Làm giàu từ sầu riêng
Ngoài cà phê thì sầu riêng được xem là một trong những cây trồng chủ lực và được người dân xã Hòa Nam (Di Linh) đặc biệt quan tâm phát triển. Với giá cả thị trường sầu riêng ổn định ở mức cao, nên thời gian qua, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn phá bỏ cà phê để chuyển sang chuyên canh sầu riêng và trồng xen một số cây trồng khác.
Với điều kiện thổ nhưỡng khá thuận lợi phù hợp phát triển các loại cây trồng, những năm qua, ngoài cà phê thì người dân xã Hòa Nam đã chọn sầu riêng làm cây trồng xen canh bởi loại cây ăn trái này không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp nhiều hộ dân trong vùng cải thiện cuộc sống, vươn lên mức sống khá, giàu. Điển hình như hộ ông Vũ Văn Bằng là người tiên phong chuyên canh sầu riêng, đến nay gia đình ông đã phát triển với diện tích khoảng 30 ha, mỗi năm thu về khoảng 15 tỷ đồng và được xem là ông “vua sầu riêng” của cả nước.
Thấy được hiệu quả từ việc chuyên canh sầu riêng của hộ ông Vũ Văn Bằng, thời gian qua nhiều hộ dân trên địa bàn xã, đặc biệt là Thôn 8 đã mạnh dạn phá bỏ toàn bộ diện tích cà phê chuyển sang chuyên canh sầu riêng và trồng xen một số loại cây ăn trái có giá trị kinh tế như bơ, mắc ca, chuối laba.
Ông Nguyễn Xuân Duy từng là cộng tác viên khuyến nông cơ sở, nay là Trưởng thôn 8 cho biết: “Thôn 8 hiện có 315 hộ. Trước đây, bà con chủ yếu trồng cây cà phê và xen canh sầu riêng, bơ, mắc ca, nhưng do giá cà phê bấp bênh, chi phí đầu tư cao, lợi nhuận thu về thấp..., nên bà con đã phá bỏ cà phê để chuyên canh sầu riêng và xen canh bơ. Nếu như năm 2012, toàn thôn chỉ có khoảng 50 hộ thì đến nay đã có 100% hộ dân chuyển đổi sang chuyên canh sầu riêng tương đương với diện tích 450 ha. Hiệu quả kinh tế mà sầu riêng mang lại khá cao và tăng gấp nhiều lần so với cà phê”.
Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Khuyên chuyên canh cà phê và xen canh 100 cây sầu riêng. Năm 2017, gia đình bà Khuyên thu được 12 tấn quả, với giá thị trường 80.000 đồng/kg thì gia đình thu về gần 1 tỷ đồng. Thấy hiệu quả kinh tế mà sầu riêng mang lại, đến nay gia đình bà Khuyên đã mở rộng mô hình trồng xen sầu riêng trên diện tích 5 ha, với số lượng 600 cây. Bà Khuyên bộc bạch, hầu hết người dân trong thôn đều trồng cà phê và xen canh sầu riêng, nhưng khi cây sầu riêng lớn và chuẩn bị cho trái rộ thì bà con lại phá bỏ cây cà phê bởi do giá cả cà phê quá rẻ. Bà khuyên so sánh, bình quân 1 ha cà phê thu được 4 tấn cà phê nhân, với giá thị trường như hiện nay chỉ thu được 120 triệu đồng/ha. Trong đó, chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước, tỉa chồi, tỉa cành, thuê nhân công thu hái, công phơi và bảo quản sau thu hoạch luôn ở mức cao. “Với 5 ha cà phê, hàng năm bình quân gia đình tôi thu sản lượng 20 tấn cà phê nhân, sau khi trừ chi phí thì chỉ còn lại khoảng 250 triệu đồng/năm. Còn về sầu riêng, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn gấp 5 lần so với cà phê nên đến nay gia đình tôi đã chuyển đổi 100% diện tích sang chuyên canh sầu riêng và xen canh bơ. Hiện số diện tích trồng mới này đã cho thu bói”.
Còn hộ ông Lê Thế Sết cũng ở Thôn 8 có gần 4 ha cà phê và sầu riêng bày tỏ, mặc dù thu nhập của gia đình rất ổn định, nhưng năm 2019, gia đình ông vẫn quyết định phá bỏ diện tích cà phê, chỉ để lại 700 gốc sầu riêng. Ngoài sầu riêng, ông Sết còn xen canh vài trăm cây bơ và 1.000 cây chuối laba. “Trồng sầu riêng có nhiều điểm thuận lợi. Đến mùa thu hoạch, thương lái đến tận vườn xem, đặt cọc và tự thu hái. Với 700 gốc sầu riêng, niên vụ vừa qua gia đình tôi thu trên 30 tấn quả sầu riêng, bình quân giá sầu riêng trên thị trường 50.000 đồng/kg, thì gia đình tôi cũng thu về trên 1,5 tỷ đồng. Hiện gia đình tôi đã chuẩn bị các khâu làm đất và cây giống để tiếp tục trồng mới 300 gốc giống sầu riêng RI6”, ông Lê Thế Sết vui vẻ nói.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Duy, hiện hộ ít nhất cũng trồng được 500 gốc sầu riêng và có nhiều nông hộ trồng khoảng 2.000 cây cho thu tiền tỷ như: Hộ ông Lê Ngọc Khoa, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Trung... Tuy nhiên, hiện nay cái khó khăn lớn nhất của bà con trong thôn là đường sá đi lại còn nhiều khó khăn kể cả trong việc sinh hoạt đi lại hàng ngày cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở khu dân cư.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hải Nam - Chủ tịch UBND xã Hòa Nam khẳng định: “Là địa phương đi đầu trong toàn huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân không chỉ mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao, mà còn nhanh nhạy tiếp cận ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài cà phê, hiện sầu riêng là cây có thế mạnh và trở thành cây chủ lực, giúp cải thiện và nâng cao cuộc sống của người dân, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202103/lam-giau-tu-sau-rieng-3048745/