Lâm Đồng: Số phận nhiều khu dân cư lửng lơ vì quy hoạch 3 loại rừng

Một số khu dân cư tồn tại từ lâu, thậm chí người dân sống giữa lòng TP Đà Lạt nhưng đến nay vẫn bị quy hoạch là đất rừng phòng hộ.

Ngay giữa lòng TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang tồn tại khu dân cư (KDC) có gần 300 hộ dân, trong đó có nhiều hộ được xác định sinh sống từ trước năm 1975 ở đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn. Theo các văn bản hành chính của TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng, KDC này được gọi là “KDC tự phát”. Đây cũng không phải là KDC duy nhất rơi vào tình trạng này. Vì sao như vậy?

 300 hộ dân sinh sống dọc theo đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn TP Đà Lạt từ hàng chục năm nay. Ảnh: VÕ TÙNG

300 hộ dân sinh sống dọc theo đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn TP Đà Lạt từ hàng chục năm nay. Ảnh: VÕ TÙNG

Sống ổn định 3-4 thập niên, 300 hộ dân mỏi mòn chờ xóa quy hoạch

Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, KDC này được xác định kéo dài từ vòng xoay Kim Cúc - đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn - đường Lê Văn Tám, hẻm 14 đường Trần Hưng Đạo đến ranh suối tự nhiên ở phường 3.

Từ đầu hẻm 14 đường Trần Hưng Đạo là hàng loạt công trình nhà ở kiên cố, các căn villa nguy nga kéo dài và liền kề nhau tạo thành một con phố khang trang, sầm uất. Dọc hai bên đường là quán cà phê, quán ăn, nhà nghỉ, homestay, khách du lịch nhộn nhịp.

Tổng cộng cả khu vực rộng 5,8 ha này còn có gần 300 hộ dân sinh sống, làm ăn, buôn bán ổn định hàng chục năm nay. Thật khó để hình dung hàng trăm hộ dân này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ.

 Những căn nhà trong khu dân cư ở hẻm 14 đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, TP Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

Những căn nhà trong khu dân cư ở hẻm 14 đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, TP Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

Bà Hồ Thị Liên (ngụ 18/1 Khởi Nghĩa Bắc Sơn) cho biết năm 1989 gia đình bà nhận chuyển nhượng lại thửa đất từ một người dân và xây nhà để ở. Đến năm 1995, bà đã sửa chữa lại một lần và ở ổn định từ đó cho đến nay. “Mặc dù đã ở ổn định gần 40 năm nay nhưng gia đình tôi chưa được cấp giấy chủ quyền vì khu vực này vẫn mang tiếng ở trên đất rừng phòng hộ” - bà Liên nói.

Tương tự, ông Đặng Minh Tuấn được cha mình để lại cho căn nhà ở số 16 hẻm 1 đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn. Căn nhà này được xây dựng từ năm 1975, từ đó đến nay gia đình ông vẫn sinh sống ổn định nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Vũ Đình Quang (cán bộ hưu trí, ngụ 14/2 Khởi Nghĩa Bắc Sơn) cho biết: Cả khu vực từ hàng chục năm nay không còn một cây rừng nào, nơi đây đã trở thành khu phố sầm uất mà tỉnh Lâm Đồng vẫn duy trì quy hoạch rừng phòng hộ.

Điều đáng ngạc nhiên là cùng một con đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn nhưng hai đầu đường lại được đưa ra khỏi quy hoạch ba loại rừng và đã được cấp giấy chủ quyền, được cấp phép xây dựng nhưng ở đoạn giữa vẫn nằm trong quy hoạch rừng.

Ngày 23-11-2018, UBND TP Đà Lạt có tờ trình gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc rà soát, thống kê hiện trạng sử dụng đất và nhà ở tại KDC tự phát đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn. Sau đó đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất cấp sổ hồng cho các hộ dân. Tuy nhiên, sau đó đề xuất này đã không được chấp nhận và đến ngày 20-11-2019, UBND tỉnh đã cấp sổ hồng cả khu vực này cho Ban quản lý rừng Lâm Viên.

Ngày 27-6-2000, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định 1687 điều chỉnh ranh giới đất nông nghiệp - lâm nghiệp trên địa bàn huyện và đã đưa 110 ha đất vườn của các hộ dân núi Voi vào quy hoạch đất rừng phòng hộ. Đến năm 2020, Sở TN&MT đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích này.

Cả KDC gặp khó vì quy hoạch đất rừng

Người dân ở khu đồi Hương Ly nằm trên núi Voi thuộc địa bàn tổ 4, thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cũng đang chung hoàn cảnh tương tự. Đường lên đồi Hương Ly rộng rãi, đã được bê tông hóa hai ô tô có thể tránh nhau, nhiều trụ điện được dời vào lề để mở rộng đường giao thông.

 Người dân núi Voi mong mỏi chờ được chuyển đất đang canh tác, sinh sống ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng. Ảnh: VÕ TÙNG

Người dân núi Voi mong mỏi chờ được chuyển đất đang canh tác, sinh sống ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng. Ảnh: VÕ TÙNG

Những ngôi nhà, vườn được trang trí như những khu phố ở thành thị. Từ chân núi Voi sát đường cao tốc Liên Khương - Prenn chạy lên KDC cũng có nhiều quán xá, cơ sở kinh doanh cùng hàng trăm người dân sinh sống.

Người dẫn chúng tôi đi một vòng khu vực có nhiều hộ dân sinh sống và canh tác trên núi Voi là ông Nguyễn Văn Tề (ngụ tại số nhà 311, tổ 4, thôn Định An, xã Hiệp An). Ông Tề cho biết năm 1976 gia đình ông cùng 22 hộ dân từ TP Đà Lạt đến vùng đất này theo diện kinh tế mới. Sau khi sinh sống một thời gian, mỗi hộ dân được nhận khoảng 1.000 m² đất ở tại núi Voi và được cấp đất để sản xuất nông nghiệp ở đồng K’rèn để canh tác khi đến vùng kinh tế mới.

Sau đó, Nhà nước có chủ trương thu hồi để trả lại đất cho người đồng bào dân tộc. Do vậy, các hộ dân đã trả lại đất, chuyển lên khu vực núi Voi (đồi Hương Ly) để khai hoang đồi trọc trồng cây ngắn ngày và cây công nghiệp.

 Những ngôi nhà mang thân phận xây dựng trên đất rừng trong khu dân cư ở TP Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

Những ngôi nhà mang thân phận xây dựng trên đất rừng trong khu dân cư ở TP Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

“Trải qua 47 năm, các hộ dân đã phát triển đời sống ở đây qua 3-4 thế hệ, có hộ khẩu, giấy khai sinh, các hộ dân còn được cấp số nhà. Chúng tôi khai hoang, canh tác hàng chục năm mà vẫn chưa được đưa ra khỏi diện đất rừng phòng hộ khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn” ông Tề nói.

Ông Hồ Liên Sơn (59 tuổi) cho biết năm 2013 ông mua lại mảnh vườn từ một người dân canh tác từ năm 1990. Năm 2020, UBND xã Hiệp An cho rằng ông lấn chiếm rừng phòng hộ và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, ông đã khiếu nại.

Khu vực này đã được Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng xác định hầu hết hộ dân đã sinh sống, sản xuất ổn định từ lâu. Theo đó, có khoảng 48 hộ xây dựng nhà ở, được chính quyền địa phương cấp số nhà để quản lý, có hệ thống điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt.

Theo thống kê của UBND xã Hiệp An, các hộ dân xây dựng nhà cửa để ở trên đất quy hoạch lâm nghiệp với diện tích khoảng 3.938 m². Người dân tự đầu tư hệ thống đường giao thông để đi lại, vận chuyển hàng hóa, vật tư để canh tác nông nghiệp.

Tháng 6-2022, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét điều chỉnh diện tích khoảng 75 ha tại tổ 4, thôn Định An, xã Hiệp An ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp. Đề xuất này phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 2021-2025 theo Quyết định 326/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản 3654/2022 của UBND tỉnh đã phân bổ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đối với huyện Đức Trọng (giảm diện tích đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp khoảng 9.500 ha). Tuy nhiên, đề xuất này đã không được Thường trực Huyện ủy Đức Trọng đồng ý.•

Tỉnh Lâm Đồng: Phát sinh khu dân cư là do quản lý không tốt

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong quá trình quản lý nhà nước trên địa bàn của chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị có liên quan thiếu chặt chẽ, không thường xuyên, liên tục. Công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai chưa tốt nên đã để phát sinh các hộ tại chỗ và các hộ từ nơi khác đến lấn chiếm, sang nhượng, mua bán nhà đất, xây dựng các công trình nhà ở trái phép trong thời gian dài mà chưa được cơ quan có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn và xử lý theo quy định.

Đến nay, khu vực này đã hình thành KDC tự phát với khoảng 235 hộ sử dụng đất. Trong đó có 181 hộ có nhà ở, gây khó khăn trong việc quản lý, triển khai thực hiện các quy hoạch tại địa phương.

Cơ quan này chỉ đạo UBND TP Đà Lạt rà soát, đo đạc, thống kê, đánh giá từng trường hợp cụ thể về diện tích sử dụng đất, hiện trạng nhà ở của các hộ dân; giải quyết việc cấp phép cho các hộ gia đình được cải tạo nhà ở, chống xuống cấp trên nền hiện trạng cũ hiện hữu, không được cơi nới, mở rộng thêm.

UBND tỉnh cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, trật tự xây dựng; quản lý chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu tại khu vực; không xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các hộ dân trong khu vực.

Ý kiến

Đà Lạt từng đề nghị cấp sổ hồng cho khu dân cư đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn

Ngày 15-9-2020, UBND TP Đà Lạt có báo cáo xây dựng phương án, lộ trình di dời các hộ dân trong khu vực dân cư đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, phường 3 và phường 10 gửi UBND tỉnh. Trong đó, UBND TP Đà Lạt đề xuất tỉnh chuyển 9,3 ha, bao gồm 1,39 ha đất có nhà ở và 7,92 ha, thành đất sản xuất nông nghiệp và xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đủ điều kiện.

Theo UBND TP Đà Lạt, phương án này sẽ giải quyết dứt điểm các quyền lợi hợp pháp của người dân, giúp ổn định đời sống của người dân, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực. Đặc biệt, TP Đà Lạt cũng không phải chi khoảng 500 tỉ đồng để giải tỏa, di dời, bố trí tái định cư cho KDC tự phát này.

Tuy nhiên, phương án này đã không được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận mà tiếp tục duy trì diện tích khu vực dân cư thuộc tổ dân phố Khởi Nghĩa Bắc Sơn được xác định thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp (rừng phòng hộ). Bởi theo các đồ án quy hoạch, khu vực dân cư thuộc tổ dân phố Khởi Nghĩa Bắc Sơn được xác định thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp.

Trả lời một số hộ dân xin chuyển đất rừng sang đất ở vào tháng 9-2023, UBND tỉnh vẫn khẳng định diện tích KDC trên là quy hoạch lâm nghiệp. UBND tỉnh còn chỉ đạo TP Đà Lạt xây dựng phương án, lộ trình giải tỏa, di dời các hộ dân trong khu vực đến năm 2025. Trong đó nghiên cứu, xác định các khu vực vị trí và quỹ đất để ưu tiên bố trí phục vụ tái định cư cho khu vực này trong quá trình triển khai lập quy hoạch phân khu, dự án đầu tư trên địa bàn TP Đà Lạt.

Trong khi đó, theo thống kê của UBND TP Đà Lạt, trước ngày 30-4-1975 đến năm 1980 khu vực này có bốn hộ dân sử dụng khoảng 500 m2 đất để ở và sản xuất. Con số này tăng lên 12 hộ dân với hơn 14.000 m2 đất vào năm 1989 và tăng tiếp lên 43 hộ dân với hơn 45.000 m2 vào năm 1993. Đến tháng 12-2019, cả khu vực có 277 hộ dân và ba nhà kho với tổng diện tích sử dụng đất xấp xỉ 20.000 m2 (2 ha). Ngoài ra, các hộ dân này còn kê khai và sử dụng gần 9 ha đất để sản xuất nông nghiệp.

Ban quản lý rừng nói về khu dân cư núi Voi

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Đình Cường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, cho biết khu vực núi Voi nằm phía tay phải sát đường cao tốc hướng từ TP Đà Lạt xuống huyện Đức Trọng là khu vực sản xuất của người dân, không phải KDC. Diện tích rừng phòng hộ ở khu vực chân núi Voi đã giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh thực hiện với trách nhiệm vai trò là chủ rừng. Thời gian gần đây, các cơ quan chưa phát hiện có hiện tượng phá rừng nào.

Ông Vũ Đình Cường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng trả lời câu hỏi của PLO về khu vực núi Voi

Ông Vương Anh Dũng, Phó Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, cho biết lâu nay mặc dù khu vực đồi Hương Ly - núi Voi có nhiều hộ dân sinh sống, canh tác nông nghiệp nhưng theo quyết định của UBND tỉnh thì khu vực này vẫn thuộc rừng phòng hộ (tiểu khu 268), do Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý. Từ năm 2019 đến nay đã phát hiện 30 trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng ở khu vực núi Voi như dựng chòi, xây dựng nhà lưới, nhà kính, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

VÕ TÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/lam-dong-so-phan-nhieu-khu-dan-cu-lung-lo-vi-quy-hoach-3-loai-rung-post804730.html