Làm phim 'Đất và người'

Năm 1990 ở tòa soạn Tạp chí Văn nghệ quân đội (VNQĐ) số 4 phố Lý Nam Đế, nhà văn Nguyễn Khắc Trường hồ hởi ôm chồng sách 10 quyển 'Mảnh đất lắm người nhiều ma' là sách tiêu chuẩn tác giả được hưởng vừa lấy về từ nhà xuất bản còn nguyên dây buộc. Ông gỡ lấy một quyển ký tặng tôi và bảo, 'Tiến là bản đầu tiên đấy, đọc luôn đi, hay không dứt ra được đâu'.

Tôi cầm cuốn sách rưng rưng cảm động. Được nhà văn đàn anh tặng cuốn sách mới in lại là cuốn đầu tiên khỏi nói tôi sung sướng thế nào. Bấy giờ tôi có một số truyện ngắn in trên VNQĐ, một địa chỉ uy tín của văn chương và nhà văn Nguyễn Khắc Trường là người biên tập. Qua lại gặp gỡ nên anh em thành ra quen thân nhau.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường (1946 - 2024).

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường (1946 - 2024).

Đúng như lời anh Trường nói, tôi không thể dứt ra khỏi cuốn sách được thật. Cảm giác ám ảnh luôn thường trực và không khí của cái làng Giếng Chùa tiểu thuyết kia như sệt lại đè nặng cả tâm hồn lẫn trí não người đọc. Từng nhân vật trong trang sách hiện lên rành rẽ sống động như trong một bộ phim đời và trong trí tưởng tượng của tôi lúc ấy một ý nghĩ nảy đến, phải biến tiểu thuyết thành một kịch bản điện ảnh hoặc truyền hình dài tập.

Đọc xong trong sự hứng khởi đặc biệt tôi đến tòa soạn rủ nhà văn Nguyễn Khắc Trường ra CLB Quân đội uống bia hơi (dạo đó Hoàng Diệu là điểm bia lý tưởng của Hà Nội). Tôi và anh hào hứng nói chuyện về từng nhân vật tiểu thuyết của anh. Trong lúc cao hứng tôi bảo 10 năm nữa em xin phép anh được chuyển tiểu thuyết này thành phim. Nguyễn Khắc Trường cười hào sảng. Có thể lúc ấy anh không tin hoặc giả anh cười cái thời hạn 10 năm nó ngang xương và vô lý kia.

Công tác biên tập ở Hãng phim Truyền hình Việt Nam tôi biết những gì khó có thể lên được sóng bởi vậy cũng phải hơn 10 năm sau tôi nhận thấy đã có thể đưa “Mảnh đất lắm người nhiều ma” lên phim bèn rủ nhà văn Khuất Quang Thụy chuyển thể cùng. Chọn anh Thụy vì anh là nông dân sệt. Quê anh ở một vùng ngoại thành Hà Nội, tôi có cảm giác giống như làng Giếng Chùa tiểu thuyết. Khuất Quang Thụy lập tức nhận lời vì anh cũng thích và thông thuộc tiểu thuyết này. Khuất Quang Thụy cùng công tác ban Văn Tạp chí VNQĐ với Nguyễn Khắc Trường nên hiểu tác giả về những gì anh gửi gắm trong tiểu thuyết.

Bìa cuốn tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.

Bìa cuốn tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.

Rất nhanh, tôi và nhà văn Khuất Quang Thụy tiến hành làm đề cương kịch bản trình duyệt ý tưởng trước. Những vấn đề nông thôn thời điểm đó được đưa vào kịch bản thông qua câu chuyện ở làng Giếng Chùa tiểu thuyết. Để phim bớt u ám nặng nề dù vẫn giữ nguyên câu chuyện, tôi với anh Thụy bàn nhau đẩy thời điểm câu chuyện phim về những năm 90. Lúc đó cái đói như những năm 80 ở làng Giếng Chùa tiểu thuyết đã không còn nữa, cuộc sống sau đổi mới đã khấm khá lên rất nhiều.

Đề cương được chấp nhận, tôi và anh Thụy tiếp tục làm chi tiết đề cương và phân tập. Sau đó khi viết chính thức kịch bản tôi nhận viết tập đầu tiên và kế sau là những tập lẻ, anh Thụy viết tập chẵn, cứ thế cho đến hết 24 tập kịch bản. Năm 2000 chưa phổ biến dùng máy tính nên bản thảo "Đất và Người" viết tay. Bản thảo viết đến đâu mang ra tiệm đánh máy đến đấy. Tiệm photocopy ở ngay sát cơ quan Hãng phim đường La Thành. Cô đánh máy chữ trẻ vốn đang là sinh viên một trường nghệ thuật cứ tấm tắc khen kịch bản hay khiến tôi vững tin hơn về kịch bản thuộc loại chính luận và rất gai góc này.

Khi trình kịch bản duyệt, người có trách nhiệm tỏ ý băn khoăn không chấp nhận vì sự quyết liệt dữ dội phân hóa xấu tốt dù là cấp xã nhưng đó là cuộc đương đầu giữa Phúc (chủ tịch xã) và Thủ (bí thư đảng ủy xã) nghĩa là đối đầu giữa Chính quyền và Đảng. Ôm đống kịch bản đã in ra đóng quyển tôi buồn ghê gớm và tiếc bao công sức bao ấp ủ trong một khoảng thời gian dài. Tôi nghĩ chắc phải có sự can thiệp ở trên trong ngạch tư tưởng văn hóa mới có thể sản xuất nên đề xuất lên lãnh đạo hướng giải quyết. Đạo diễn Khải Hưng là giám đốc đồng ý ký công văn gửi thẩm định. Tôi bê chồng kịch bản đến gặp anh Tấn Phương, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ Ban Tư Tưởng - Văn hóa Trung Ương (sau này là Ban Tuyên giáo Trung ương) nhờ Vụ của anh thẩm định giúp.

Vụ Văn hóa, Văn nghệ tập trung nhiều tiến sĩ, chuyên viên tiếp cận kịch bản và ai đọc cũng có bản thẩm định riêng. Vụ trưởng Tấn Phương gọi tôi đến và anh cho tôi đọc toàn bộ những thẩm định. Có hai luồng thẩm định, khoảng một nửa thành viên cho rằng đây là kịch bản tốt có sức công phá hiện thực cần được ủng hộ. Nửa còn lại phân vân và có những ý kiến cho rằng kịch bản bôi đen hiện thực. Tôi đọc xong bảo anh Phương tốt đấy chứ anh, số ủng hộ nhiều hơn, anh cho em cái văn bản thẩm định cứ ghi hết những ý kiến thẩm định này. Dùng dằng mãi cân lên đặt xuống rồi anh Tấn Phương cũng ký một văn bản thẩm định đóng dấu treo trong đó có dòng chữ quyết định: Kịch bản không đi ngược lại đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước…Tôi mừng như bắt được vàng vội tô đỏ dòng nhận xét này trong văn bản rồi mang trình kèm kịch bản đến các cấp thẩm quyền.

Sau này nhờ có công văn của Vụ nên kịch bản thuận lợi hơn để được đi vào sản xuất. Vố này tôi phải bỏ tiền túi ra để trả nhuận đọc duyệt. Số tiền không phải nhỏ lúc bấy giờ nhưng nói thật nó chẳng là gì khi đứa con của mình được sinh hạ. Lại nói thêm về Vụ trưởng Tấn Phương, khi phim phát sóng nhóm tác giả ghi nhận công lao của anh muốn gặp gỡ nhưng anh đột ngột mất trong một chuyến đi công tác. Tôi và đạo diễn Phạm Thanh Phong cùng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đến nhà riêng thắp hương cho anh với lời cảm ơn trọng thị và chân thành nhất.

Đạo diễn Phạm Thanh Phong là người tôi tin tưởng nhưng ông này lúc đó sau khi phân cảnh kịch bản lại quay ra mời đạo diễn Nguyễn Hữu Phần làm đạo diễn hiện trường. Hai ông chia nhau công việc, một ông hiện trường và ông kia phân cảnh kịch bản cộng làm hậu kỳ. Thế nên mới có hai đạo diễn ở "Đất và Người".

Khi làm bảng tên tôi nói đạo diễn đề biên kịch là Khuất Quang Thụy còn tôi đứng tên biên tập. Sau này nhiều người thắc mắc tôi không phải là biên kịch. Chẳng quan trọng gì chuyện đó, biên kịch hay biên tập cũng vẫn là tôi thôi. Phim ra có nhiều dư luận. Dù đã được trao đổi trước nhưng nói thật nhà văn Nguyễn Khắc Trường không mấy bằng lòng khi ê kíp kịch bản biến cải nhiều thứ từ tiểu thuyết của ông. Từ không khí bối cảnh đói nghèo của những năm 80 sang không khí nông thôn có phần đổi mới những năm 90 đã no đủ hơn và nhất là thay đổi số phận nhân vật Chu Văn Quềnh từ một kẻ chết no chiếm ít trang trong tiểu thuyết lại trở thành nhân vật hoạt náo trung tâm trong phim và có vợ con khác hẳn nhân vật tiểu thuyết. Nhưng anh Trường vốn vị tha không chấp đàn em là cả tôi và nhà văn Khuất Quang Thụy.

Nghệ sĩ Hán Văn Tình thủ vai Chu Văn Quềnh.

Nghệ sĩ Hán Văn Tình thủ vai Chu Văn Quềnh.

Với nhân vật Chu Văn Quềnh, nhà văn Khuất Quang Thụy ngay từ đầu đã khẳng định không cho anh ta chết như vậy, tiểu thuyết có thể hay nhưng vào phim thì chả nói được điều gì cả. Thế là hai anh em tôi bàn thay đổi số phận Chu Văn Quềnh như trong phim. Nhân vật Chu Văn Quềnh do nghệ sĩ Hán Văn Tình thủ vai với câu cửa miệng “không thể trì hoãn được sự sung sướng”. Việc chọn nghệ sĩ Hán Văn Tình cũng là một sự đầy duyên hy hữu. Chả là khi bắt tay làm kịch bản tôi đã nhắm vào Hán Văn Tình với cái đầu trọc và lối diễn khoa trương của diễn viên tuồng trong một vài phim đã phát sóng.

Khi chuẩn bị làm kịch bản bất ngờ tôi gặp Hán Văn Tình ở cơ quan Hãng phim. Tôi mời anh vào vai. Hán Văn Tình nhìn tôi đầy nghi ngờ và hỏi kịch bản thế nào? Tôi bảo anh sẽ mất tên. Tình nhã nhặn trả lời, cảm ơn anh, tôi sẽ nhận vai sau khi đọc kịch bản nếu thấy hay. Phim phát sóng được nửa, một tối vợ chồng Hán Văn Tình đến nhà tôi chơi. Lần đầu tiên có diễn viên đến nhà của biên kịch cảm ơn về vai diễn. Tình nói, có vợ em đây hôm gặp anh ở Hãng nghe anh mời vai, về nhà em bảo vợ hôm nay có tay biên kịch đầu trọc giống anh mời vào vai sẽ mất tên diễn viên, đúng là phét lác làm đếch gì có cái vai đó. Nhưng giờ thì anh nói đúng, em mất tên thật rồi dù phim mới phát sóng được một nửa. Việc chọn diễn viên là việc của đạo diễn, trong trường hợp này các đạo diễn chấp nhận ngay việc để Hán Văn Tình vào vai Chu Văn Quềnh. Âu cũng là một sự sắp đặt số phận, tôi nghĩ thế.

Tác giả bên giường bệnh diễn viên Hán Văn Tình.

Nhân vật Chu Văn Quềnh nổi tiếng đến mức năm 2010 tôi làm lại nhà, đám thợ quê nói bọn em không cần chủ nhà đãi đằng nhiều chỉ cần anh mời Chu Văn Quềnh về uống rượu với bọn em một lần là ok mọi nhẽ. Hán Văn Tình nhận lời không chỉ ở cuộc này, ngay như giỗ họ Phạm ở quê Xâm Dương của tôi, Tình cũng về dự sau đó bảo họ nhà anh bọn thanh niên bố láo bố toét nhất quả đất toàn xoa đầu em. Nhiều trường hợp khác như trường học của con gái tôi, các thầy cô giáo muốn mời nhân vật Chu Văn Quềnh đến tham dự liên hoan tổng kết, anh cũng đáp ứng trong sự vui vẻ cống hiến. Tiếc thay Hán Văn Tình mắc căn bệnh hiểm nghèo ra đi quá sớm. Anh ra đi nhưng có lẽ nhân vật Chu Văn Quềnh vẫn còn đang sống ở làng quê đâu đó vượt ngoài biên giới làng Giếng Chùa tiểu thuyết.

Phim làm hậu kỳ xong đưa duyệt lại có ý kiến về việc bà Son vợ ông Hàm tự tử ở kết phim. Chi tiết này làm u ám thêm ngột ngạt câu chuyện và không có hậu. Vâng, thích có hậu thì có hậu chứ sao, nghề làm dâu trăm họ kiểu gì chả xoay được. Thế là có thêm cái vĩ thanh là đám cưới của cô Đào con gái ông Hàm với sự xuất hiện của bà Son và luôn đưa lên Générique phim như để khẳng định bà Son còn sống, bà Son không chết vì tự tử để phim tươi sáng lên. Làm phim phức tạp như thế đấy. Nhưng thế mới có chuyện để làm, để viết, để kể.

Nhắc lại chuyện làm phim “Đất và Người” mà cũng chỉ ở phương diện kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” như nén tâm nhang thắp cho anh, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đáng kính. Anh yên nghỉ nhé. Rất nhớ tiếng cười khoáng đạt và thân thiện luôn rổn rảng của anh.

Hà Nội 3/10/2024

Phạm Ngọc Tiến

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/lam-phim-dat-va-nguoi-i746650/