Làm gì khi có F0 trong các cơ sở sản xuất kinh doanh?

Khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được xem là địa điểm có nguy cơ lây nCoV rất cao. Do đó, khi phát hiện F0, cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải có cách xử trí kịp thời.

Chiều 11/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đưa ra các khuyến cáo xử lý khi cơ sở sản xuất kinh doanh phát hiện người mắc Covid-19. Nội dung này nằm trong buổi tập huấn trực tuyến công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp với 100 đầu cầu từ ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trung tâm y tế (TTYT), cơ sở lao động, tham gia.

Theo bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc HCDC, nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu trong các cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong thời gian chờ vaccine cho công nhân, chủ doanh nghiệp phải duy trì tuân thủ các biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Mục tiêu là làm sao hạn chế tối thiểu sự lây nhiễm từ bên ngoài hoặc khi xảy ra tình huống đã phát sinh các F0, F1 trong doanh nghiệp, vẫn phải đảm bảo được công tác sản xuất.

Dựa trên nguyên tắc này, khi có thông tin ca bệnh Covid-19 tại công ty, HCDC, TTYT, đội phòng, chống dịch của công ty, bộ phận nhân sự, người quản lý phân xưởng, ngay lập tức phải kích hoạt đội phản ứng nhanh. Đồng thời, lực lượng chức năng địa phương giữ gìn an ninh, trật tự.

 Cảnh đông đúc tại Công ty PouYuen vào giờ tan tầm. Ảnh: Chí Hùng.

Cảnh đông đúc tại Công ty PouYuen vào giờ tan tầm. Ảnh: Chí Hùng.

Sau đó, ngành y tế cần khẩn trương điều tra truy vết những người tiếp xúc gần với F0; phong tỏa tạm thời công ty; phong tỏa khẩn cấp phân xưởng; yêu cầu công nhân ổn định để đội đáp ứng nhanh làm việc.

Doanh nghiệp phải thông báo đến người lao động toàn công ty về F0, triển khai các biện pháp dừng công việc, ở nguyên vị trí, giữ khoảng cách, điều tra thông tin ca bệnh, phổ biến công việc sẽ tiến hành. Đặc biệt, người lao động cần được khuyến cáo trung thực, nghiêm túc trong khai báo.

Quản lý phân xưởng cung cấp về danh sách tiếp xúc F1 và người lao động tại công ty. Sau đó, những người tiếp xúc gần nguy cơ cao (F1) cần được chuyển về khu cách ly quận huyện. Những công nhân làm cùng nhưng hiện không có mặt tại công ty cũng phải được lập danh sách, chuyển về các tỉnh thành, quận, huyện để chỉ định cách ly và xét nghiệm theo diện F1.

Những quy định này được đưa ra nhằm chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV tại cơ sở sản xuất kinh doanh khu/cụm công nghiệp; đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép; hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Trong khoảng hai tuần trở lại đây, TP.HCM ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 trong các khu công nghiệp. Các ca này chưa ghi nhận có lây lan. Tuy nhiên, một ổ dịch ở xưởng cơ khí tại Hóc Môn đã phát hiện lên tới 28 F0. Đây là chùm ca bệnh phức tạp, chưa rõ nguồn lây.

Trước đó, ngày 5/6, Bộ Y tế cũng ban hành quyết định số 2787/QĐ-BYT kèm theo hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.

Theo Bộ Y tế, tổng số bệnh nhân Covid-19 ghi nhận tại TP.HCM từ ngày 27/4 đến 18h ngày 11/6 là 610 ca. Trong đó, thành phố ghi nhận một ca tử vong là BN5463 và một ca nghi nhiễm nCoV ở Gò Vấp tử vong trên đường chuyển viện đêm 7/6.

Từ 0h ngày 31/5, TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng Chỉ thị 16.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-gi-khi-co-f0-trong-cac-co-so-san-xuat-kinh-doanh-post1226055.html