Làm giàu từ nuôi cá nước lạnh

Những loài cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm đang được nuôi thương phẩm ngày càng nhiều tại Việt Nam. Với tiềm năng dồi dào, cá nước lạnh được kỳ vọng sẽ trở thành mặt hàng 'tỷ đô' trong tương lai. Tuy nhiên, thời gian qua, các mô hình nuôi cá nước lạnh ở nước ta đang diễn ra tự phát và ẩn chứa nhiều rủi ro.

Từ những mô hình hiệu quả...

Xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng vài năm trở về trước vẫn là xã nghèo, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay Rô Men đã vươn lên trở thành địa phương khá nhất của huyện Đam Rông và nghề nuôi cá nước lạnh chính là bí quyết để nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Anh Huỳnh Ngọc Thu, sinh năm 1980, Giám đốc Hợp tác xã cá tầm Huỳnh Ngọc Thu tại xã Rô Men cho biết, năm 2012, anh từ TP Hồ Chí Minh lên Lâm Đồng tìm kiếm cơ hội với nghề nuôi cá tầm. Sau nhiều chuyến khảo sát đánh giá khí hậu, nguồn nước, năm 2015, anh quyết định chọn xã Rô Men để xây dựng trang trại cá tầm. Hiện trang trại có quy mô gần 13.000m2, gồm 80 bể nuôi cá tầm được xây bằng xi măng kiên cố, nhà chứa bồn để ươm cá tầm bột, nhà máy sản xuất thức ăn, hệ thống dẫn lọc và cấp thoát nước, nhà nghỉ và làm việc của công nhân. Mỗi năm, trang trại cung ứng ra thị trường khoảng 600 tấn cá tầm, chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố phía Nam, tổng doanh thu 10 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 5 tỷ đồng.

 Thu hoạch cá tầm tại Hợp tác xã cá tầm Huỳnh Ngọc Thu, xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Thu hoạch cá tầm tại Hợp tác xã cá tầm Huỳnh Ngọc Thu, xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Sức hấp dẫn từ mô hình nuôi cá tầm của Hợp tác xã cá tầm Huỳnh Ngọc Thu đã thôi thúc nhiều hộ gia đình tại xã Rô Men chuyển đổi mô hình sản xuất sang nuôi cá tầm và đạt kết quả ngoài mong đợi. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Phương Bắc, nhờ mô hình nuôi cá tầm kết hợp với chăn nuôi và sản xuất thảo dược, mỗi năm gia đình chị thu lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Rô Men cho biết, xã hiện có 45 hộ nuôi cá tầm với tổng diện tích mặt nước khoảng 9,5ha, trong đó có 2 hợp tác xã nuôi cá tầm. Nhờ nuôi cá tầm, nhiều hộ dân thoát nghèo, trở nên khá giả. Địa phương cũng xác định nghề nuôi cá tầm là thế mạnh, đồng thời cũng là ưu tiên trong định hướng phát triển kinh tế của xã.

Mở ra kỳ vọng lớn

Theo báo cáo từ Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kể từ khi những con cá tầm, cá hồi đầu tiên được nhập khẩu và nuôi tại Việt Nam cách đây 20 năm, đến nay, nghề nuôi cá nước lạnh của nước ta đã có những bước tiến dài và đạt được thành tựu ấn tượng. Cả nước hiện có 21 tỉnh, thành phố có các cơ sở nuôi cá nước lạnh, trong đó Lâm Đồng và Lào Cai là hai tỉnh có diện tích, sản lượng cá nước lạnh lớn nhất. Nếu năm 2007, sản lượng cá nước lạnh cả nước mới chỉ đạt 95 tấn thì đến năm 2024 đã đạt gần 5.000 tấn, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước sản xuất cá tầm lớn nhất trên thế giới.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cùng với sản xuất rau, hoa công nghệ cao thì nuôi cá nước lạnh là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mang lại lợi nhuận cao nhất tại địa phương. Hiện nay, mỗi héc-ta nuôi cá hồi, cá tầm có thể mang lại lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm. Việc phát triển nghề nuôi cá nước lạnh ở các khu vực núi cao còn góp phần tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đã đạt được, nghề nuôi cá nước lạnh tại Việt Nam còn mang tính tự phát, manh mún và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, hiện nay, sản phẩm cá nước lạnh của Việt Nam chủ yếu tiêu thụ là cá tươi sống hoặc cấp đông mà chưa qua chế biến. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá hồi, cá tầm nuôi trong nước chủ yếu vẫn tập trung tại các thành phố lớn, các thành phố phát triển du lịch như Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh. “Mặc dù sản lượng, kỹ thuật nuôi cá nước lạnh đã phát triển mạnh trong hai thập kỷ qua, nhưng đến hết tháng 5-2024 mới có 9/31 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tầm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định; có 32/845 cơ sở (đạt 0,37%) cơ sở nuôi cá tầm thương phẩm được cấp mã số nuôi. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm soát chất lượng con giống, là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến các khâu của chuỗi sản xuất, như chất lượng, năng suất, sản lượng”, Ông Nguyễn Văn Hữu chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo Cục Thủy sản thì việc khai thác và sử dụng nguồn nước lạnh chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả, vẫn còn tình trạng sử dụng nguồn nước lãng phí, nhất là các cơ sở nuôi ở vị trí đầu nguồn nên còn tình trạng xảy ra tranh chấp về nguồn nước trong mùa khô. Với hệ thống nuôi như hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước tự nhiên, đặc biệt các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm, nguồn nước cung cấp cho các cơ sở nuôi chưa bảo đảm nên không nâng cao được năng suất.

Tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển cá nước lạnh ở Việt Nam và giải pháp trong thời gian tới do Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng, các nhà quản lý và người nuôi cá nước lạnh khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu là ngành kinh tế “tỷ đô-la” như nhiều ngành nuôi trồng khác như sầu riêng, lúa gạo, tôm, cá tra... thì thời gian tới, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách quan tâm, hỗ trợ đối với doanh nghiệp và các hộ nuôi cá nước lạnh, cụ thể như: Ưu đãi về vay vốn và thuê đất rừng, đất nông nghiệp để mở trang trại nuôi cá nước lạnh; đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về quy trình phòng trừ dịch bệnh, kiểm dịch cho cá nước lạnh; kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu các sản phẩm cá nước lạnh; khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến, thân thiện với môi trường (mô hình sử dụng nước tuần hoàn, sông trong ao...); phát triển công nghệ chế biến nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao; khuyến khích hình thức liên kết chuỗi sản xuất, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất cá nước lạnh, xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn mác các sản phẩm cá nước lạnh Việt Nam, tạo vị thế cho sản phẩm cá nước lạnh Việt Nam tại thị trường trong nước và trên thế giới.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lam-giau-tu-nuoi-ca-nuoc-lanh-798391