Làm giàu từ chưng cất tinh dầu hương nhu

Nắm bắt được nghề chưng cất tinh dầu hương nhu còn khá mới mẻ ở địa phương, chị Bùi Thị Thùy, thôn Đông Thịnh, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) đã mạnh dạn đi đầu thực hiện.

Tận dụng lợi thế đất gò đồi, những năm qua, gia đình chị Thùy đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng hơn 10 ha hương nhu. Trung bình một năm, chị thu hoạch 3 vụ, 2 vụ chính và 1 vụ phụ, mỗi vụ thu hoạch hàng tấn hương nhu. Tuy nhiên, 1 tạ tươi chỉ có thể chưng cất ra khoảng từ 200-300ml tinh dầu. Chính vì thế, giá trị kinh tế của loại tinh dầu này rất cao. Mỗi 100ml tinh dầu hương nhu được bán với giá 200 nghìn đồng. Chị Thùy cho biết, tinh dầu chị làm là hoàn toàn nguyên chất, mùi hương thơm, lưu được lâu, chỉ với một giọt có thể lưu từ 4-5 tiếng, nhỏ lên quần áo cũng bám đến 1-2 ngày, càng để lâu mùi hương càng dịu đi.

Chị Bùi Thị Thùy mong muốn trở thành người đi đầu cho mô hình chưng cất tinh dầu ở huyện Sơn Dương.

Chị Bùi Thị Thùy mong muốn trở thành người đi đầu cho mô hình chưng cất tinh dầu ở huyện Sơn Dương.

Hiện nay, tinh dầu hương nhu là mặt hàng rất được ưa chuộng do có nhiều công dụng cho sức khỏe. Tuy sản phẩm bán ra không nhiều nhưng lượng tiêu dùng khá ổn định. Tác dụng quen thuộc nhất của tinh dầu là xông hơi để đầu óc được thư giãn thoải mái sau một ngày làm việc mệt mỏi, còn có thể sử dụng như dầu gió, xoa trực tiếp vào bụng, tay, chân để làm nóng người, giảm đầy bụng, đau xương khớp. Ngoài ra còn một số tác dụng khác như làm nước hoa, khử mùi, sát khuẩn… Mô hình này của chị còn tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động thời vụ khi hương nhu vào đợt thu hoạch.

Đặc biệt, trong tháng 9-2019, chị Thùy đã thành lập Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Sơn Thịnh. Hiện nay, hợp tác xã của chị đã có 11 hộ thành viên. Chị Thùy chia sẻ, đối với chị, khó khăn nhất bây giờ là làm sao có vốn để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, đưa tinh dầu Sơn Thịnh trở thành thương hiệu độc quyền, tránh việc bị cạnh tranh xấu, làm nhái.

Chị Thùy tâm sự, sau khi được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, chị muốn đầu tư mở rộng quy mô hơn nữa, quảng bá sản phẩm rộng rãi. Bên cạnh đó, chị cũng muốn truyền lại nghề chưng cất tinh dầu này cho nhiều người hơn, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ gia đình ở địa phương cùng tham gia, nâng cao cuộc sống.

Bài, ảnh: Hà Anh Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chuyen-de/nguoi-tot-viec-tot/lam-giau-tu-chung-cat-tinh-dau-huong-nhu-124830.html