Làm Chính phủ điện tử thực chất, lấy người dân là trung tâm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị làm Chính phủ điện tử phải thực chất, không hình thức, lấy người dân là trung tâm, sự hài lòng của người dân là mục tiêu...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử phát biểu tại hội nghị

Sáng 23.7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Tại điểm cầu Hải Dương, đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo dự hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị làm Chính phủ điện tử phải thực chất, không hình thức, lấy người dân là trung tâm, sự hài lòng của người dân là mục tiêu, bảo đảm các điều kiện thuận tiện để nhân dân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ. Thủ tướng đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương chủ động, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Các cơ quan liên quan xây dựng các nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; định danh và xác thực điện tử; về bảo vệ dữ liệu cá nhân… Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam. Tập trung xây dựng và sớm đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương phát huy vai trò điều hành, hướng dẫn, bảo đảm việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đúng tiến độ, hiệu quả…

 Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương tại điểm cầu Hải Dương

Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương tại điểm cầu Hải Dương

Sau 3 tháng triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, 10 trong tổng số 16 nhiệm vụ cụ thể được giao đã cơ bản hoàn thành. Nước ta đã từng bước hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử. Cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ; các hệ thống thông tin quan trọng được nghiên cứu, xây dựng khẩn trương. Đến nay, đã vận hành được một số hệ thống trong triển khai Chính phủ điện tử. Theo công bố chưa chính thức cuối tháng 3.2019 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), năm 2018, Việt Nam xếp thứ 50 trong 193 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá về chỉ số an toàn, an ninh thông tin (tăng 50 bậc so với năm 2017).

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng một số cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin còn chậm, việc bố trí kinh phí thực hiện gặp khó khăn, một số hệ thống đã triển khai nhưng khai thác, sử dụng chưa hiệu quả. Vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu còn hạn chế. Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin "một cửa điện tử" tại một số địa phương chưa bảo đảm các chức năng; số lượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ thấp, kém hiệu quả, có dịch vụ không phát sinh hồ sơ gây lãng phí...

HÀ NGA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/lam-chinh-phu-dien-tu-thuc-chat-lay-nguoi-dan-la-trung-tam-113125