Lạm phát được kiềm chế nhưng không thể chủ quan

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm so với cùng kỳ là nỗ lực trong điều hành vĩ mô của Chính phủ. Tuy nhiên, những tháng còn lại của năm 2023 vẫn có một số áp lực lớn lên mặt bằng giá, nên không thể chủ quan.

Hiện giá các mặt hàng thiết yếu đầu vào của nền kinh tế và hàng tiêu dùng có xu hướng tăng. Ảnh: TL

Hiện giá các mặt hàng thiết yếu đầu vào của nền kinh tế và hàng tiêu dùng có xu hướng tăng. Ảnh: TL

PV: Ở góc độ chuyên gia kinh tế, có nhiều năm theo dõi sát sao lĩnh vực thương mại, ông nhìn nhận thế nào về diễn biến chỉ số CPI từ đầu năm đến nay, nhất là sau tác động của việc tăng giá điện (tháng 5/2023) và tăng lương cơ bản vừa qua (tháng 7/2023)?

Ông Vũ Vinh Phú

Ông Vũ Vinh Phú

Ông Vũ Vinh Phú: Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, sau khi liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2023 xuống còn 2%, CPI bắt đầu nhích nhẹ từ tháng 7 và sang tháng 8 bật tăng lên 2,96% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số CPI tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,87%; khu vực nông thôn tăng 0,89%). Nguyên nhân được Tổng cục Thống kê đưa ra là giá xăng, dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới… Xét tổng quát, bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Tôi cho rằng, số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố đã phản ánh tương đối chính xác bức tranh tăng CPI từ đầu năm đến nay và đặc biệt trong những tháng qua. Tuy nhiên, qua theo dõi thị trường cho thấy, việc tăng giá điện (tháng 5/2023) và tăng lương cơ bản vừa qua (tháng 7/2023) cũng tác động đáng kể đến mặt bằng giá tiêu dùng chung, giá lương thực, thực phẩm tại chợ dân sinh và siêu thị có những mặt hàng tăng khá mạnh như: gạo, dịch vụ vận chuyển hàng hóa cũng tăng theo đà này… Chỉ số CPI theo tôi trong 2 tháng qua còn chịu ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu và giá nước sạch sinh hoạt ở một số tỉnh, thành phố đã được điều chỉnh tăng giá.

Mặc dù chỉ số CPI có tăng, nhưng theo tôi việc kiềm chế chỉ số này tăng ở mức hợp lý như hiện nay là thành công trong điều hành của Chính phủ và nỗ lực điều tiết cung - cầu của các bộ, ngành.

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, không để đứt gãy nguồn cung, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, góp phần bình ổn giá thị trường, triệt tiêu tình trạng lợi dụng khan hiến hàng để tăng giá.

PV: Mặc dù CPI được kiềm chế và dự báo sức mua của người tiêu dùng không cao do ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, CPI những tháng cuối năm tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng. Vậy, ông có bình luận ra sao về nhận định này?

Ông Vũ Vinh Phú: Phải thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, người dân đang tiết kiệm chi tiêu, tích lũy, đề phòng những vấn đề đột xuất và thu nhập cũng không tăng nhiều. Trong khi đó, giá điện, nước, sách giáo khoa và nhiều mặt hàng tiêu dùng đang có xu hướng tăng lên.

Đặc biệt, giá các mặt hàng thiết yếu đầu vào của nền kinh tế và sinh hoạt dân sinh có xu hướng tăng. Đáng kể là giá xăng dầu liên tục tăng trong 2 tháng qua, theo đà tăng của giá thế giới. Giá điện cũng được EVN đề xuất điều chỉnh theo chu kỳ 3 tháng/lần…

Không để đứt gẫy nguồn cung

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, trong thời gian tới cần tổ chức các hệ thống chợ đầu mối vùng, trong đó có các sàn giao dịch nông sản thực phẩm, đảm bảo mua bán công khai, minh bạch, chú trọng dự trữ quốc gia những mặt hàng thiết yếu đề phòng những việc bất khả kháng không lường trước được, nhất là mặt hàng gạo - mặt hàng liên quan đến an ninh lương thực quốc gia.

Trong khi đó, giá cả trên thị trường còn nhiều vấn đề đáng bàn. Việc mua bán đang có nhiều khâu trung gian để đẩy giá lên, khiến người tiêu dùng thiệt thòi và người sản xuất không có lãi. Nhiều nông sản sạch nhưng lại ít đưa vào hệ thống siêu thị do vấn đề chiết khấu cao, do chi phí và một số vấn đề khác.

Rõ ràng, việc có quá nhiều khâu trung gian khiến giá cả tăng cao như hiện nay, nếu không kiểm soát được và diễn biến này tiếp tục theo chiều hướng xấu hơn sẽ kìm hãm sự phát triển sản xuất, kìm hãm cả sức mua trong nước.

PV: Trong giai đoạn hiện nay, để hoàn thành các mục tiêu đặt ra năm 2023, trong đó có chỉ tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4,5%/năm, theo ông chúng ta cần có giải pháp gì đối với quản lý, điều hành thị trường giá cả hiện nay?

Ông Vũ Vinh Phú: Theo tôi, để đảm bảo bình ổn giá, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cần cho phép các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, Bộ Công thương, Cục Quản lý giá Bộ Tài chính có quyền yêu cầu các đơn vị có biểu hiện tăng giá vô lý, đột biến không có cơ sở phải kê khai giá. Nếu thu lợi nhuận quá mức, hơn cả người sản xuất thì yêu cầu hạ giá xuống và có chế tài xử lý.

Đặc biệt, từ nay đến cuối năm 2023, Nhà nước cần quan tâm đến việc điều chỉnh giá các mặt hàng là đầu vào của toàn xã hội như xăng dầu, điện, than... và có lộ trình công bố trước. Không tăng giá mặt hàng thiết yếu khi chưa được cơ quan kiểm toán công nhận.

Cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước, lưu thông phân phối dễ dàng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh liên kết chặt chẽ trong các chuỗi cung ứng, giảm bớt trung gian bất hợp lý, chống độc quyền mua, độc quyền bán, ép chiết khấu cao vô lý khi người sản xuất đưa hàng vào bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị.

Làm được những vấn đề trên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, tham mưu của các bộ, ngành và các địa phương, cùng sự nỗ lực chủ quan, tự giác của các doanh nghiệp và sự ủng hộ, giám sát thường xuyên của người tiêu dùng, các hiệp hội liên quan, chắc chắn công tác quản lý giá trong năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ có những bước tiến vững chắc góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất và phục vụ tiêu dùng xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chính phủ nỗ lực ổn định giá những tháng cuối năm 2023

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 348 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, không để đứt gãy nguồn cung, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là trong các dịp lễ, tết cuối năm...

Năm 2023, mục tiêu kiểm soát lạm phát được đưa ra ở trong con số 4,5%. Trong những tháng còn lại của năm 2023, chuyên gia tài chính - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá như: Xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục.

Theo ông Thịnh, thời gian gần đây giá xăng dầu có biến động tăng, ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý của cả người tiêu dùng và người bán hàng. Do vậy, cần phải lưu ý đến điều hành giá xăng dầu vì đây là mặt hàng nhạy cảm, có khả năng kéo chỉ số CPI tăng mạnh

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lam-phat-duoc-kiem-che-nhung-khong-the-chu-quan-135355-135355.html