Lại Văn Sâm than 'dại', tuyên bố không làm giám khảo 'Siêu trí tuệ Việt Nam' nữa
Chứng kiến những màn đấu trí 'căng não' giữa các tuyển thủ Việt Nam và quốc tế, nhà báo Lại Văn Sâm tự nhận 'dại' khi nhận lời làm giám khảo chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam.
Mùa 1 của “Siêu trí tuệ Việt Nam” kết thúc bằng hai trận đấu trí giữa tuyển thủ Việt Nam và quốc tế: Huy Hoàng – Mori Kaito và Tuấn Phi – Takeru Aoki.
Mori Kaito, đối thủ của “trùm toán học” Huy Hoàng, là sinh viên năm tư ngành Luật thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản). Năm 2016, Kaito lọt vào top 8 chung kết cuộc thi IQ. Sau đó, Kaito tham gia trận đấu giao hữu trong “Siêu trí tuệ Trung Quốc” và giành được chiến thắng ở thử thách có độ khó cùng hạng mục với Huy Hoàng – “Logic tung hoành”.
Giám khảo quốc tế Vương Phong tiết lộ thêm, đối thủ người Trung Quốc lúc đó được mệnh danh là “cao thủ toán học”, trên đấu trường quốc tế chỉ thua mỗi Mori Kaito.
Trong màn tranh tài lần này, hai tuyển thủ tham gia thử thách “Logic tung hoành” mức độ nâng cấp hơn. Cụ thể, trên màn hình có những ô màu chuyển động giao nhau, với 8 màu nằm ngang, mỗi màu là một dãy số có 9 con số; và 9 màu nằm dọc, mỗi màu là một dãy số có 7 con số. Mỗi dày số đều có quy luật. Hai tuyển thủ vừa quan sát các con số trong các ô cùng màu, vừa suy luận logic để tìm ra số còn thiếu trong ô màu để trống. Mỗi vòng có hai đề, trả lời chính xác cả hai mới được điểm. Chỉ cần trả lời sai một đề, điểm thuộc về đối phương. Có tổng cộng 5 vòng thi, mỗi vòng điểm số và độ khó tăng lên, thời gian chạy các ô màu rút ngắn dần từ 6 – 2 giây, tương ứng với điểm tăng dần từ 1 – 5 điểm. Đặc biệt ở vòng 5, ô nằm ngang có đến 2 ẩn số. Kết thúc 5 vòng, tuyển thủ nào điểm cao hơn giành chiến thắng.
Ở vòng đầu tiên, Huy Hoàng tìm được kết quả nhanh hơn và bấm chuông giành quyền xét kết quả. Tuy nhiên, chỉ với một sai sót, chàng sinh viên Bách khoa đã nhường điểm đầu tiên cho đối thủ.
Sang vòng thứ hai, Huy Hoàng bị chút tâm lý do thất bại ở vòng một nên ảnh hưởng đến tốc độ tính toán. Trong lúc tuyển thủ Việt Nam vẫn đang tính toán, Mori Kaito nhanh chóng tìm ra đáp án và bấm chuông ở giây thứ 47. Trả lời đúng cả hai con số, nam sinh Nhật Bản giành thêm 2 điểm, dẫn trước Huy Hoàng với tỷ số 3-0.
Đối mặt với áp lực điểm số, Huy Hoàng thi đấu với tâm lý “không còn gì để mất”. Tuyển thủ nặng chưa tới 45 kg “chốt” đáp án trước. Lần này, những nỗ lực đã được đền đáp, Huy Hoàng cho ra kết quả chính xác và gỡ hòa 3-3.
Tiếp đà chiến thắng, Huy Hoàng thể hiện xuất sắc tại vòng thứ 4, bứt phá dẫn trước Kaito với tỷ số 7-3. Thời điểm xét kết quả, cả trường quay như nín thở chờ đợi MC Trấn Thành đọc lên những chữ số. Và cảm xúc thực sự “vỡ òa” lúc con số cuối cùng lộ diện, xác nhận Huy Hoàng tính toán đúng.
Nhà báo Lại Văn Sâm thậm chí bỏ ghế giám khảo, hết ngồi bệt lên sàn rồi đứng thấp thỏm trong lúc kiểm tra đáp án của Huy Hoàng. Sau đó, ông ôm chầm lấy Tóc Tiên, bắt tay giám khảo Vương Phong để thể hiện được niềm phấn khích tột cùng.
Trong vòng quyết định, Huy Hoàng và Mori Kaito gần như bấm chuông cùng một lúc. Hai người đều chốt đáp án ở 2 phút 15 giây. Lúc này, chương trình phải xét đến sao (đơn vị đo thời gian nhỏ hơn giây) và xác định Kaito bấm chuông trước. Tuy nhiên, do mải tập trung giành quyền xét đáp án, Kaito ghi thiếu một chữ số trong đáp án. Với kết quả này, Huy Hoàng chiến thắng chung cuộc với tỷ số cách biệt 12-3, mang đến vinh quang cho Biệt đội siêu trí tuệ Việt Nam.
Nhận xét về trận đấu giữa Huy Hoàng và Mori Kaito, giám khảo Lại Văn Sâm thốt lên: “Nó gay cấn kinh khủng, và hại tim, hại não kinh khủng khiếp”.
Ông còn tuyên bố, lần sau không làm giám khảo “Siêu trí tuệ Việt Nam” nữa. “Không cái dại nào giống cái dại nào. ‘Mình năm nay cái dại nhất là nhận lời ngồi ở đây để hại tim, hại não’ - đó là tâm sự rất thật của tôi”, nam MC kỳ cựu nhấn mạnh.
Cũng như Huy Hoàng, Tuấn Phi đả bại đối thủ đến từ Nhật Bản Takeru Aoki. So với tuyển thủ Việt Nam, Takeru Aoki có nhiều kinh nghiệm thi đấu, là huấn luyện viên của bộ môn siêu trí nhớ tại quê nhà, luôn đứng đầu và đại diện cho Nhật Bản tham gia các cuộc thi về siêu trí nhớ trên đấu trường quốc tế.
Tại “Siêu trí tuệ Việt Nam”, Tuấn Phi và Takeru Aoki tranh tài qua thử thách “Truy tìm điểm ảnh”. Theo đó, các giám khảo chọn ra 3 trong số 30 bức ảnh phong cảnh Việt Nam và Nhật Bản đen trắng, khổ A3. Sau đó, họ chỉ định một điểm ảnh bất kỳ bằng một ô vuông mika có cạnh 1cm. Hai tuyển thủ được xem trước 30 bức ảnh, sau đó quan sát điểm ảnh được tách ra trong 60 giây, từ đó tìm ra bức ảnh chứa điểm ảnh đó. Trong vòng 15 phút, các tuyển thủ phải điền đáp án và bấm chuông, ai nhanh hơn được quyền xét kết quả. Kết quả đúng, tuyển thủ đó phải tìm được vị trí chính xác của điểm ảnh đó trên bức ảnh tương tự ở khổ A4. Nếu hoàn thành cả hai yêu cầu, tuyển thủ mới có điểm. Sai một trong hai yêu cầu, điểm thuộc về đối thủ. Sau ba vòng thi, hai cao điểm hơn giành chiến thắng chung cuộc.
Do độ khó quá cao, đồng thời hai tuyển thủ đều rất cẩn thận vì sợ mất điểm trước đối thủ, hai vòng thi đầu đều không có ai bấm chuông chốt đáp án.
Sang vòng thi thứ ba, Takeru Aoki bấm chuông nhanh hơn Tuấn Phi. Đáng tiếc, anh phạm luật vì phải viết đáp án rồi mới được bấm chuông. Do đó, Tuấn Phi giành được quyền xét đáp án. Không bỏ lỡ cơ hội này, tuyển thủ Việt Nam tìm được bức ảnh đúng, đồng thời xác định chính xác vị trí của điểm ảnh. Kết thúc ba vòng thi, Tuấn Phi chiến thắng chung cuộc với tỷ số 1- 0.
Takeru Aoki rất tiếc nuối trước thất bại này. Anh giải thích, hai người tìm ra đáp án gần như cùng lúc, nếu không mải quan sát đối thủ, anh không mắc phải sai lầm đáng tiếc.