Làm thế nào chấm dứt hôi miệng?
Tìm hiểu nguyên nhân và những vấn đề xung quanh bệnh hôi miệng sẽ giúp bạn tìm ra cách khắc phục tình trạng này.
Bác sĩ Trần Vũ Thanh Ái, khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết hôi miệng là chứng bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao tiếp, khiến người bệnh mất tự tin.
Nguyên nhân hôi miệng
Theo bác sĩ Thanh Ái, vệ sinh răng miệng không đúng cách sẽ hình thành mảng bám, thức ăn đọng trong khoang kẽ răng, lỗ sâu răng, tạo cơ hội cho vi khuẩn lên men và phát triển, phóng thích các hợp chất có mùi.
Người bệnh nhiễm khuẩn miệng như viêm nướu, viêm niêm mạc miệng, viêm nha chu, áp xe răng miệng cũng có thể gây hôi miệng.
Người mang hàm giả không phù hợp, khô miệng sau điều trị xạ trị làm cho lượng nước bọt trong miệng giảm, khả năng tự chải rửa tự nhiên giảm cũng dễ bị sâu răng và hôi miệng.
Sản phẩm chuyển hóa của một số thuốc như điều trị tăng huyết áp, bệnh lý thận, bệnh lý tâm thần cũng có thể gây hơi thở hôi khi được thải trừ qua phổi.
Ngoài ra, một số người bị viêm nhiễm đường hô hấp (viêm xoang, viêm họng) cũng gây ra tình trạng hôi miệng. Người bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, dạ dày cũng khiến cho hôi miệng thêm trầm trọng.
Ăn thực phẩm có mùi nặng như hành, tỏi, nước ép cam, quýt, đồ uống có cồn… cũng có thể bị hôi miệng.
Hút thuốc gây hôi miệng do thuốc lá gây viêm quanh răng, viêm lợi, viêm lưỡi, viêm xoang. Khói thuốc lá, thuốc lào cũng chứa nhiều hợp chất quyện với nước bọt tạo mùi rất hôi.
Cách phòng chống hôi miệng
Theo bác sĩ Thanh Ái, một số cách sau đây có thể giúp người bệnh phòng và ngăn hôi miệng.
- Đánh răng ngay sau khi ăn: Việc đánh răng sau khi ăn rất cần thiết giúp bạn hạn chế tốt nhất các tác nhân gây bệnh. Đánh răng sau khi ăn khoảng 30 phút và đánh ít nhất 2 lần/ngày để đạt được hiệu quả trong việc chữa bệnh.
- Dùng chỉ nha khoa sau khi ăn: Việc đánh răng không thể loại bỏ được các mảng bám vi khuẩn trong kẽ răng. Chỉ nha khoa là một trong những thứ được bác sĩ chỉ định dùng để loại bỏ tối đa những tác nhân này.
- Làm sạch lưỡi: Nhiều người có thói quen chải răng mà quên mất lưỡi cũng là bộ phận cần làm sạch. Bởi, lưỡi là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn và là môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển. Biểu hiện của việc vi khuẩn xâm nhập quá mức đó là lưỡi có màu mảng trắng. Làm sạch răng miệng và lưỡi rất có lợi trọng việc loại bỏ mùi hôi miệng khó chịu.
- Uống nhiều nước: Miệng khô cũng chính là môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển mạnh. Do vậy, cung cấp đủ nước cho cơ thể không những tốt cho sức khỏe, mà còn rất tốt cho việc chữa bệnh hôi miệng. Những bệnh nhân bị khô miệng mạn tính cần phải có sự can thiệp của các bác sĩ, kê đơn thuốc để kích thích tiết nước bọt hoặc chuẩn bị nước bọt nhân tạo.
- Làm sạch dụng cụ nha khoa: Nếu đang niềng răng hoặc dùng răng giả, bạn cần làm sạch kỹ lưỡng mỗi ngày để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn.
- Chế độ ăn uống hợp lý: Người bị bệnh hôi miệng nên ăn nhiều thức ăn như rau xanh, hoa quả, tránh những loại như hành tây, tỏi, đồ ăn cay nóng, cà phê… thực phẩm nhiều đường.
- Chăm sóc răng miệng định kỳ: Cao răng là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng nhiều nhất. Do vậy, việc lấy cao răng 2 lần/năm cũng là cách tốt cho hơi thở tránh khỏi mùi hôi khó chịu.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/lam-the-nao-cham-dut-hoi-mieng-post1023098.html