Làm phim từ chất liệu cuộc sống - tưởng dễ mà khó

Chia sẻ về lý do mang hình tượng công tử Bạc Liêu lên màn ảnh rộng, đạo diễn Lý Minh Thắng cho rằng, câu chuyện này không chỉ hấp dẫn bởi những giai thoại truyền kỳ, mà còn ẩn giấu nhiều điều thú vị đằng sau.

Nhiều lợi thế

Ấn định khởi chiếu từ ngày 6-12, Công tử Bạc Liêu lấy cảm hứng từ giai thoại về hai nhân vật có thật trứ danh - cậu Ba Hơn (Hắc công tử) và cậu Tư Phát (Bạch công tử). Theo đại diện nhà sản xuất, khi nhắc đến các công tử Bạc Liêu, người ta hay nhớ đến những giai thoại như đốt tiền nấu chè, mua máy bay riêng, tổ chức đấu xảo sắc đẹp… với cái nhìn đầy chê trách. Thế nhưng, thông qua tác phẩm lần này, ê kíp chọn góc tiếp cận táo bạo, sáng tạo khi đưa khán giả vào hành trình khám phá những góc khuất bất ngờ đằng sau lối sống ngông cuồng của các công tử Bạc Liêu.

 Đoàn làm phim Cô dâu hào môn thực hiện một cảnh quay. Ảnh: ĐPCC

Đoàn làm phim Cô dâu hào môn thực hiện một cảnh quay. Ảnh: ĐPCC

Trong số các dự án điện ảnh sắp ra mắt, Công tử Bạc Liêu không phải bộ phim duy nhất lấy các chất liệu, cảm hứng, hay nhân vật có nguyên mẫu từ thực tế cuộc sống. Đầu tháng 5 vừa qua, nhà phát hành Galaxy Studio công bố những thông tin đầu tiên của dự án phim điện ảnh về cuộc đời Nam Phương hoàng hậu - Hoàng hậu cuối cùng. Phim được đạo diễn bởi bộ đôi Bảo Nhân và Namcito, tập trung kể về quãng thời gian hơn 10 năm sống trong cấm thành của bà với cuộc sống hôn nhân trải qua đủ các cung bậc từ hạnh phúc đến buồn đau cùng vua Bảo Đại, cho đến ngày cả hoàng gia rời khỏi Đại Nội để bắt đầu sống một cuộc đời lặng lẽ.

Vừa chính thức ra rạp từ ngày 18-10, bộ phim Cô dâu hào môn cũng được đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chia sẻ “lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật mà tôi đã nghe từ những người bạn. Từ những chất liệu này, tôi cùng nhà sản xuất Will Vũ đã sáng tạo nên kịch bản phim”. Đồng thời anh cho biết, câu chuyện làm dâu nhà hào môn trong phim sẽ được nhìn dưới góc nhìn hài hước và châm biếm, hé lộ những câu chuyện kén dâu chọn rể trong giới thượng lưu.

Trước đó, đạo diễn Vũ Thành Vinh cũng tiết lộ khi thực hiện bộ phim Hai muối, anh cũng lấy chất liệu từ thực tế cuộc sống. Khi thực hiện chương trình truyền hình Khoảnh khắc cuộc đời, anh đã rất ấn tượng với câu chuyện của hai cha con ở ấp đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ). “Đó là câu chuyện rất thuyết phục. Tôi đã nung nấu ý tưởng này trong 3 năm trước khi hoàn thành kịch bản với hơn 25 lần chỉnh sửa”, đạo diễn Vũ Thành Vinh cho biết.

Thách thức cần vượt qua

Ai cũng hiểu chất liệu thực tế, đặc biệt về các nhân vật có thật mang đến nhiều lợi thế cho các nhà làm phim. Tuy nhiên, đây cũng là con dao “hai lưỡi” bởi bộ phim sẽ luôn nhận nhiều sự chú ý, thậm chí soi mói từ khán giả. Trường hợp gần nhất, hai bộ phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gồm: Em và Trịnh, Trịnh Công Sơn là ví dụ điển hình khi gây ra nhiều tranh luận về tính chính xác. Điều này đặt ra không ít thử thách cho nhà làm phim, làm sao vừa đảm bảo các chi tiết lịch sử vừa có được những nét mới mẻ, hấp dẫn.

Để làm được điều đó, mỗi bộ phim có cách làm riêng. Kịch bản phim Hoàng hậu cuối cùng được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tình sử Nam Phương hoàng hậu (Trần Thị Hảo) và tác phẩm tiểu sử Nam Phương hoàng hậu (Lê Lan Khanh). Đặc biệt, bộ phim đã bỏ qua các yếu tố “cung đấu” mà thông qua hình ảnh của Nam Phương hoàng hậu, hay Đức Thái hậu Từ Cung để thể hiện và tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Còn với Công tử Bạc Liêu, biên kịch Kay Nguyễn cũng khẳng định: “Đây không phải là một câu chuyện về thiếu gia nhà giàu đốt tiền mà người đời hay chê trách”. Cô cũng tự tin rằng mình sẽ thành công kể một câu chuyện được Gen Z yêu thích qua góc nhìn khác về những nhân vật đầy giai thoại của vùng đất Nam bộ xưa. Thông qua đó, sẽ phần nào giúp khán giả hiểu hơn về một vùng đất, một miền văn hóa.

Một trong những khó khăn lớn khác của phim lấy chất liệu thực tế là đòi hỏi sự đầu tư lớn để hiện thực hóa các chất liệu cuộc sống lên phim một cách mượt mà, thuyết phục công chúng. Như với Hai muối là việc xây dựng cánh đồng muối, làng nghề làm muối đầy tính chân thực. Hay như Công tử Bạc Liêu, để tìm ra những nét mới từ các câu chuyện đã quá quen thuộc, ê kíp làm phim đã phải sửa 10 bản thảo, đổi 5 định hướng xây dựng câu chuyện để đưa đến khán giả một cách kể mới về nhân vật này.

Mục tiêu cuối cùng của mọi tác phẩm điện ảnh vẫn là chạm đến trái tim khán giả, khơi gợi những cảm xúc sâu xa và tạo ra đường dây kết nối. Nhà làm phim nào cũng mong muốn người xem tìm thấy sự đồng cảm, nhận ra bóng dáng của mình hoặc những điều quen thuộc trong cuộc sống qua từng câu chuyện, nhân vật. Công thức thành công này tuy đơn giản nhưng không dễ thực hiện, ngay cả khi nguồn cảm hứng đến từ những chất liệu đời sống.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lam-phim-tu-chat-lieu-cuoc-song-tuong-de-ma-kho-post765024.html