Lâm Đồng: Quy định mới về điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa đất, hợp thửa đất

UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định về quy định điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngày 30/9, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái đã ký Quyết định số 27/2024/QĐ-UBND về việc quy định điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Đảm bảo các nguyên tắc và điều kiện

Theo quyết định này, điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất phải đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 220 Luật Đất đai 2024 và các điều kiện: Loại đất được tách thửa, hợp thửa tại Quyết định này là mục đích sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận; đất không có thông báo thu hồi hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (trường hợp có thông báo thu hồi đất nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đất thì phần diện tích, ranh giới còn lại của thửa đất đó được phép tách thửa, hợp thửa).

Sau khi nhậm chức Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Hồng Thái có nhiều quyết sách quan trọng nhằm đưa Lâm Đồng phát triển xứng tầm. Ảnh: Lê Sơn

Sau khi nhậm chức Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Hồng Thái có nhiều quyết sách quan trọng nhằm đưa Lâm Đồng phát triển xứng tầm. Ảnh: Lê Sơn

Trong đó, việc tách thửa đất ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện nêu trên, phải đảm bảo quy định theo khoản 2 Điều 220 Luật Đất đai 2024 và các điều kiện: Đối với thửa đất có nhiều mục đích sử dụng đất thì phải thực hiện việc tách thửa có mục đích sử dụng cao nhất (riêng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất nông nghiệp khác trong cùng thửa đất sau khi tách thửa không cần đảm bảo theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của quyết định).

Các vị trí, khu vực đã có quy định các chỉ tiêu chủ yếu về quản lý quy hoạch, xây dựng đối với nhà ở và công trình riêng lẻ được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc quy chế quản lý kiến trúc đô thị, nông thôn được cơ quan chức năng phê duyệt, diện tích tách thửa được thực hiện theo quy định này; trường hợp dạng kiến trúc nhà ở theo quy định khác với quy hoạch phân khu thì áp dụng theo quy hoạch phân khu...

Thửa đất phi nông nghiệp có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu do Nhà nước quản lý và đã được cập nhật, chỉnh lý, thể hiện trên bản đồ địa chính, thì kích thước theo chiều sâu (cạnh tạo góc với cạnh tiếp giáp đường) phải lớn hơn hoặc bằng 6m sau khi trừ khoảng lùi xây dựng.

Trường hợp thửa đất ở sau khi chia tách tiếp giáp với nhiều đường giao thông có quy định các dạng kiến trúc nhà ở khác nhau thì phải có diện tích và kích thước đất ở tối thiểu theo dạng kiến trúc nhà ở lớn nhất.

Đối với việc hợp thửa đất phải đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 4 của quyết định và khoản 3 Điều 220 Luật Đất đai. Không áp dụng diện tích, kích thước tối thiểu sau khi hợp thửa đất.

Diện tích tối thiểu được tách thửa với từng loại đất

Thứ nhất, tách thửa đất ở tại đô thị: Nhà phố, cho phép diện tích đất ở ≥ 40,0 m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 4,0 m thì được tách thửa.

Đối với nhà liền kề có sân vườn, cho phép diện tích đất ở ≥ 72,0 m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 4,5 m đối với đường đã có tên (hoặc đường chưa có tên mà lộ giới ≥ 10,0 m); tại các đường, đường hẻm còn lại diện tích đất ở ≥ 64,0 m2 và kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 4,0 m thì được tách thửa.

Đối với nhà biệt lập thì diện tích đất ở ≥ 250,0 m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 10,0 m đối với đường đã có tên (hoặc đường chưa có tên mà lộ giới ≥ 10,0 m); tại các đường, đường hẻm còn lại diện tích đất ở ≥ 200,0 m2 và kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 10,0 m.

Đối với nhà biệt thự, quyết định này cho phép diện tích đất ở ≥ 400,0 m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 12,0 m đối với đường đã có tên (hoặc đường chưa có tên mà lộ giới ≥ 10,0 m); tại các đường, đường hẻm còn lại diện tích đất ở ≥ 250 m2 và kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 10,0 m thì được tách thửa.

Nhà phố, cho phép diện tích đất ở ≥ 40,0 m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 4,0 m thì được tách thửa. Ảnh: Lê Sơn

Nhà phố, cho phép diện tích đất ở ≥ 40,0 m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 4,0 m thì được tách thửa. Ảnh: Lê Sơn

Diện tích đất nông nghiệp tối thiểu là 500 m2 tại khu vực đô thị, 1.000 m2 tại khu vực nông thôn được tách thửa. Ảnh: Lê Sơn

Diện tích đất nông nghiệp tối thiểu là 500 m2 tại khu vực đô thị, 1.000 m2 tại khu vực nông thôn được tách thửa. Ảnh: Lê Sơn

Thứ hai, tách thửa đất ở tại nông thôn: Trường hợp đã có quy định dạng kiến trúc nhà ở tại quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch chung xây dựng xã đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì diện tích đất ở tách thửa theo quy định dạng kiến trúc nhà ở của quy hoạch đó. Trường hợp kỳ quy hoạch xây dựng đã hết mà cơ quan có thẩm quyền chưa có văn bản cho kéo dài hoặc phê duyệt kỳ tiếp theo, thì tiếp tục áp dụng theo quy hoạch đó cho đến khi quy hoạch mới được phê duyệt.

Riêng trường hợp chưa có quy định dạng kiến trúc nhà ở, diện tích đất ở phải đảm bảo ≥ 72 m2, kích thước một cạnh đất ở này và kích thước cạnh thửa đất tiếp giáp đường giao thông công cộng hiện có hoặc lối đi ≥ 4,5 m.

Thứ ba, tách thửa đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở: Theo quyết định, việc tách thửa đất đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp khác) của hộ gia đình, cá nhân thực hiện như sau: Đối với thửa đất có thời hạn sử dụng lâu dài thì thực hiện tách thửa theo khoản 1 (trường hợp thửa đất tại các phường, thị trấn) hoặc khoản 2 (trường hợp thửa đất tại các xã) Điều 5 của quyết định. Đối với thửa đất sử dụng có thời hạn thì thực hiện tách thửa theo quy định khoản 5 Điều 5 của quyết định.

Thứ, tách thửa đất sản xuất nông nghiệp, đất nông nghiệp khác: Diện tích đất tối thiểu là 500 m2 tại khu vực đô thị (các phường, thị trấn); 1.000 m2 tại khu vực nông thôn (các xã) gồm cả phần diện tích thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng (nếu có); các thửa đất sau khi tách thửa phải có kích thước cạnh thửa tiếp giáp đường giao thông công cộng hiện có hoặc lối đi ≥ 10,0 m thì được tách.

Thứ năm, tách thửa đất rừng sản xuất là rừng trồng: Diện tích đất tối thiểu là 10.000 m2 thì được tách thửa, đây là một điểm mới đáng chú ý với người dân tỉnh Lâm Đồng.

Ngoài ra, quyết định cũng quy định những trường hợp không được tách thửa đất, hợp thửa đất bao gồm: đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; đất có vi phạm pháp luật về đất đai và chưa chấp hành việc xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đất được Nhà nước cho thuê (trừ trường hợp cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do Nhà nước quản lý theo quy định).

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2024 và thay thế Quyết định số 51/2023/QĐ-UBND ngày 18/8/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, ngày 27/9, ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký 2 Quyết định số 23/2024/QĐ-UBND quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn và Quyết định số 24/2024/QĐ-UBND về việc quy định diện tích đất sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đã liên tiếp ký, ban hành các quyết định nhằm kịp thời gỡ vướng về chính sách đất đai, phần nào đáp ứng sự mong mỏi và kỳ vọng của người dân Lâm Đồng.

Lê Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-dong-quy-dinh-moi-ve-dieu-kien-dien-tich-toi-thieu-duoc-tach-thua-dat-hop-thua-dat-349402.html