Lạm phát cả năm 2019 nhiều khả năng thấp hơn dự báo

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đồng tình với dự báo của nhóm giúp việc về kịch bản lạm phát cả năm ở mức từ 3,17-3,41%, thấp hơn so với dự báo trước đó.

CPI theo sát dự báo

Trước đó, thông tin được đưa ra tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 6 diễn ra tại Bộ Công Thương, CPI tháng 6/2019 đã giảm 0,09% so với tháng trước, tăng 1,41% so với tháng 12/2018 và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến CPI tháng 6 giảm được các chuyên gia phân tích là là do kinh tế vĩ mô ổn định, nỗ lực kiểm soát lạm phát của Chính phủ, sự chủ động điều hành giá xăng dầu, giá gas, giá điện, giá sách giáo khoa và giá dịch vụ y tế vào các thời điểm phù hợp, nguồn cung gạo dồi dào…

Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định giúp CPI từ đầu năm đến nay tăng thấp

Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định giúp CPI từ đầu năm đến nay tăng thấp

Từ đầu năm đến nay, CPI tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2/2019 tăng 0,8%, tháng 3 giảm 0,21%, tháng 4 tăng 0,31%, tháng 5 tăng 0,49%, tháng 6 giảm 0,09%. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so cùng kỳ năm 2018, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm được đánh giá là tương đối sát với dự báo từ đầu năm và nằm trong kịch bản CPI tăng thấp.

Trước diễn biến CPI từ đầu năm đến nay như vậy, cộng với những điều kiện thực tế của thị trường hàng hóa, Ban Chỉ đạo điều hành giá dự báo, từ nay đến cuối năm, có một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá như: Biến động của giá xăng dầu thế giới, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường, việc điều chỉnh lương cơ sở, yếu tố rủi ro về dịch bệnh, thiên tai và thời tiết bất lợi…

Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Dự báo giá gạo trong nước và thế giới có khả năng giảm do nhu cầu thấp, nguồn cung dồi dào; các mặt hàng vật liệu xây dựng ổn định; giá dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm; tỷ giá, lãi suất hiện vẫn đang được điều hành ổn định…

Từ đó, nhóm giúp việc dự báo 2 kịch bản tăng lạm phát bình quân cho cả năm 2019 đều nằm trong khoảng từ 3,17-3,41%, thấp hơn cả mục tiêu đặt ra từ phiên họp trước đó là CPI 3,3-3,9% và thấp hơn cả CPI của năm 2018.

Nỗ lực ổn định cung cầu hàng hóa

Đồng tình với dự báo của nhóm giúp việc Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, lạm phát thấp sẽ là điều kiện thuận lợi hơn để điều chỉnh một số dịch vụ công, nhưng phải cân nhắc thời điểm, tránh cùng điều chỉnh trong một thời điểm làm gia tăng lạm phát.

Từ nay tới cuối năm, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính có trách nhiệm điều hành giá xăng hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, tránh để Quỹ bình ổn xăng dầu xuống thấp như vừa qua.

Về giá điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thành thanh tra về giá điện, đề xuất hình thức xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Trong năm 2020, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về giá điện.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần nỗ lực ổn định cung cầu lương thực, thực phẩm nhất là thịt lợn, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Về giá BOT, Bộ Giao thông vận tải sớm trình Chính phủ tổng thể các giải pháp, đánh giá kỹ lộ trình, tác động của điều chỉnh giá, cả phương án hoàn vốn của các chủ đầu tư, nhất là phân loại nợ của ngân hàng, bảo đảm khả năng trả nợ.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin chính thống về quản lý, điều hành giá cho các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí; tăng cường công khai, minh bạch các thông tin về chỉ số đầu vào, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan đến sản xuất và đời sống của người dân…

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-phat-ca-nam-2019-nhieu-kha-nang-thap-hon-du-bao-121921.html