Làm gì để giải bài toán quá tải bệnh viện?

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay là vấn đề 'nóng'. Làm gì, làm như thế nào để giải quyết tình trạng này đang là bài toán đặt ra không chỉ riêng ngành Y tế mà còn của cả các cấp, ngành có liên quan.

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay là vấn đề "nóng". Làm gì, làm như thế nào để giải quyết tình trạng này đang là bài toán đặt ra không chỉ riêng ngành Y tế mà còn của cả các cấp, ngành có liên quan.

Quá tải bệnh viện: S.O.S!

Có một thực tế là những năm gần đây, các bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố đã phát triển mạnh các mũi nhọn y tế chuyên sâu, nhiều thành tựu y tế được áp dụng có hiệu quả, đã cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng, hiểm nghèo. Một số bệnh viện chuyên khoa lần lượt ra đời cùng với chỉ tiêu giường bệnh cũng liên tục gia tăng, từ con số gần 26 giường bệnh/1 vạn dân vào những năm 1997-2000, đến nay đã đạt gần 68 giường/1 vạn dân. Tuy nhiên, so với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, thì chỉ số giường bệnh/vạn dân nêu trên vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân thành phố cũng như cho các tỉnh lân cận trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố vẫn luôn ở trong tình trạng quá tải, đặc biệt là các bệnh viện hạng 1. Số liệu thống kê cuối năm 2016 cho thấy, công suất sử dụng giường bệnh ở các bệnh viện lớn đều vượt quá khả năng. Đơn cử như Bệnh viện Đà Nẵng hơn 174%, Bệnh viện Phụ sản - Nhi gần 149%, Bệnh viện Ung bướu gần 117%. Ngoài ra các bệnh viện quận, huyện khoảng 120%...

Một nguyên nhân khách quan khác dẫn đến tình trạng quá tải, theo bà Yến, đó là mô hình bệnh tật thay đổi với các bệnh không nhiễm trùng như bệnh tim mạch, đái đường, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính... ngày càng tăng nên khó rút ngắn ngày điều trị trung bình. Còn yếu tố chủ quan là năng lực y tế tuyến dưới còn hạn chế, việc triển khai công tác chỉ đạo tuyến chưa mạnh, chưa có nhiều bệnh viện vệ tinh; trang thiết bị y tế ở một số bệnh viện chưa đầy đủ hoặc chưa được thay thế, bổ sung kịp thời nên chưa đáp ứng yêu cầu điều trị...

Để khắc phục tạm thời việc quá tải, nhiều bệnh viện đã kê thêm giường bệnh tại các buồng bệnh, đôi lúc kê thêm giường bệnh ở hành lang (trong những đợt xuất hiện dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng...), số giường bệnh kê thêm chiếm tỷ lệ từ 30-40% so với chỉ tiêu giường bệnh. Theo thống kê, cuối năm 2016, tổng số giường kê thêm trên số giường chỉ tiêu được giao tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế là 3.145/4.720 giường (chiếm tỷ lệ gần 67%). Tình trạng kê thêm giường bệnh trong điều kiện cơ sở chật hẹp đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động thăm khám, chăm sóc điều dưỡng và sinh hoạt của bệnh nhân; đồng thời cũng ảnh hưởng đến khả năng làm việc của đội ngũ cán bộ y tế.

Trong những đợt xuất hiện dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng,tình trạng quá tải, "tắc nghẽn" tại các bệnh viện lại trở nên trầm trọng(Trong ảnh, cảnh chen chúc khám, chữa bệnh tại BV Phụ sản - Nhi mùa nắng nóng).

Trong những đợt xuất hiện dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng,tình trạng quá tải, "tắc nghẽn" tại các bệnh viện lại trở nên trầm trọng(Trong ảnh, cảnh chen chúc khám, chữa bệnh tại BV Phụ sản - Nhi mùa nắng nóng).

Cần giải pháp căn cơ

Trước tình trạng quá tải tại các bệnh viện trên địa bàn, tại hội nghị Thành ủy lần thứ 9 (mở rộng) mới đây, Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết, đến năm 2020, ngành Y tế sẽ tập trung giảm tải ở tất cả các bệnh viện trên cả hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện, hạ công suất sử dụng giường bệnh xuống từ 95-100%. Để đạt được kết quả trên, giải pháp mà Sở Y tế đưa ra, theo bà Yến là cải tiến quy trình và thủ tục trong khám chữa bệnh, sử dụng hệ thống phát số tự động, đầu đọc mã vạch, hiển thị thông tin người bệnh tại các phòng khám nhằm rút ngắn thời gian chờ, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh. Ngoài ra, Sở cũng đưa ra một số giải pháp như giảm số lượng bệnh nhân khám cho mỗi bác sĩ (phấn đấu đến năm 2020 mỗi bác sĩ chỉ khám 35 người bệnh/1 ngày làm việc); tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ y tế, phù hợp với đặc điểm cung cấp dịch vụ của từng đơn vị và theo phân tuyến kỹ thuật.

Bên cạnh các giải pháp trước mắt, thì lâu dài, bà Yến cho biết Sở đã đề xuất và được UBND thành phố cho chủ trương đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các cơ sở y tế, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh và giảm quá tải. "Một trong những giải pháp quan trọng để giảm tải bệnh viện là nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến thành phố, các trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế xã, phường, bao gồm việc tăng cường năng lực chỉ đạo tuyến đối với các bệnh viện tuyến thành phố; các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tiếp tục chỉ đạo tuyến đối với các trung tâm y tế quận, huyện song song với việc thực hiện luân phiên, luân chuyển cán bộ chuyên môn từ tuyến trên về hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới", bà Yến nói.

Song song với các giải pháp nêu trên thì về lâu dài, Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết Sở đã hoàn thiện Đề án Quy hoạch mạng lưới y tế công lập giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trình UBND thành phố phê duyệt nhằm phục vụ việc giảm quá tải bệnh viện và thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, không phải ngày một ngày hai có thể giải quyết được ngay. Vì vậy, thời gian tới thành phố sẽ tổ chức các hội nghị chuyên sâu, chuyên đề để giải quyết bài toán "tắc nghẽn" này và nâng cao chất lượng phục vụ tại các bệnh viện.

D.HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_168462_la-m-gi-de-gia-i-ba-i-toa-n-qua-ta-i-be-nh-vie-n-.aspx