Làm thế nào để có thể cải thiện trình độ tiếng Anh của người học tại Việt Nam?

Chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường gần đây là một bước tiến lớn nhằm tiếp tục giúp người học thành công trong cuộc sống và công việc. Ông Jonny Western, Trưởng phòng Sáng kiến mới thuộc Khoa Tiếng Anh và Chuyển tiếp đại học tại RMIT Việt Nam, bàn luận xung quanh chủ đề này.

Dựa trên Chỉ số năng lực tiếng Anh EF, bảng xếp hạng quy mô lớn về trình độ tiếng Anh của các nước, Việt Nam đứng thứ 58 trên 113 quốc gia (thứ 7 trong số 23 quốc gia ở châu Á). Đây là mức trung bình.

Ông Jonny Western, Trưởng phòng Sáng kiến mới thuộc Khoa Tiếng Anh và Chuyển tiếp đại học tại RMIT Việt Nam.

Ông Jonny Western, Trưởng phòng Sáng kiến mới thuộc Khoa Tiếng Anh và Chuyển tiếp đại học tại RMIT Việt Nam.

Làm thế nào để có thể cải thiện trình độ tiếng Anh của người học tại Việt Nam?

Đầu tư vào phát triển giáo viên và biến việc giảng dạy thành một hướng phát triển sự nghiệp hấp dẫn là điều cần thiết.

Để cải thiện trình độ ngôn ngữ trên phạm vi toàn quốc, học sinh cần được tiếp cận với chương trình giảng dạy ngôn ngữ chất lượng cao. Muốn hiện thực hóa điều này, giáo viên Việt Nam cần có trình độ tiếng Anh và kiến thức sư phạm xuất sắc, nhằm mang đến chất lượng giảng dạy cao và làm mẫu cho việc sử dụng tiếng Anh hiệu quả. Việc này đòi hỏi các chương trình đào tạo giáo viên phải nuôi dưỡng và hỗ trợ quá trình phát triển nghề nghiệp của họ.

Mặc dù nghề giáo ở Việt Nam được đánh giá cao nhưng vẫn kém hấp dẫn hơn các nghề khác về mặt tài chính. Do đó, nhiều người Việt có kỹ năng giao tiếp tiếng Anh vượt trội thường chọn làm trong các ngành khác do ổn định về tài chính mà những ngành này đem lại.

Một thách thức khác đối với phát triển ngôn ngữ ở Việt Nam là người học khi học tiếng Anh thường chú trọng vào điểm số mong muốn đạt được trong các bài kiểm tra năng lực, chẳng hạn như IELTS, để nộp đơn đi du lịch nước ngoài, ứng tuyển đại học hoặc xin miễn các lớp học ở trường.

Khi kết quả kỳ thi là động lực học, học sinh có thể bị ám ảnh về các mẹo và "bí kíp”, cũng như liên tục làm bài kiểm tra thử, điều này không hỗ trợ việc học ngôn ngữ một cách có ý nghĩa. Mặc dù đạt được kết quả đề ra trong bài kiểm tra năng lực là điều quan trọng và là thành tích đáng ăn mừng, điều quan trọng là cần phát triển các kỹ năng ngôn ngữ để có thể vận dụng thành thạo khi tham gia các chương trình học bằng tiếng Anh hoặc làm việc tại một công ty yêu cầu phải giao tiếp bằng tiếng Anh.

Do đó, phương pháp tiếp cận tốt nhất là trang bị cho học sinh các kỹ năng ngôn ngữ, giao thoa văn hóa, giao tiếp và học tập, giúp họ hòa nhập và phát triển trong những môi trường nói tiếng Anh.

Cam kết nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển chuyên môn cho giáo viên Việt Nam, chú trọng hơn vào việc đào tạo ra người học có khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt thay vì điểm thi, có thể tác động mạnh mẽ đến trình độ tiếng Anh tại Việt Nam. Những điều này có thể được đẩy mạnh từ chính sách phát triển của chính phủ, chẳng hạn như tích hợp tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy nhiều hơn vào chương trình học của nhà trường.

Chìa khóa để thông thạo ngôn ngữ thứ hai là tìm ra những sở thích và đam mê có thể tận hưởng bằng tiếng Anh.

Chìa khóa để thông thạo ngôn ngữ thứ hai là tìm ra những sở thích và đam mê có thể tận hưởng bằng tiếng Anh.

Bài học nào từ các quốc gia khác, chẳng hạn như Philippines và Singapore?

Philippines xếp thứ 20 trên 113 quốc gia trong Chỉ số năng lực tiếng Anh EF, và Singapore đứng thứ hai. Đối với cả hai nước này, những thành công kể trên có thể liên quan đến việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chung trong trường học. Về mặt lý thuyết, điều này đảm bảo rằng tất cả học sinh có thể phát triển tiếng Anh trong khi học các môn chính ở trường, thay vì phải bỏ tiền học thêm ngoại ngữ.

Để đẩy khả năng thông thạo ngoại ngữ lên cao nhất, sẽ rất có ích nếu bắt đầu học từ khi còn nhỏ và biến điều này thành một hành trình có mục đích rõ ràng và hấp dẫn. Đưa học ngôn ngữ vào chương trình giảng dạy của nhà trường hoặc tham gia các lớp học ngoại khóa là những cách phổ biến để trẻ em bắt đầu học từ sớm.

Việc đưa tiếng Anh nhiều hơn vào chương trình giảng dạy của nhà trường sẽ cho người học kỹ năng ngôn ngữ vững chắc và toàn diện, giúp họ gặt hái thành công trong học tập và sự nghiệp tương lai. Điều này cũng sẽ đảm bảo rằng thế hệ trẻ ở Việt Nam sở hữu những kỹ năng ngôn ngữ cần thiết để đáp ứng các mục tiêu quốc tế của mình.

Tại RMIT, chúng tôi đang cung cấp những khóa học tiếng Anh trình độ cao, giúp người học phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Chúng tôi tập trung vào nhiều mục tiêu khác hơn là chỉ chuẩn bị cho các bài kiểm tra trình độ. Chúng tôi muốn cung cấp cho người học các kỹ năng để có thể giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Anh và giao lưu liên văn hóa.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo đại học và sau đại học của chúng tôi đều được giảng dạy bằng tiếng Anh. Điều này có nghĩa sinh viên tốt nghiệp RMIT sẽ được trang bị cả chuyên môn và kỹ năng ngôn ngữ, sẵn sàng gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp đã chọn. Nhà trường đang góp phần nâng cao trình độ tiếng Anh cho Việt Nam thông qua việc phát triển khả năng ngôn ngữ cho sinh viên tốt nghiệp cũng như các đối tác trong ngành.

Jonny Western

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/lam-the-nao-de-co-the-cai-thien-trinh-do-tieng-anh-cua-nguoi-hoc-tai-viet-nam-post1680398.tpo