Làm gì để trí thức xứng đáng là 'nguyên khí quốc gia'? Bài 4: Ngăn chặn những xu hướng đi ngược quy luật?

Cùng với tệ sính bằng cấp, tư duy đánh đồng trí thức, nhân tài với bằng cấp và lấy bằng cấp làm tiêu chí cứng đánh giá chất lượng trí thức đã vô hình trung gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. Cũng trong quá trình đó, có thể chúng ta đang mắc thêm một sai lầm nghiêm trọng nữa là chỉ đạo, tổ chức vận hành một vài khâu, công đoạn của quy trình xây dựng, sử dụng đội ngũ trí thức có xu hướng đi ngược quy luật, làm nảy sinh nhiều bất hợp lý.

Bắt tiền đạo giỏi làm thủ môn tồi

Câu chuyện nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và hàng chục đồng phạm rơi vào vòng lao lý thời gian qua gây bức xúc và nuối tiếc trong dư luận xã hội. Người ta nuối tiếc, bởi Nguyễn Quang Tuấn thật sự là một trí thức tài năng, có “đôi tay vàng” cứu sống nhiều sinh mệnh. Ông từng là Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội, thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á-Thái Bình Dương (FAPSIC), thành viên Hội Tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ (FSCAI); từng được trao giải nhất Giải thưởng “Nhân tài đất Việt” trong lĩnh vực y tế cho đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (đặt stent)”. Năm 2018, ông được Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước Việt Nam công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư ngành y năm 2017.

Là một bác sĩ giỏi, tài năng, được đồng nghiệp nể phục, được nhiều bệnh nhân mang ơn, thế nhưng, ở góc độ quản lý, nhiều người còn tiếc nuối và đặt điều rằng, giá như ông Tuấn chỉ làm chuyên môn mà không tham gia công tác lãnh đạo, quản lý thì liệu câu chuyện đáng buồn, đáng trách như vừa qua có xảy ra không?

Tất nhiên, lật ngược lại việc đã diễn ra là không nên, không thể. Thế nhưng, đây cũng là một ví dụ sinh động về thực tế đang hình thành một xu hướng bất ổn, hoặc chưa phù hợp trong việc bổ nhiệm, sử dụng cán bộ quản lý. Có nghĩa người ta bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “giỏi chuyên môn thì làm thủ trưởng”. Nói cách khác, một số trí thức tài năng, vốn được so ví như những tiền đạo giỏi, đang hăng say cống hiến và cống hiến hiệu quả, thì bỗng phải thực hiện sứ mệnh thủ môn-người trấn giữ khung thành, trong khi kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm để làm điều đó thì còn nhiều khuyết trống, yếu, thiếu. Hậu quả là đã có không ít giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, có uy tín trong nghề, nhưng khi được bổ nhiệm làm quản lý thì ngay sau đó vướng phải khuyết điểm, bị rơi vào vòng lao lý, vi phạm pháp luật một cách đáng tiếc.

Không ai có thể phủ nhận việc một số người có học hàm, học vị cao vẫn có thể là một nhà quản lý giỏi, thậm chí là tài năng. Tuy nhiên, đó là những trường hợp đặc biệt. Bình thường, một người có thể trở thành giỏi trong một lĩnh vực phải rất cố gắng. Nếu chúng ta chọn những người giỏi chuyên môn để làm quản lý, thì vừa mất đi một trí thức đầu ngành tài năng (với những tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo... đã có, rất quý báu) vì họ phải dành thời gian, công sức, trí tuệ cho công tác quản lý-một lĩnh vực công tác mới, khiến họ ngập ngụa với thủ tục hành chính, bàn giấy, hội họp, thi đua, tổ chức...

Tương tự, ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, chính sách ưu đãi hoặc trọng dụng nhân tài lại được vận hành theo hướng mang chức danh lãnh đạo, quản lý ra để “treo thưởng”. Đó là việc “cam kết” và thực thi bổ nhiệm trí thức vào các vị trí quản lý hay bộ phận quản lý như một cách “chiêu hiền đãi sĩ”. Lập luận đưa ra, một khi đã là nhà khoa học, ở cương vị nào, trí thức vẫn làm khoa học được. Thế nhưng, điều mà những người có thẩm quyền chưa biết, hoặc cố tình hiểu sai, hoặc tìm cách lảng tránh là công tác quản lý và nghiên cứu khoa học là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Một giáo sư, tiến sĩ giỏi chưa chắc có kinh nghiệm, khả năng quản lý tốt bằng một cử nhân, hay một người có bằng cấp thấp hơn.

Lập luận là vậy, nhưng khá khôi hài là ở Việt Nam ngày càng có nhiều chức danh quản lý yêu cầu rất cao về trình độ học vấn, chí ít cũng phải là thạc sĩ và không ít vị trí bắt buộc phải là tiến sĩ. Thực tế này đòi hỏi các cấp và những người có thẩm quyền phải sớm thay đổi tư duy một cách căn bản về quan điểm sử dụng cán bộ như hiện nay. Trong bất luận, không nên biến một nhà khoa học thành một nhà quản lý, biến trí thức thành quan chức một cách tùy hứng, tùy tiện, thiếu khách quan.

Bệnh viện Việt Đức liên tiếp lập nên những kỷ lục về ghép tạng giúp nhiều sự sống hồi sinh. Ảnh: TTXVN

Bệnh viện Việt Đức liên tiếp lập nên những kỷ lục về ghép tạng giúp nhiều sự sống hồi sinh. Ảnh: TTXVN

Chảy máu chất xám tràn lan

Cách đây khoảng 8 năm, câu chuyện kiện tụng một loạt “nhân tài” ở TP Đà Nẵng sử dụng ngân sách của Nhà nước đi du học nhưng không trở lại quê hương làm việc khiến xã hội thực sự lo ngại, bức xúc. Những trí thức này không chỉ gây lãng phí tiền bạc Nhà nước mà còn làm mất niềm tin của nhân dân. Trước đó, câu chuyện “Vì sao người giỏi không về nước làm việc?” cũng được đưa ra bàn luận tại Quốc hội hồi đầu tháng 11-2015. Khi ấy, một đại biểu ở TP Hồ Chí Minh day dứt đặt câu hỏi: “Vì sao 13 học sinh đoạt giải cao trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đi du học thì có đến 12 em không trở về nước?”.

Không khó để nhận ra, thời gian gần đây, ngày càng nhiều sinh viên, thậm chí có cả cán bộ, công chức sau thời gian học ở nước ngoài đã không trở về nước làm việc. Dù Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị đã rất chăm lo cử đi học, đãi ngộ bằng nhiều chính sách, chế độ đặc thù, nhưng xem ra những sự quan tâm ưu việt ấy, cùng với “trái tim nóng” của dòng máu Lạc Hồng cũng không thể níu chân những “cái đầu lạnh” đã ngã sang màu tối của chủ nghĩa cá nhân. Họ đã đánh đổi tất cả nhân phẩm, danh dự và lương tri của trí thức chân chính để đến với những nền khoa học phát triển, những môi trường làm việc lý tưởng, biết trọng dụng nhân lực bậc cao... Đây là thực tế “chảy máu chất xám” nghiêm trọng, diễn ra trong suốt mấy chục năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải thuyết phục, thỏa đáng.

Ngoài những trí thức “dứt áo ra đi”, từ cuối thập niên 1990 đến nay, bằng nhiều nguồn khác nhau, Việt Nam đã gửi hàng nghìn người sang các quốc gia có nền khoa học phát triển để đào tạo và không ít người trở về làm việc trong các cơ quan nhà nước. Thế nhưng, những đóng góp của lực lượng này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng đội ngũ và kỳ vọng của xã hội. Phải chăng chưa có đủ “đất diễn” để những con người này ứng dụng, phát triển những tri thức đã học được ở xứ người vào thực tiễn đời sống Việt Nam?

Còn nữa là hiện tượng nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng trong nước thường thiếu sự tin tưởng, thiếu thiện cảm, thiện chí đối với những người tình nguyện trở về nước sau thời gian học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Tâm lý này thường mang nặng sự hoài nghi dẫn đến ngại hợp tác, ngại giao việc. Cùng với đó, dư luận mặc nhiên đòi hỏi những người học ở nước ngoài về nước phải có ngay những cống hiến, thậm chí là cống hiến quan trọng, thay vì được tạo điều kiện, được giúp đỡ, hỗ trợ. Đây quả là những rào cản vô hình ngăn cản lòng nhiệt huyết cống hiến của một bộ phận trí thức, mà chưa được quan tâm tháo gỡ.

Lại có một xu hướng khá bất ổn, khi người tài ra nước ngoài làm việc, trong khi nhân lực trẻ, chất lượng cao hoặc không có cơ hội phát huy hết khả năng. Một số khác đổ xô làm việc cho các tập đoàn quốc tế ở trong nước và tham gia hoạt động phần nhiều ở khu vực tư nhân. Cùng với đó, xu hướng nhân tài trong khu vực công xin nghỉ việc để chuyển sang khu vực tư đang diễn ra tương đối phổ biến; tình trạng “chân trong-chân ngoài” cũng là vấn đề vô cùng nhức nhối. Đây là một tình trạng đáng báo động, nó chẳng khác gì việc "chảy máu chất xám" ngay trong chính nội bộ đội ngũ trí thức. Cũng qua đây, chúng ta có thể khái quát nên một quy luật trọng dụng, sử dụng trí thức trái ngược với quy luật. Có nghĩa, người xuất sắc thì ra nước ngoài làm việc; người giỏi thì hoạt động ở khu vực tư, còn những người chưa thực sự giỏi thì làm quản lý, công tác ở khu vực công. Sự phân khúc trí thức như thế, liệu rằng có phản khoa học, có tác động tiêu cực đến chất lượng, hiệu quả xây dựng đội ngũ trí thức, nhất là cơ cấu và chất lượng trí thức trong khu vực công.

Thu hút - đãi ngộ hay đãi ngộ - thu hút?

Tại hội nghị cho ý kiến về Đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW (khóa X) về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” diễn ra vào tháng 4-2023, Bộ Chính trị đã chỉ ra nhiều bất cập, trong đó có thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành.

Bộ Chính trị cho rằng, để các trí thức, nhà khoa học đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nước nhà rất cần những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức. Đồng thuận cao với quan điểm đó, nhiều chuyên gia giáo dục, phát triển nguồn nhân lực đề xuất cần sớm có một chiến lược quốc gia với tầm nhìn vĩ mô, lâu dài, hiện thực hóa bằng nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, thiết thực để thu hút nhân tài. Trong đó, việc thay đổi thứ tự các bước quy trình trọng dụng nhân tài trong điều kiện mới là cần thiết, cấp bách.

Lâu nay chúng ta xây dựng chính sách trọng dụng người tài theo quy trình: Phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ. Có nghĩa là thu hút rồi mới đãi ngộ, có thành quả rồi mới ghi nhận, tưởng thưởng. Thì nay nên làm ngược lại, tức là đãi ngộ để thu hút và đãi ngộ để giữ chân nhân tài. Bàn về vấn đề này, Đại tá, PGS, TS Đỗ Duy Môn, Khoa Tâm lý học quân sự, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) lý giải: Nếu chúng ta quan tâm hoàn thiện các chính sách đãi ngộ và trọng dụng nhân tài như một phần việc ưu tiên trước hết, trên hết và đầy đủ, thì tất yếu sẽ tự tạo ra sức mạnh thu hút trí thức theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” chứ không cần vất vả mời gọi, lôi kéo, tuyên truyền, vận động. Nói cách khác, một khi có chính sách đãi ngộ tốt thì nhân tài sẽ tự tìm về, tìm đến, mà không cần phải đi tìm họ.

Thực chất của vấn đề là lâu nay chúng ta mới chỉ quan tâm đến việc phát hiện, mời gọi cống hiến mà chưa có cơ chế, chính sách đãi ngộ và trọng dụng xứng đáng đi cùng. Nếu phát hiện, thậm chí thu hút được nhân tài nhưng chưa có cơ chế thông thoáng, chế độ thu nhập, đãi ngộ xứng đáng; không có đất để người tài dụng võ-tức là không có môi trường tốt để trí thức sáng tạo, cống hiến; không có chế tài khả thi để bảo vệ trí thức dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo... thì cũng không thể giữ chân nhân tài. Vì vậy, cần phải thay đổi quy trình từ “phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ” sang “đãi ngộ, trọng dụng, phát hiện, thu hút”. Cái tưởng là ngọn thì nó lại là gốc, cái tưởng là gốc thì mới thật sự là ngọn. Giả thiết đặt ra như vậy, rất cần sự cân nhắc, suy tính kỹ lưỡng.

Cần thấy rằng, những ngày mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tư tưởng trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được rất nhiều trí thức lớn cả trong và ngoài nước tham gia cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Vì tình yêu đối với đất nước, trí thức sẵn sàng đóng góp, cống hiến, thậm chí hy sinh mà không màng danh lợi. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi toàn cầu hóa đã và đang chi phối mạnh mẽ sự phân công lao động xã hội và dịch chuyển nguồn nhân lực không biên giới, cùng với sự tác động, chi phối bởi các yếu tố thực dụng của nền kinh tế thị trường thì vấn đề đãi ngộ đối với nhân tài cần phải được đặt lên hàng đầu và chú trọng một cách thỏa đáng, không thể chỉ dừng lại ở những lời hiệu triệu, khích lệ tinh thần yêu nước và cổ vũ suông tinh thần cống hiến.

Từ cách lập luận nêu trên, muốn xây dựng được một chế độ đãi ngộ xứng đáng, đủ sức hấp dẫn để thu hút được nhân tài, Đảng, Nhà nước phải dành một nguồn lực tài chính đủ mạnh để đầu tư thực hiện. Chính sách phải rõ ràng, đủ điều kiện, cơ sở đi vào cuộc sống một cách thực chất, hiệu quả. Hãy đầu tư đi và hãy tin rằng, lợi ích mà những người tài mang lại chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với những đầu tư ban đầu. Đó không chỉ là một sự nhận định, chiêm nghiệm mà là một quy luật không thể đổi khác.

“Nhân tài là nguồn quý của dân tộc. Bác Hồ luôn nêu khẩu hiệu là phải trọng nhân tài. Thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta đang rất cần cuộc cách mạng công nghiệp này. Họ là những trí thức, tên tuổi, có những đóng góp lớn trong thời đại số hóa. Cần có chính sách để họ có chỗ đứng, đóng góp cho đất nước, được tiếp sức đường lối của Đảng, Nhà nước”. (GS NGUYỄN LÂN DŨNG, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực)

TẤN TUÂN - TRẦN CHIẾN - VĂN LƯƠNG

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lam-gi-de-tri-thuc-xung-dang-la-nguyen-khi-quoc-gia-bai-4-ngan-chan-nhung-xu-huong-di-nguoc-quy-luat-728457