.

Cũng trong câu chuyện liên quan đến các hoạt động trên thị trường mở, lãi suất OMO trong năm 2024 có thời điểm leo lên mức 4,5%, nhưng sau đó đã đi vào chu kỳ giảm dần và trong các phiên đấu thầu gần đây đã về mức chỉ còn 4%.

Trong khi đó, theo dõi diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ đang trong xu hướng giảm trung hạn, một số chuyên gia cho rằng, hiện có cơ sở để kỳ vọng lãi suất trên thị trường mở có thể còn giảm thấp hơn nữa. Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường thuộc Công ty chứng khoán VPBank cho biết, quan sát quá khứ có thể thấy khi lợi suất trái phiếu chính phủ đi xuống cũng thường đồng pha với xu hướng giảm của lãi suất tái cấp vốn. Với bối cảnh này, ông Sơn dự đoán lãi suất tái cấp vốn cuối năm có thể sẽ giảm thêm 25 điểm cơ bản.

Yếu tố thuận lợi để thúc đẩy tín dụng

Lướt qua diễn biến lãi suất thị trường liên ngân hàng thời gian gần đây cũng cho thấy xu hướng hạ thấp dần. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng thời điểm cuối tháng 9/2024 vẫn còn ở mức khoảng 4,44% thì đến nay đã giảm về mức 3,21%.

Một trong những yếu tố thuận lợi giúp lãi suất tái cấp vốn và lãi suất liên ngân hàng đi xuống là ảnh hưởng từ xu hướng giảm lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Theo đó, ngoài động thái giảm 50 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), thì trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã giảm 25 điểm cơ bản lãi suất trong tháng 9. Trong tháng 6/2024, ECB cũng đã có 1 đợt giảm lãi suất.

Bình luận về điều này, ông Trần Hoàng Sơn cho biết, khi lãi suất của Mỹ giảm xuống thì áp lực chênh lệch lãi suất của VND-USD đã được thu hẹp và đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam giảm lãi suất tái cấp vốn.

Với bối cảnh hiện tại, NHNN đang có điều kiện thuận lợi để thực hiện các mục tiêu đẩy mạnh dòng vốn ra nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm. Tại thời điểm đầu tháng 10/2024, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, các động lực tăng trưởng kinh tế từ phía cung và phía cầu đều cải thiện và có sự phục hồi. Lạm phát được kiểm soát khá ổn định, khả năng đạt được mục tiêu của năm 2024 và các yếu tố này đảm bảo bình quân lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Trong khi đó về tỷ giá, VND mất giá khoảng 1,66% - đây là mức mất giá phù hợp và cũng tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Thời gian qua, ngành Ngân hàng cũng đã đưa các giải pháp đẩy mạnh tín dụng và kết quả đến cuối tháng 9/2024, tín dụng tăng 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. “Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy năm nay mục tiêu tăng 15% là hoàn toàn khả thi” - bà Hồng nhận định.

Từ góc nhìn của các ngân hàng, trong bản báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2024 do NHNN thực hiện, các tổ chức tín dụng khi được khảo sát cho biết các nhân tố “Chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá” cùng với “Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng” là 2 nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng hoạt động các ngân hàng trong quý III và dự kiến cho cả năm 2024. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đánh giá “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp cải thiện hoạt động của tổ chức tín dụng.

Lợi suất trái phiếu 10 năm giảm liên tục trong 5 tháng qua

Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm sau khi đạt đỉnh (có lúc vượt 3%) vào tháng 5/2024 đã đi vào xu hướng giảm liên tục trong 5 tháng qua và hiện đã về mức chỉ còn khoảng 2,7%. Tương tự, lợi suất trái phiếu chính phủ các kỳ hạn 5 năm và 15 năm cũng có xu hướng giảm dần đều từ đầu quý II/2024 đến nay.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lai-suat-tin-phieu-ky-vong-tiep-tuc-giam-tao-thuan-loi-cho-dong-tien-cuoi-nam-161787-161787.html