Làm giàu từ cây hồ tiêu

Những năm gần đây, thông qua phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ở huyện Hướng Hóa đã xuất hiện nhiều tấm gương về phát triển kinh tế. Hộ anh Lê Văn Mừng ở thôn Cu Dừn, xã Hướng Lộc là một điển hình.

 Anh Lê Văn Mừng thăm vườn tiêu

Anh Lê Văn Mừng thăm vườn tiêu

Đến xã Hướng Lộc, một trong 13 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa, qua trao đổi chuyện làm ăn với các cán bộ của xã và bà con dân bản, ai cũng tỏ lời ngợi khen vợ chồng anh chị Lê Văn Mừng và Nguyễn Thị Tự là người siêng năng làm lụng và giỏi tính toán, biết làm giàu từ cây hồ tiêu, có thu nhập trong năm hàng trăm triệu đồng.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn tiêu được trồng ngay hàng thẳng lối, phát triển xanh tốt, ôm gọn thân choái, anh Mừng cho biết, năm 1996, rời quê hương xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, vợ chồng anh lên sinh cơ lập nghiệp ở thôn Cu Dừn. Những năm đầu lên lập nghiệp, cũng như nhiều hộ dân ở thôn Cu Dừn, vợ chồng anh đã đầu tư công sức, tiền vốn khai hoang 3 ha đất trồng sắn và chuối. Tuy nhiên, đời sống kinh tế của gia đình cũng gặp không ít khó khăn, bởi mọi chi tiêu của gia đình cũng như nuôi con ăn học đều dựa vào nguồn thu nhập từ sắn và chuối, nhưng năng suất sắn qua các năm giảm, giá chuối, sắn trên thị trường lên xuống bấp bênh. Nhận thấy vườn tiêu của các hộ dân ở các xã lân cận Tân Liên,Tân Lập phát triển tốt, cho hiệu quả cao, anh Mừng đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về kĩ thuật trồng và chăm sóc loại cây này. Vốn tính cẩn thận và ham học hỏi, ngoài tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật do địa phương tổ chức, tìm hiểu qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, anh Mừng còn cất công đến tận các hộ dân ở Đắk Lắk và các hộ trồng tiêu ở các xã Tân Liên, Tân Lập, thị trấn Khe Sanh để trực tiếp tham quan, học tập kinh nghiệm. Được tận mắt chứng kiến những vườn tiêu xanh tốt, cho thu nhập cao, có thêm động lực, anh Mừng trở về bàn bạc với vợ quyết định trồng tiêu.

Năm 1999, với số tiền thu được từ sắn, chuối và vay vốn xóa đói, giảm nghèo, gia đình anh trồng 200 cây hồ tiêu, cho đến nay phát triển hơn 2.000 cây. Với những kinh nghiệm tích lũy được, lại chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào trồng, chăm sóc, nên vườn tiêu của gia đình anh luôn phát triển xanh tốt, hạn chế được sâu bệnh và cho hiệu quả cao, bình quân hằng năm thu nhập hơn 700 triệu đồng. Hiện nay, cùng với tập trung chăm sóc và trồng mới cây hồ tiêu thay thế cây hồ tiêu đã già, gia đình anh đã đầu tư hơn 80 triệu đồng tiền mua giống để trồng các cây ăn quả như: Mít siêu sớm, na, ổi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, với diện tích 10.000m2.

Nhờ làm ăn hiệu quả, gia đình anh có cuộc sống khá giả, xây dựng nhà cửa kiên cố, khang trang, nuôi con ăn học đầy đủ. Nhiều năm qua, gia đình anh được Hội Nông dân xã, huyện tặng giấy khen là điển hình nông dân sản xuất giỏi.

Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, anh Mừng luôn trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn kĩ thuật trồng cây hồ tiêu cho các hộ dân để cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Chủ tịch UBND xã Hướng Lộc Hồ Xuân Lợi cho biết: “Mô hình trồng tiêu của gia đình anh Mừng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, là điển hình làm kinh tế giỏi để bà con dân bản trong xã học hỏi và làm theo. Hiện nay, không chỉ các hộ dân ở thôn Cu Dừn mà rất nhiều hộ trong xã như hộ các ông: Hồ Văn Phòng, Hồ Xa Ăm, Hồ Văn A Mỹ, Hồ Ai Phương ... đã trồng từ 200 đến 1.000 cây hồ tiêu.”

Nguyễn Đình Phục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=141820