Làm gì khi phương thức kiểm duyệt đã lỗi thời?
Việc kiểm duyệt triển lãm nghệ thuật đang có những tồn tại lỗi thời, không theo kịp những biến động của đời sống.
Trên Cổng dịch vụ công trực tuyến Hà Nội, thủ tục Cấp phép triển lãm Mỹ thuật mang ký hiệu 1.001809, được xếp ở mức độ 4. Thời hạn giải quyết thủ tục cấp phép một triển lãm là 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Đầu tháng 8/2022, họa sĩ Hà Huy Hiệp đã rất vui mừng, thông báo rộng rãi tới các bạn bè đồng nghiệp và các nhà sưu tập về việc triển lãm cá nhân mang tên “Thuần hóa” sẽ được khai mạc vào hồi 10h ngày 14/8/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
Để hoàn thiện thủ tục theo quy định, ngày 3/8/2022, toàn bộ hồ sơ liên quan đến triển lãm đã được họa sĩ Hà Huy Hiệp gửi tới Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Đúng lịch, sau 7 ngày làm việc, ngày 12/8/2022, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội công văn phúc đáp số 2697/SVHTT-QLNT trả lời hồ sơ đề nghị được cấp giấy phép triển lãm mỹ thuật tại Việt Nam của họa sĩ Hà Huy Hiệp.
Công văn nêu: “Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp nhận hồ sơ số 72/TLMT ngày 03/8/2022 của ông/bà Hà Huy Hiệp về đề xuất được cấp phép triển lãm mỹ thuật, tiêu đề “Thuần hóa” tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, kèm theo danh sách và hình ảnh các tác phẩm…Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có ý kiến như sau: Sau khi thẩm định nội dung các tác phẩm mỹ thuật: Tiểu ban mỹ thuật - Nhiếp ảnh thuộc Hội đồng nghệ thuật Thành phố nhận thấy một số tác phẩm mỹ thuật (tranh sơn dầu) của tác giả Hà Huy Hiệp có nội dung liên quan đến vấn đề tôn giáo và các lĩnh vực khác.
Vì vậy, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền về nội dung trên. Ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền là căn cứ đề tài Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thẩm định nội dung các sản phẩm của tác giả Hà Huy Hiệp. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thông báo cho bà Hà Huy Hiệp được biết”.
Toàn bộ công văn không thể hiện việc triển lãm “được phép” hay “không được phép” tổ chức.
Sự không rõ ràng của văn bản đã đẩy họa sĩ Hà Huy Hiệp vào tình thế buộc phải dừng tổ chức cuộc triển lãm. Việc này đã gây thiệt hại kinh tế “đếm được” cho họa sĩ Hà Huy Hiệp. Bởi anh đã phải thanh toán một phần tiền thuê mặt bằng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Còn thiệt hai không đếm được là uy tín, thời gian của họa sĩ với các khách mời, đồng nghiệp, các nhà sưu tập…
Một quyết định nhanh chóng được đưa ra: Triển lãm vẫn được diễn ra. Tuy nhiên, toàn bộ số tranh dự định công bố được họa sĩ Hà Huy Hiệp đưa về bày tại nhà riêng, nơi cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 phút chạy ô tô. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp và các nhà sưu tập không quản ngại chạy thêm một đoạn đường để chia sẻ, chúc mừng và thưởng lãm những sáng tác mới của anh.
Một chuyện khác có vài điểm tương tự khi họa sĩ Đoàn Xuân Tùng bị từ chối cấp phép triển lãm cá nhân lần thứ hai. Khá nhanh chóng, anh tìm được một không gian nghệ thuật cá nhân ở quận Tây Hồ, Hà Nội để trưng bày các tác phẩm của mình.
Có mấy điều cần làm rõ ở đây.
Thứ nhất là vai trò quản lý nhà nước của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Trong việc xem xét hồ sơ của họa sĩ Hà Huy Hiệp, bản Sở đã không sòng phẳng với họa sĩ khi trả lời không rõ ràng.
Việc kéo dài thời gian trả lời với công dân là một sự vi phạm vào các quy định pháp lý đã được công khai. Sự vi phạm này dẫn đến các thiệt hại về kinh tế, danh dự, thời gian của công dân. Việc này dứt khoát phải có người chịu trách nhiệm. Nếu chưa có quy định pháp lý về tính chịu trách nhiệm thì cần phải có quy định này.
Không chỉ như vậy, mới đây, họa sĩ Hà Huy Hiệp đã thực sự được triển lãm các tác phẩm mới của mình tại TP Hồ Chí Minh và được đông đảo công chúng đón nhận.
Cùng một người, một sự việc, nhưng ở hai đầu đất nước lại diễn ra theo hai cách khác nhau. Đây là một mâu thuẫn có thật và hoàn toàn không bình thường khi hai cách ứng xử song hành tồn tại trong một cơ chế quản lý.
Thứ hai, từ ví dụ về triển lãm các tác phẩm của họa sĩ Đoàn Xuân Tùng, có thể thấy, việc từ chối cấp phép triển lãm đã vô tác dụng khi họa sĩ luôn tìm được cách khác để những đứa con tinh thần được ra mắt mà không phụ thuộc vào quản lý Nhà nước.
Quản lý nghệ thuật và các hành vi trong hoạt động nghệ thuật có những đặc thù riêng. Kiểm duyệt là việc làm cần thiết và tồn tại ở mọi quốc gia. Từ hai sự việc, có thể thấy cách thức kiểm duyệt văn hóa đang tồn tại nhiều bất cập.
Từ lâu, người ta cũng nói tới việc cần thay đổi cách thức, tâm thế kiểm duyệt, từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Vẫn biết luật thường không theo kịp thực tiễn, nhưng không chỉ Hà Nội, mà các nhà quản lý ở các địa phương khác trong cả nước cần thực sự suy nghĩ và thay đổi cách vận hành quản lý để thích nghi với sự biến đổi không ngừng của đời sống.