Lâm Đồng: Phát triển hạ tầng thương mại - liên kết cung cầu hàng hóa

Phát triển hạ tầng thương mại nhằm liên kết cung cầu hàng hóa, xong việc xây dựng chợ nông thôn tại Lâm Đồng được làm dựa trên nhu cầu thực tế, tránh lãng phí.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn bao gồm chợ nông thôn hoặc cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh tổng hợp) đạt chuẩn theo quy định. Đây là tiêu chí quan trọng, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn và cũng được xem là “tiêu chí mềm” trong 19 tiêu chí nông thôn mới.

Chợ Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng

Chợ Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng

Xác định việc phát triển hạ tầng thương mại nhằm liên kết cung cầu hàng hóa, xong việc xây dựng chợ nông thôn tại tỉnh Lâm Đồng được thực hiện dựa trên nhu cầu thực tế, tránh tình trạng lãng phí.

Như tại huyện Lạc Dương, với quy mô dân số toàn huyện chỉ khoảng 20.000 dân, trong đó gần một nửa dân số tập trung tại khu vực thị trấn Lạc Dương, các xã còn lại chỉ có quy mô dân số dưới 2.000 dân, mật độ dân số thấp thì việc quy hoạch xây dựng chợ là không cần thiết.

Do đó, ngay từ thời điểm năm 2010 khi xây dựng nông thôn mới, UBND huyện đã không đưa việc quy hoạch xây dựng chợ vào chương trình. Chính vì vậy, trên địa bàn huyện mặc dù chưa có chợ nhưng huyện Lạc Dương vẫn hoàn thành tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn do đảm bảo điều kiện mua bán, trao đổi hàng hóa.

Tương tự, tại huyện Đạ Tẻh, hiện trên địa bàn có 1 chợ trung tâm huyện, 2 chợ nông thôn đang hoạt động là chợ Triệu Hải và chợ Đạ Lây. Các chợ nông thôn trên cũng chỉ họp vào buổi sáng, đáp ứng nhu cầu cơ bản trong tiêu thụ hàng hóa quy mô cấp xã cho bà con.

Huyện Đạ Tẻh đã căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để thực hiện quy hoạch xây dựng chợ theo từng cụm chợ liên xã. Cụ thể, chợ Triệu Hải sẽ là trung tâm thương mại cho các cụm xã Triệu Hải, Đạ Pal và Quảng Trị; chợ Đạ Lây sẽ là trung tâm thương mại cho các cụm xã trước đây khi chưa sáp nhập là Đạ Lây, Hương Lâm và An Nhơn. Riêng xã Mỹ Đức cũng có chợ, nhưng do quy mô nhỏ và hoạt động không hiệu quả nên huyện Đạ Tẻh đã đưa ra khỏi quy hoạch xây dựng.

Theo Sở Công Thương Lâm Đồng, hiện nay, trên địa bàn có 2 trung tâm thương mại (GO! Đà Lạt và Wincom Plaza Bảo Lộc), 4 siêu thị trong đó có 3 siêu thị tổng hợp quy mô hạng 2 và 1 siêu thị chuyên doanh điện máy - điện tử; có 60 cửa hàng bách hóa xanh.

Hiện tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý 5 chợ (chợ Đà Loan, chợ Tân Hội, chợ Đạ Lây, chợ Gia Viễn và chợ Đạ Rsal) tại 4 địa phương gồm Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông. Trong đó, 4 chợ theo hình thức tiểu thương hình thành hợp tác xã và 1 chợ Đạ Rsal đấu thầu doanh nghiệp quản lý chợ.

Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 68 chợ nông thôn được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa trong tổng số 88 chợ đang hoạt động kinh doanh với tổng số vốn đầu tư hơn 565 tỷ đồng.

Ngoài hệ thống chợ nông thôn được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, trên địa bàn các xã còn có mạng lưới hệ thống cửa hàng, đại lý của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đã đáp ứng được nhu cầu thương mại, giao dịch, trao đổi hàng hóa tại khu vực nông thôn. Đến nay, đã có 110/111 xã đạt chuẩn về tiêu chí thương mại hạ tầng nông thôn.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Lâm Đồng, chính sự ra đời của hệ thống chợ mới đã góp phần cải tạo cơ sở hạ tầng thương mại trong tỉnh, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa, làm đòn bẩy kích thích sản xuất, tiêu dùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cả về số lượng lẫn chủng loại, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tiện ích... của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn bền vững, Sở Công Thương Lâm Đồng cho rằng, trong thời gian tới rất cần phải xây dựng lại yêu cầu thực hiện tiêu chí này dựa trên rà soát quy hoạch chi tiết toàn tỉnh về thương mại. Trong đó, cần phát triển chợ liên xã dựa trên khả năng kết nối với chợ đầu mối, các chợ trung tâm huyện, thị xã, thành phố, nhằm tạo động lực liên kết cung cầu hàng hóa.

Đồng thời, thu hút nguồn vốn đầu tư và chỉ thực hiện xây dựng chợ ở những xã vùng sâu, vùng xa, không có khả năng liên kết thương mại với vùng trung tâm của địa phương bằng ngân sách nhà nước; khuyến khích phát triển các loại hình hạ tầng thương mại quy mô nhỏ như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp tại khu dân cư...

Để phát triển và khai thác có hiệu quả hệ thống chợ cũng như tránh tình trạng lãng phí, các ngành chức năng cần chú ý đến công tác quy hoạch chợ. Việc xây dựng chợ nông thôn cần được xem xét trên nhu cầu thực tế chứ không phải theo quy hoạch, hay để thực hiện theo tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-dong-phat-trien-ha-tang-thuong-mai-lien-ket-cung-cau-hang-hoa-251675.html