Lái xe khi say chẳng khác nào... phạm tội hình sự

Lái xe khi say chẳng khác nào... phạm tội hình sự Sự việc tài xế say xỉn tông ba người trong một gia đình ở Bắc Giang tử vong lại dấy lên mối lo ngại về ý thức của người tham gia giao thông.

Theo thống kê, Việt Nam là nước có tỉ lệ tai nạn giao thông thuộc “hàng tốp” thế giới. Trung bình mỗi năm tai nạn cướp đi khoảng 6.500 người và gần gấp đôi số người bị thương tật, có người sống thực vật, tàn phế, ám ảnh tinh thần nạn nhân, gia đình suốt đời…

Có nhiều nguyên nhân tạo ra con số khủng khiếp trên như phân luồng, biển báo giao thông chưa hợp lý, cơ sở hạ tầng xuống cấp… Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông luôn được chỉ ra trong các báo cáo, tổng kết của CSGT hằng năm là do ý thức của người điều khiển phương tiện kém, việc sử dụng chất kích thích, lấn làn, lấn tuyến…

Và trong phân tích, công an cũng nêu trong số hàng ngàn vụ tai nạn thì tỉ lệ tai nạn do tài xế sử dụng rượu bia, ma túy chiếm khoảng 3%, những vụ tai nạn do nguyên nhân này luôn là những tai nạn thảm khốc.

Theo Công điện, trong 5 tháng đầu năm 2022, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 30 người (giảm khoảng 1,07%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Đáng nói, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông có hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Còn theo kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới đối với các nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông, có tới 36% số người lái xe máy và gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.

 Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 3 người trong gia đình tại Bắc Giang tử vong.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 3 người trong gia đình tại Bắc Giang tử vong.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, rượu bia là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, khó xử lý tình huống, nhiều người đã vô tình gieo những án “tử” không hẹn trước cho những người tham gia giao thông khác và cả chính mình.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức - Trường Đại học Việt Đức, kết quả nghiên cứu thực nghiệm mà trung tâm triển khai trên mô hình mô phỏng giao thông áp dụng đối với người Việt Nam cho thấy, nồng độ cồn trong máu ảnh hưởng đến các kỹ năng lái xe ở tất cả các cấp độ, gây nguy hiểm cho chính người lái xe và những người cùng tham gia giao thông.

"Trường hợp trong máu có nồng độ cồn mà điều khiển xe máy hay ô tô tham gia giao thông ảnh hưởng trực tiếp là người điều khiển có xu hướng lái xe ở tốc độ cao hơn rất nhiều, kết hợp với giảm thời gian phản ứng phanh. Ngoài ra trong người có nồng độ cồn có xu hướng đánh võng, đi xe đổi làn liên tục, lấn làn, vượt đèn đỏ.

Như vụ tai nạn giao thông ở Bắc Giang mà trong người của người lái xe ô tô kiểm tra nồng độ cồn trong máu là 60, theo nghiên cứu thực nghiệm của chúng tôi chỉ ra rằng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông so với trường hợp trong người không có nồng độ cồn thì cao gấp khoảng 10 lần", ông Tuấn cho hay.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức - Trường Đại học Việt Đức cho rằng, hành vi sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả nghiêm trọng cần phải tăng chế tài mới đủ sức răn đe.

"Sử dụng rượu bia, chất kích thích khi điều khiển ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, là hành vi coi thường pháp luật, bất chấp tính mạng, tài sản của người khác", PGS.TS Vũ Anh Tuấn nói và nhấn mạnh, đã đến lúc nên coi người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là tội phạm hình sự để phòng ngừa tội phạm.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn cho rằng đã đến lúc nên coi người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là tội phạm hình sự

PGS.TS Vũ Anh Tuấn cho rằng đã đến lúc nên coi người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là tội phạm hình sự

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Việt Cường - Đại học Y tế Công cộng cho biết, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để xử lý các trường hợp sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông, nhưng thực sự vẫn chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

"Chúng ta mặc dù có luật, nhưng mà chúng ta chưa triển khai và thực thi một cách tốt nhất cho nên vẫn còn những hiện tượng này. Theo tôi, để có thể thay đổi được trước hết là việc thực thi pháp luật của chúng ta cần đẩy mạnh và đặc biệt là tuyên truyền trong vấn đề sử dụng rượu bia và lái xe.

Mức phạt hiện nay của Nghị định số 100 và Nghị định số 123 mới đây (sửa đổi) tôi cho rằng cũng khá nặng. Tuy nhiên, ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức gọi là tước bằng lái và phạt tiền, chưa xử phạt hành vi tái phạm hay những người vi phạm ở mức độ cao", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Việt Cường nói.

Một số ý kiến cho rằng, để giảm các vụ việc tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra, cùng với triển khai thực thi pháp luật thì cơ quan chức năng cần nghiên cứu đến phương án đưa ra những hình thức xử phạt nặng hơn, có thể tước bằng lái xe vĩnh viễn, cấm lái, thậm chí là phạt tù đối với những trường hợp tái phạm liên tục.

Kim Ngân

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/lai-xe-khi-say-chang-khac-nao-pham-toi-hinh-su-d182107.html