Làm cha mẹ thời hiện đại, khó hay dễ?

Cha mẹ thời hiện đại được rất nhiều hậu thuẫn từ một xã hội hội nhập và năng động, cùng sự hỗ trợ của truyền thông, internet, mạng xã hội, các khóa học về kỹ năng làm cha mẹ. Thế nhưng, bên cạnh những ưu thế, cha mẹ thời hiện đại cũng đứng trước không ít khó khăn, áp lực.

Cha mẹ đồng hành cùng sự phát triển của trẻ. Ảnh: THÁI HÀ

Cha mẹ đồng hành cùng sự phát triển của trẻ. Ảnh: THÁI HÀ

Kiệt sức vì nuôi con

Làm cha mẹ là một hành trình thiêng liêng và ý nghĩa, nhưng không hề dễ dàng, nhất là với những ai mới lần đầu làm cha mẹ hoặc chưa có sự chuẩn bị chu đáo. Tình trạng kiệt sức, quá tải trong quá trình làm cha mẹ giờ đây không còn xa lạ trong xã hội hiện đại.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa) có 5 người con. Trong đó, chị Hiền là con gái đầu, đã kết hôn và sinh 1 người con; còn lại, 4 người em trai sau thì có 3 người chưa lập gia đình, một người đã lấy vợ nhưng sau đó ly hôn và chưa có con. Chị Hiền chia sẻ: “Các em tôi không dám lập gia đình vì kinh tế chưa vững vàng dù chúng đã ở độ tuổi 24-35. Bản thân tôi chỉ dám sinh 1 con vì giai đoạn con còn nhỏ quá vất vả, công việc thì bận rộn, lương bổng chỉ đủ đầu tư cho 1 con học hành. Hiện chỉ có 1 đứa con mà tôi đã vắt chân lên cổ chạy vì phải đưa đón con đến trường, đến trung tâm; tối ngồi học bài cùng con; vài ngày lại nghe cô giáo nhắc nhở vì ở trường con ít tập trung; nghỉ hè phải mang con tới cơ quan để vừa làm việc vừa trông coi!”.

Có thể thấy, kết hôn, sinh con là quyết định cần nhiều sự cân nhắc bởi riêng chi phí cho một đứa trẻ thời điểm này bao gồm rất nhiều khoản. Giai đoạn sơ sinh là sữa, tã, khám bệnh, công chăm sóc, quần áo... Giai đoạn học ở nhà trường là BHYT, sinh hoạt phí, học thêm, học kỹ năng sống, giải trí... Sau phổ thông là học nghề hoặc cao đẳng, đại học, thậm chí du học… Theo thống kê sơ bộ năm 2020, tại Việt Nam, trung bình nuôi một đứa con từ lúc mới sinh ra cho đến khi có thể lao động tự kiếm sống, chi phí dao động từ vài trăm triệu đến hàng tỉ, vài tỉ đồng.

Chi phí nuôi con cùng những vấn đề xung quanh một đứa trẻ khiến nhiều người phải chùn chân khi nghĩ về hôn nhân. Chị Lê Thị Thu Thảo (xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa) chia sẻ: “Tôi 27 tuổi và vẫn độc thân. Tuổi này ở quê mọi người đã gọi là ế nhưng tôi thì không vội. Tôi thấy một số bạn bè mình kết hôn khi tài chính chưa vững vàng, kiến thức nuôi dạy con chưa được trang bị đầy đủ nên gia đình rất dễ mâu thuẫn dẫn đến ly hôn. Thế nên, tôi sẽ chỉ lập gia đình khi thu nhập ở mức ổn định, tâm lý đã sẵn sàng để có thể chăm lo tốt nhất cho tổ ấm nhỏ của mình, đảm bảo cho con sinh ra có một sự khởi đầu thuận lợi”.

Không ngừng học hỏi để đồng hành cùng trẻ

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, nuôi con thời hiện đại không chỉ đơn thuần là dạy con kỹ năng sống cơ bản mà còn là việc phải đối mặt với sự thay đổi liên tục của mọi mặt đời sống xã hội và tâm lý con trẻ. Các bậc phụ huynh ngày nay phải thích nghi với thách thức mới, để từ đó giúp con cái phát triển toàn diện.

Nói về hành trình nuôi con của mình, chị Lê Thị Hồng Cẩm (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) cho biết: “Tôi cũng như nhiều bà mẹ khác chỉ dạy con theo bản năng chứ hầu như không được chuẩn bị nhiều khi bước vào hành trình làm cha, làm mẹ. Chính vì vậy mà ngay khi con còn nhỏ, gia đình tôi đã rất lúng túng, căng thẳng. Để sắp xếp lại cuộc sống gia đình, tôi tham khảo theo nhiều phương pháp nuôi dạy con hiện đại để rèn cho con các thói quen tốt. Hiện con tôi học cuối cấp 2, cháu có phần nổi loạn nên nhiều lúc tôi phải nhượng bộ. Dù vậy, tôi vẫn đang mò mẫm theo dõi từng mốc phát triển của con để có cách giáo dục phù hợp. Tôi ngẫm ra rằng, làm cha mẹ là một hành trình học hỏi bất tận. Riêng việc cho con sử dụng công nghệ đúng cách đã là một “cuộc chiến”, đòi hỏi cha mẹ cần có sự hiểu biết, quản lý và hướng dẫn để tránh gây ra tác động xấu cho trẻ chứ chưa nói đến những vấn đề khác.

Các chuyên gia tâm lý, gia đình cho rằng, có rất nhiều phương pháp nuôi dạy trẻ, nhưng việc áp dụng cần có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tính cách, sở trường cũng như các giai đoạn phát triển tâm sinh lý của trẻ. Để làm được điều đó, các bậc phụ huynh phải là những người đồng hành kiên nhẫn, không ngừng học hỏi và thích nghi với những thay đổi của thế giới ngày nay. Cùng với đó, sự yêu thương, hiểu biết về nhu cầu và khả năng của con cái sẽ giúp cha mẹ xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Việc nhiều phụ huynh cảm thấy làm cha làm mẹ khó quá là điều hết sức bình thường. Dù vậy, chúng ta có rất nhiều cơ hội tiếp cận với các tài liệu, kiến thức về nuôi dạy con. Chìa khóa giáo dục là khi chúng ta đủ khiêm tốn để nhìn nhận cách giáo dục của mình đang bất ổn, chưa phù hợp với con cái và can đảm thay đổi. Với tình thương dành cho con cái cùng với sự kiên nhẫn, phụ huynh hoàn toàn có thể thành công trong việc giáo dục con cái.

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện,

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/321138/lam-cha-me-thoi-hien-dai-kho-hay-de.html