Lâm Hà hướng tới nông nghiệp hữu cơ

Nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Lâm Hà đã và đang hướng nông dân đến việc hình thành vùng, khu vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, định vị thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh mà còn phát triển được nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Trà hữu cơ được xử lý theo quy trình chặt chẽ

Trà hữu cơ được xử lý theo quy trình chặt chẽ

Là địa phương có thế mạnh về cây công nghiệp, chú trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các sản phẩm chủ lực như cà phê, mắc ca, trà, dâu tằm... huyện Lâm Hà có lợi thế trong việc xây dựng và phát triển các vùng nông nghiệp hữu cơ.

Ông Vũ Bá Yêu - Phó phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà cho biết: Để khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm địa phương, hiện tại, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động đăng kí vùng trồng, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Cho đến thời điểm hiện tại, địa phương có ba hợp tác xã, một tổ hợp tác, một doanh nghiệp và hơn 70 hộ đăng kí, với 430 ha diện tích, bao gồm các loại vật nuôi, cây trồng như rau, mắc ca, măng tây, cà phê, trà, dược liệu và gà đẻ trứng.

Hiện, Phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà cũng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất hữu cơ trên địa bàn huyện; kiểm tra quy trình canh tác trước đây của nông dân và nắm bắt tình hình nhu cầu trang thiết bị, vật tư, định hướng phát triển sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ… Từ đó, đưa ra các giải pháp, đầu tư, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ phù hợp.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện, Công ty Cổ phần Trà Long Đỉnh, xã Phúc Thọ được nhận định là đơn vị có nhiều tiềm năng để phát triển mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây cũng là đơn vị tiên phong trên địa bàn tỉnh sản xuất chè hữu cơ có chứng nhận của tổ chức quốc tế USDA.

Chị Trần Phương Uyên - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Trà Long Đỉnh cho biết: Hiện tại, công ty có 5 ha được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Việc sản xuất trà theo hướng hữu cơ đòi hỏi nhiều thời gian, cần lộ trình lâu dài. Để chuyển đổi sang trồng trà hữu cơ, công ty phải mất 3 năm để cây trà thích ứng với quy trình chăm sóc hữu cơ, sau thời gian này, cây trà mới có thể cho sản lượng, chất lượng ổn định.

Trà đạt hữu cơ hoàn toàn không sử dụng phân, thuốc hóa học. Phân bón cho cây trà đều được sử dụng từ phân hữu cơ, phân trùn quế, phân vi sinh được làm từ hỗn hợp đậu nành, cám gạo và mật đường. Để phòng trừ, xua đuổi sâu bệnh hại, công ty sẽ phun dung dịch ớt, tỏi đã xay nhuyễn được lên men. Điều này giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, người chăm sóc không phải tiếp xúc với chất hóa học. Đặc biệt, vùng trồng trà hữu cơ được ngăn cách bởi hàng rào sinh học giúp chắn các chất hóa học từ những vùng nông nghiệp khác.

Chị Uyên cho biết, kinh phí đầu tư ban đầu cho sản xuất hữu cơ khá lớn, gấp 2, gấp 3 lần so với trồng trà truyền thống. Trong quá trình chuyển đổi, sản lượng chỉ đạt 50%, bởi cây trà cần có thời gian thích nghi với quy trình chăm sóc hữu cơ. Tuy nhiên, sau thời gian này, có thể dễ dàng nhận thấy chất lượng, môi trường được cải thiện rõ rệt. Trà hữu cơ thơm hơn so với trà được chăm sóc theo cách thông thường, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng lẫn người chăm sóc, sản xuất nông nghiệp được bền vững hơn.

“Công ty xác định làm hữu cơ nhằm mục đích xây dựng thương hiệu, bảo đảm uy tín trên thị trường, đây là lợi ích lâu dài. Có thể mất 5 năm, 10 năm nhưng giá trị, thương hiệu của trà Long Đỉnh được khẳng định. Trà sạch, không hóa chất, đảm bảo sức khỏe sẽ là những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng thông minh”, chị Uyên chia sẻ.

Để người tiêu dùng quen với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, Công ty Long Đỉnh đến nay vẫn giữ giá trà hữu cơ bằng với giá trà thông thường, bình quân 400 nghìn đồng/kg. Trung bình một năm, công ty xuất bán ba tấn trà khô hữu cơ, chủ yếu thị trường trong nước.

Phó Phòng Nông nghiệp huyện, ông Vũ Bá Yêu, nhận định: Nếu nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ thì thương hiệu, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản sẽ được nâng lên, môi trường sinh thái được đảm bảo, nông nghiệp cũng phát triển một cách bền vững. Bên cạnh đó, việc xây dựng vùng, khu vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ giúp tạo nên những tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp nông thôn.

Tuy nhiên, thực tế, phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, nhất là về đầu ra cho sản phẩm. Nếu như giá sản phẩm hữu cơ đồng giá với sản phẩm nông sản thông thường thì khó phát triển, bởi chi phí đầu tư ban đầu của nông nghiệp hữu cơ thường cao hơn so với nông nghiệp truyền thống. Trong khi làm nông nghiệp hữu cơ phải đảm bảo nhiều tiêu chí khắt khe, thu hồi vốn chậm hơn do đó nông dân không mặn mà.

“Do vậy, việc tạo lập kênh tiêu thụ và định mức giá nông sản hữu cơ là điều cần thiết, khi đầu ra thuận lợi, có giá cả phù hợp, khi đó việc nhân rộng, khuyến khích nông dân áp dụng hữu cơ thuận lợi hơn”, ông Yêu cho hay. Trước mắt, địa phương cũng khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sản xuất đảm bảo các tiêu chí của nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp huyện cũng định hướng sẽ phát triển mô hình nhỏ trước sau đó mới nhân rộng sản xuất vùng, khu vực nông nghiệp hữu cơ.

NHẬT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202107/lam-ha-huong-toi-nong-nghiep-huu-co-3065689/