Làm đẹp thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan

Tháo dỡ cọc tre, lưới mùng và dụng cụ đánh bắt hủy diệt đầm Ô Loan. Ảnh: LÊ TRÂM

Đầm Ô Loan là di tích danh thắng cấp quốc gia nhưng thời gian qua bị xâm hại bởi việc khai thác thủy sản tận diệt, lấn chiếm xây dựng, ảnh hưởng tới cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp quyết liệt xử lý tình trạng lấn chiếm mặt nước, đánh bắt hủy diệt để trả lại nguyên trạng thắng cảnh quốc gia.

Ô Loan là đầm nước lợ, có diện tích mặt nước gần 1.570ha, ngư dân 4 xã An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Hiệp, An Cư (huyện Tuy An) sống ven đầm. Hai năm qua, UBND huyện Tuy An ra quân giải tỏa, thu hồi lờ bóng Thái Lan, lưới mùng, cọc tre cắm thành que đăng dưới đầm, với quyết tâm làm đẹp thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan.

Ra quân “giải cứu” đầm Ô Loan

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An đưa chúng tôi đi ven đầm, xuất phát từ xã An Hòa Hải qua xã An Ninh Đông, An Cư rồi đến An Hiệp. Trên đường đi, ông Thanh cho hay: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xử lý lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng và phát triển bền vững đầm Ô Loan, tháng 5/2019, dưới chân cầu Long Phú (xã An Cư), UBND huyện tổ chức lễ ra quân giải tỏa, thu hồi lờ bóng Thái Lan, lưới mùng, cọc tre cắm dưới đầm Ô Loan. Đến tháng 8/2019, huyện thành lập đoàn kiểm tra sử dụng ca nô tiến hành kiểm tra quanh đầm về công tác giải tỏa hồ nuôi tôm xây dựng trái phép trên đầm Ô Loan. Trong thời gian đó, địa phương và đoàn kiểm tra tổ chức khảo sát, mời những hộ dân có sử dụng các ngư cụ như bóng Thái Lan, lưới mùng, cọc tre cắm thành que đăng dưới đầm để đối thoại, vận động nhân dân ngừng các hoạt động đánh bắt hủy diệt và tự tháo dỡ.

Ông Thanh thông tin thêm, từ tháng 3-5/2020, huyện tổ chức 2 đợt ra quân kiểm tra thực địa khu vực mặt nước đầm Ô Loan thuộc địa phận 4 xã: An Hòa Hải, An Ninh Đông, An Cư và An Hiệp để xử lý lờ bóng, lưới mùng, cọc tre cắm thành que đăng trên đầm. Đoàn kiểm tra đã tháo dỡ 3.082 hàng cọc tre (người dân tự tháo dỡ 60 hàng cọc). Cùng với đó, đoàn thu 4.173 lờ bóng Thái Lan, giải tỏa trả lại hiện trạng ban đầu 119 hồ, với diện tích 58,44ha, đồng thời yêu cầu các hộ dân ngừng nuôi vụ I/2020 để chờ giải tỏa.

Ông Phạm Ngọc Thanh đánh giá về công tác ra quân xử lý lờ, lưới mùng, cọc tre cắm thành que đăng trên đầm thì xã An Ninh Đông đạt 85%, An Hòa Hải đạt 80%, An Cư đạt 75% và An Hiệp 55%.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Mùi, Trưởng Phòng TN-MT huyện, cho hay: Khi huyện tổ chức lễ ra quân giải tỏa, thu hồi lờ bóng Thái Lan, lưới mùng, cọc tre cắm dưới đầm Ô Loan thì người dân xã này nhìn xã kia rồi tự tháo dỡ. Tuy nhiên, cũng có một số hộ không hợp tác.

Là xã có tỉ lệ thấp nhất trong công tác ra quân xử lý, ông Võ Chí Tình, Chủ tịch UBND xã An Hiệp phân trần: Thực hiện kế hoạch của UBND huyện về việc chỉ đạo các địa phương đồng loạt ra quân giải tỏa, thu hồi và tiêu hủy các dụng cụ vây chắn, đánh bắt thủy sản tận diệt trên đầm, xã An Hiệp đã tổ chức họp vận động nhân dân chấp hành, sau đó UBND xã ra quân dọn dẹp. Đối với lờ bóng Thái Lan, ngư cụ này ngư dân thả vào ban đêm, nằm sâu dưới đáy đầm, khó quan sát. Một số hộ dân để ngư cụ trên bờ, nhưng không sử dụng cũng không tự giác tiêu hủy hoặc giao nộp, gây khó khăn trong việc tịch thu xử lý. Thời gian đến, địa phương xử lý nghiêm vấn đề này để trả lại nguyên trạng không gian đầm thông thoáng, xanh, sạch, đẹp.

Mốc giới khu vực bảo vệ Di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan. Ảnh: LÊ TRÂM

Mốc giới khu vực bảo vệ Di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan. Ảnh: LÊ TRÂM

Hy vọng cá tôm sinh sôi trở lại

Ngư dân Trần Văn Hưng ở xã An Hòa Hải cho rằng: Trước đây, cọc tre cắm giăng mùng để bắt vẹm như bãi chông dưới đầm nhìn đau mắt, còn lưới mùng giăng “bó” kín đầm. Cồn Phú Sơn (xã An Ninh Đông) nằm gần bờ, đến mùa sinh sản, tôm đất rạy (mới nở), nhưng do lưới mùng bắt vẹm giăng kín, tôm mẹ không vào được nên đẻ ngoài xa bị cá rô phi ăn hết, cộng với đánh bắt hủy diệt nên tôm đất gần như mất dạng. Tôm đất ở đầm Ô Loan có 2 loại: tôm bạc và tôm rằn còn gọi là tôm he; trong đó, tôm bạc thịt ngon. Gần đây mặt nước đầm đã trống cọc tre hơn, nhìn cảnh đầm đẹp trở lại.

Chiều, ngồi uống nước trà trước hàng ba, ông Bùi Văn Long ở xã An Hòa Hải cho rằng: “Đầm Ô Loan “chết” vì lờ 12 cửa ngục (lờ bóng Thái Lan ngư dân còn gọi là lờ 12 cửa ngục vì loại này đánh bắt hủy diệt, dây lờ thường có 12 miệng - PV). Nghề thả lưới quăng chài bắt con cá con tôm còn giữ lại “tài sản” dưới đầm (bắt con lớn chừa lại con nhỏ), còn lờ 12 cửa ngục bắt từ con lớn đến con nhỏ. Trước đây đầm no, nhà sắm cái chài và ba tấm lưới, chiều ra đầm quăng chài, thả lưới kiếm được rổ tôm cá về kho; trong bếp nhà nào cũng có cá tôm, còn bây giờ… Mấy năm trước, đám giỗ chạp râm ran bàn chuyện đầm, bây giờ toàn nói chuyện nuôi gà đá bán xuất khẩu”.

Lưới mùng giăng kín ngăn dòng chảy, cộng với rác thải quanh đầm tấn công làm cho nước đầm Ô Loan ô nhiễm. Ông Nguyễn Xuân Hương ở xã An Cư bơi sõng (xuồng nhỏ) ra hồ nuôi tôm quơ 15-20 phút là đầy sõng rong, buồn thiu nói: “Đầm mang trong mình bụng nước dơ, trở thành đầm… than thở, vì thả tôm tôm chết, đầu tư tiền triệu, cả xóm ai cũng than nợ nần. Nhìn nước trong đầm bẩn mà buồn. Có lúc rong giẻ, rong nhớt nổi lên từng đám dày phủ kín mặt đầm. Sau một thời gian lứa rong này già chết rục dưới đầm làm nước càng ô nhiễm nặng. Gia đình tôi thả nuôi 50 vạn con tôm sú, 14 ngày sau tôm trồi đầu lên chết không còn một con, chi phí hết 11 triệu đồng tiền giống. Ở đây, 100 hồ thả tôm nuôi, sau hơn một tuần thì 99 hồ tôm chết sạch, còn một hồ dây dưa chưa được 5 ngày sau thì tôm ngắc ngư trồi đầu lên tiếp”.

Xóm Lưới Gõ (xã An Cư), như một doi đất chảy ra giữa đầm Ô Loan, người dân ở đây sống bằng nghề thả lưới dưới đầm. Thường qua mùa nước “ói” (mùa mưa lũ nước từ nhánh sông Kỳ Lộ đổ về làm cho nước trong đầm dâng cao, đục ngầu, người dân quanh vùng gọi là mùa nước “ói” - PV), người dân thả lưới, đóng chấn bắt cua gạch - đặc sản trong đầm, nhưng nay cua không còn. Bà Nguyễn Thị Hiền ở xóm Lưới Gõ cho hay: Loại cua này có con to bằng cái tô, chén, càng to bằng ngón chân cái. Ban đêm đánh lưới về, sáng người trong xóm ngồi trói cua (dùng dây chuối quấn chặt không cho cua bò, dùng càng kẹp). Mấy năm nay, cua dưới đầm không còn nữa...

Ngoài cua, tôm đất, sò huyết, đầm Ô Loan có một đặc sản nữa là sứa. Sứa đầm Ô Loan rất ngon, thịt dai, chân sứa giòn. Ven đầm Ô Loan có một vùng trước đây sứa xuất hiện dày, người dân chuyên đi bắt sứa gọi là xóm Sứa (xã An Cư). Theo nhiều người dân ở đây, sứa vùng này ăn vào có mùi đầm… rất ngon, mình sứa dai, chân giòn, còn sứa nơi khác ăn bở rệt. Thế nhưng thời gian gần đây, đến mùa, sứa không nổi trên đầm nữa do ô nhiễm nguồn nước.

Bây giờ đầm Ô Loan rộng rãi, nước trong xanh trở lại. Hy vọng rằng mùa mưa năm nay, cá tôm sinh sôi trở lại, tạo kế sinh nhai cho người dân ven đầm.

Sau khi xử lý lấn chiếm, giải tỏa các hộ dân dùng cọc tre cắm dưới đầm, địa phương phân định vùng nuôi, chia bốc thăm lại trong diện tích quy hoạch hơn 200ha các khu nuôi tôm. Ngành Nông nghiệp đã có dự án quy hoạch thả nuôi 102ha sò huyết. Cùng với đó, Sở NN-PTNT triển khai dự án trồng 7km rừng ngập mặn là cây đước. Trong tháng 4/2020, Sở VH-TT-DL tỉnh phối hợp với địa phương khảo sát thực địa cắm 278 mốc giới khoanh vùng khu vực bảo vệ Di tích thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/244457/lam-dep-thang-canh-quoc-gia-dam-o-loan.html