Lâm Đồng: Người chăn nuôi bò sữa bị thiệt hại chưa đồng thuận phương án bồi thường

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phải bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi bò sữa sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục có bò bị chết, đại diện Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) đã trình bày phương án bồi thường, hỗ trợ.

Mức bồi thường được doanh nghiệp đưa ra đối với bò chết có đầy đủ hồ sơ, bò hậu bị không mang thai (bao gồm bê) là 55.000 đồng/kg bò hơi; bò hậu bị mang thai là 60.000 đồng/kg bò hơi; bò sinh sản không mang thai là 65.000 đồng/kg bò hơi và bò sinh sản mang thai 70.000 đồng/kg bò hơi. Bò chết do các hộ chăn nuôi tự xử lý, có xác nhận của thôn, xã, mức hỗ trợ là 7 triệu đồng/con (bò đã bán) và 10 triệu đồng/con (bò tiêu hủy).

Hàng trăm con bò sữa của tỉnh Lâm Đồng chết do tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac.

Hàng trăm con bò sữa của tỉnh Lâm Đồng chết do tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac.

Mức hỗ trợ đối với bò sữa bị bệnh có đầy đủ hồ sơ, chi phí điều trị bệnh 1 triệu đồng/con, chi phí thiệt hại sản xuất là 2,1 triệu đồng/con, áp dụng với bò sữa đang khai thác sữa. Bò bệnh bị sảy thai được bồi thường 6,1 triệu đồng/con, không áp dụng đối với bò chết.

Thời điểm tính bồi thường, hỗ trợ được xác định từ ngày phát sinh ca bệnh đầu tiên đến 16h ngày 26/9. Sau thời gian này, Công ty Navetco sẽ phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cùng cơ quan Thú y địa phương lấy mẫu đối với bò chết, bò sảy thai để xác định nguyên nhân làm cơ sở thực hiện bồi thường, hỗ trợ. Công ty Navetco sẽ chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người chăn nuôi bò sữa bị thiệt hại tại huyện Đức Trọng thành 2 đợt.

Để nhận bồi thường, hỗ trợ, các gia đình có bò sữa bị chết, bị bệnh phải có đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trong phiếu lấy ý kiến, Công ty Navetco cũng yêu cầu bên nhận bồi thường, hỗ trợ cam kết không khiếu nại hay có bất cứ tranh chấp gì liên quan đến số lượng bò và số tiền bồi thường, hỗ trợ sau khi đã được nhận tiền.

Trước phương án bồi thường, hỗ trợ của Công ty Navetco, hầu hết người chăn nuôi có bò sữa bị chết, bị bệnh sau khi tiêm vaccine của doanh nghiệp này tại huyện Đức Trọng đã không đồng thuận. Các ý kiến đều cho rằng, mức giá đền bù trên là quá thấp so với thiệt hại mà người nuôi bò sữa đã và đang phải gánh chịu. Đó là chưa kể những con bò bị bệnh, đang phục hồi, lượng sữa cũng giảm mạnh. Hậu quả của vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac gây ra đã tác động trực tiếp và kéo dài do di chứng trong khi đa số người chăn nuôi bò sữa phải vay tiền của ngân hàng để duy trì chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Ông Lê Nguyên Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng đã đề nghị Công ty Navetco tiếp thu, nghiên cứu ý kiến đề xuất, kiến nghị của các hộ chăn nuôi để đưa ra mức bồi thường, hỗ trợ phù hợp, hài hòa. “Những nội dung nào có thể xem xét, triển khai trước thì phải làm ngay để nhanh chóng khắc phục hậu quả cho người chăn nuôi!...”, ông Lê Nguyên Hoàng nói.

Đến ngày 22/9, tỉnh Lâm Đồng có 7.375 con bò sữa bị bệnh sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac do Công ty Navetco sản xuất, trong đó có 538 con bị chết và 6.641 con đã hồi phục.

Khắc Lịch

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/lam-dong-nguoi-chan-nuoi-bo-sua-bi-thiet-hai-chua-dong-thuan-phuong-an-boi-thuong-i745710/