Làm gì khi trẻ chảy máu cam mùa đông?

Cứ mỗi khi trời lạnh, tiết trời hanh khô thì tình trạng trẻ bị chảy máu cam lại gia tăng. Điều này gây không ít hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh.

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Cứ đến mùa đông, các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng nói chung và bản thân tôi nói riêng lại nhận được rất nhiều tin nhắn hoặc thắc mắc từ các phụ huynh từng thăm khám về việc trẻ nhỏ chảy máu cam nhiều. Thực tế cho thấy, trong mùa đông, số trẻ bị chảy máu cam thường gặp hơn so với những mùa khác”.

Lý giải về nguyên nhân, chuyên gia cho hay, chảy máu cam vào mùa đông thường do không khí nóng và khô từ lò sưởi, điều hòa nóng, bếp lửa… hút hơi ẩm ra khỏi niêm mạc mũi. Các vết nứt nhỏ hình thành, gây ngứa và khó chịu, khi dụi hoặc ngoáy mũi sẽ chảy máu cam. Sau khi chảy máu cam, cơ thể sẽ tự cầm máu bằng cách tạo ra các cục máu đông, nhưng cục máu đông không bao giờ chắc bằng mạch máu nguyên vẹn. Vì vậy, trẻ em thường bị chảy máu cam một vài lần liên tục trong vài ngày do liên tục dụi mũi khô ngứa.

Ngoài ra, trong mùa đông, tình trạng cảm lạnh, viêm xoang hay xảy ra hơn. Bên cạnh đó, bụi, nấm mốc ở trong nhà cũng phát triển mạnh hơn vào mùa lạnh. Các yếu tố này khiến mũi dễ bị viêm, làm giãn nở các mạch máu trong mũi, gây kích thích niêm mạc mũi dẫn tới chảy máu cam. Đặc biệt, thói quen lạm dụng quá mức thuốc chống nghẹt mũi khi bị cảm lạnh sẽ làm khô, kích thích niêm mạc mũi, dẫn tới chảy máu.

“Phụ huynh không nên quá hoang mang vì hiện tượng chảy máu cam là tình trạng thường gặp ở các trẻ trong độ tuổi từ 3-10, đặc biệt là các trẻ 2 - 3 tuổi. Đồng thời, cần đảm bảo rằng không có biểu hiện nào khác đi kèm như chảy máu dưới da, chảy máu lợi - hoặc nếu gia đình có tiền sử các bệnh lý về máu (giảm tiểu cầu, suy tủy, ung thư máu…), thì cần xét nghiệm máu để phát hiện các bệnh lý của hệ mạch máu mà một trong các biểu hiện là chảy máu mũi” – bác sĩ Đào cho biết.

Theo các chuyên gia y tế, khi trẻ bị chảy máu cam, cha mẹ có thể tự sơ cứu nhưng cần lưu ý không nên lo lắng để trẻ hoặc những người đang bị chảy máu mũi cũng hoảng sợ. Sơ cứu bằng cách để trẻ ngồi dậy, hơi nghiêng người về phía trước rồi bóp cánh mũi lại một cách nhẹ nhàng, trong khoảng 3 - 5 phút. Nếu máu vẫn chảy, cha mẹ nên giữ lâu hơn vào lần sau. Bắt đầu với 5 phút và nếu cách đó không hiệu quả hãy thử lại 10 phút; có thể đặt một ít đá lên sống mũi để làm co mạch giảm lưu lượng máu. Nếu thực hiện bóp cánh mũi liên tục 3 lần, mỗi lần khoảng 5 - 10 phút mà vẫn không cầm máu, phụ huynh nên đưa con tới cơ sở y tế để được thăm khám.

Bác sĩ Đào khuyến cáo, người dân cần giữ cho không khí càng ẩm càng tốt bằng cách sử dụng máy hóa hơi hoặc máy tạo độ ẩm, đặc biệt là máy phun sương. Lưu ý không để trẻ dụi hoặc ngoáy mũi, và phải xử trí khi con có biểu hiện khô mũi, ngứa mũi.

Có thể làm ẩm mũi bằng cách nhỏ vào mũi trẻ nước muối sinh lý 0,9% ấm hoặc gel chống khô vào mũi trước khi đi ngủ. Nếu chảy máu cam thường xuyên và các biện pháp tự chữa tại nhà như hướng dẫn không cải thiện, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng (có thể chỉ định nội soi phát hiện các nguyên nhân cụ thể của mũi để xử trí, như đốt các điểm mạch chảy máu, bôi thuốc, khí dung thuốc, sử dụng thuốc uống).

“Hầu hết trường hợp chảy máu cam ở trẻ là lành tính, ít nguy hiểm, cha mẹ có thể áp dụng cách xử trí khi trẻ bị chảy máu cam ngay tại nhà để sơ cứu đúng cách cho trẻ. Ngoài ra, nên bổ sung một đợt kẽm, sắt, Vitamin nhóm B và C để hạn chế tình trạng chảy máu cam ở trẻ” – bác sĩ Đào cho biết.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-gi-khi-tre-chay-mau-cam-mua-dong-5709983.html