Làm sao để giảm hiện tượng lạ trong đấu thầu?

Khi Luật Đấu thầu sửa đổi được trình ra Quốc hội vào năm 2013, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kỳ vọng luật này sẽ góp phần khắc phục tình trạng lợi dụng sơ hở trong một số quy định pháp luật để thông thầu, chỉ định thầu bất hợp lý gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn nhà nước.

Nhưng trong thực tế, mục tiêu giảm thất thoát nguồn vốn nhà nước dường như đã không đạt được, cho dù tỷ lệ chỉ định thầu đã giảm.

 Từ lâu nay vấn đề thông thầu để bòn rút tài sản công đã là vấn nạn lớn của quốc gia. Ảnh minh họa Uyên Viễn.

Từ lâu nay vấn đề thông thầu để bòn rút tài sản công đã là vấn nạn lớn của quốc gia. Ảnh minh họa Uyên Viễn.

Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về hoạt động đấu thầu năm 2018 cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm chung trong đấu thầu (tức chênh lệch giữa giá gói thầu và giá trúng thầu) đang có xu hướng giảm dần, từ mức 7,15% của năm 2016 xuống còn 5,26% trong năm 2018.

Nếu loại trừ những gói thầu sử dụng vốn ODA và phần đấu thầu qua mạng, vốn có tỷ lệ tiết kiệm rất cao, thì phần tiết kiệm được khi đấu thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách sẽ còn thấp hơn. Đây là hiện tượng lạ mà Bộ KH&ĐT cần làm sáng tỏ.

Việc tỷ lệ chỉ định thầu giảm nhưng giá trúng thầu so với dự toán không chênh lệch nhiều (lại có xu hướng tăng mạnh) chỉ có thể rơi vào một trong hai trường hợp. Thứ nhất, công tác thiết kế và lập dự toán được các chủ đầu tư thực hiện rất tốt, dự toán đưa ra đã rất sát giá thị trường, nên dù có đấu thầu cũng không thể giảm nhiều; thứ hai, đã có gì đó khuất tất trong quá trình đấu thầu và xét chọn thầu hay nói trắng ra là có tham nhũng.

Căn cứ trên thông tin trong báo cáo của Bộ KH&ĐT, như tỷ lệ tiết kiệm rất cao ở các dự án sử dụng vốn ODA (trên dưới 13%), vốn có tính minh bạch cao hơn vì thường có sự tham gia của tư vấn, giám sát và nhà thầu nước ngoài, cũng như ở các gói đấu thầu qua mạng (7,15%) và mức tiết kiệm cực thấp ở các dự án chỉ định thầu (2,87%), có thể đoán rằng khả năng xảy ra thất thoát, lãng phí và tham nhũng là rất lớn.

Từ lâu nay vấn đề thông thầu để bòn rút tài sản công đã là vấn nạn lớn của quốc gia. Tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu hay việc sử dụng những chiêu thức mờ ám để tạo cơ hội cho những doanh nghiệp thân hữu, sân sau... gây thất thoát rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Năm 2018, tổng giá trị các gói thầu đầu tư và mua sắm công lên đến gần 684.000 tỉ đồng. Lấy số này nhân với chênh lệch về mức tiết kiệm chung của năm 2018 so với 2016 sẽ thấy khả năng bị thất thoát có thể lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Còn nếu lấy tỷ lệ tiết kiệm của các gói thầu sử dụng vốn ODA làm quy chiếu, tình hình còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Việc ban hành các quy định pháp luật mới theo hướng chặt chẽ hơn để khắc phục các vấn nạn trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư và chi tiêu công là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy nếu chỉ đưa ra những quy định mà không đi kèm với giải pháp thực thi giám sát một cách hiệu quả thì cũng khó mà đạt được mục tiêu.

Hiện nay, nhiệm vụ giám sát chủ yếu được trao cho các cơ quan dân cử như Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. Chưa nói tới yếu tố nắm vững chuyên môn, chỉ riêng việc mỗi năm có tới hàng trăm ngàn gói thầu đã là quá sức đối với các cơ quan mà phần lớn đại biểu là kiêm nhiệm.

Giải pháp tốt nhất hiện nay là để cho xã hội có được cơ hội tham gia vào hoạt động giám sát này. Muốn vậy, mọi thông tin liên quan đến các dự án, từ hồ sơ mời thầu đến các biên bản liên quan đến kết quả xét thầu cũng như hồ sơ của đơn vị trúng thầu phải được công khai. Vì chỉ khi mọi chuyện được công khai và minh bạch thì gian dối, khuất tất mới mất dần đất sống.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293314/lam-sao-de-giam-hien-tuong-la-trong-dau-thau.html