Làm thế nào để đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng khi bị vu khống?

Luật sư cho rằng một cá nhân có thể khởi kiện yêu cầu người khác bồi thường 1.000 tỷ đồng hay con số khác cao hơn. Tuy nhiên, nguyên đơn cần chứng minh được các thiệt hại.

Dư luận những ngày qua xôn xao về việc bà Lê Thị Giàu (Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm Bình Tây) khởi kiện bà Nguyễn Phương Hằng (Chủ tịch Công ty CP Đại Nam) với cáo buộc vu khống và bịa đặt không đúng sự thật, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của bà Giàu.

Đáng chú ý, bà Giàu còn đòi bà Hằng bồi thường số tiền 1.000 tỷ đồng tổn thất về vật chất và tinh thần.

Nhiều ý kiến thắc mắc về tính pháp lý của việc một cá nhân khởi kiện yêu cầu người khác bồi thường số tiền nghìn tỷ. Nguyên đơn dân sự sẽ phải làm gì để chứng minh thiệt hại?

Chứng minh thiệt hại bằng cách nào?

Trao đổi với Zing, luật sư Mai Thảo (Phó giám đốc Công ty TAT Law Firm) nhấn mạnh danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân là quyền nhân thân bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Ai có căn cứ để cho rằng danh dự, nhân phẩm và uy tín của bản thân bị người khác xâm phạm, thì họ có quyền khởi kiện ra tòa để đề nghị chấm dứt việc xâm phạm và yêu bồi thường thiệt hại.

 Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, đòi bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường số tiền 1.000 tỷ đồng tổn thất về vật chất và tinh thần. Ảnh: Huân Cao/Báo Lao Động.

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, đòi bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường số tiền 1.000 tỷ đồng tổn thất về vật chất và tinh thần. Ảnh: Huân Cao/Báo Lao Động.

Dẫn khoản 1, Điều 584 Bộ luật Dân sự, luật sư Thảo cho biết người nào xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Trong trường hợp khởi kiện, nguyên đơn cần cung cấp tài liệu hợp pháp để liệt kê những thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Các khoản này gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và những thiệt hại khác do luật quy định.

Bộ luật Dân sự cũng quy định thêm khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xâm phạm phải gánh chịu. Mức bồi thường tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận.

Nếu không thỏa thuận được thì mức đền bù tối đa cho người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở được quy định tại Nghị định 39/2019, là gần 1,5 triệu đồng mỗi tháng.

Về án phí, luật sư Thảo phân tích theo thông tin trong đơn khởi kiện, bà Lê Thị Giàu sinh năm 1959. Bà Giàu thuộc diện người cao tuổi nên căn cứ Luật Người cao tuổi và các quy định khác, bà thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí.

"Bà Giàu có thể yêu cầu bồi thường 1.000 tỷ hay con số khác cao hơn. Khi xét xử, tòa án sẽ căn cứ tài liệu thu thập được để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu này", luật sư nêu quan điểm.

Quyền, nghĩa vụ các bên ra sao?

Đặt ra hai tình huống pháp lý trong một phiên tòa dân sự, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, cho biết nếu tòa chấp nhận toàn bộ hay một phần yêu cầu của nguyên đơn, thì bị đơn phải thực hiện theo nội dung của bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, nếu thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nguyên đơn đã đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải bị gỡ bỏ, cải chính. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

Còn nếu tòa án bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, thì bị đơn có thể phản tố để bảo vệ quyền lợi, danh dự và uy tín của bản thân.

 Bà Nguyễn Phương Hằng có quyền phản tố nếu tòa án bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ảnh: Facebook nhân vật.

Bà Nguyễn Phương Hằng có quyền phản tố nếu tòa án bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ảnh: Facebook nhân vật.

Cùng có quan điểm về sự việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính pháp, nhấn mạnh người xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của người khác tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Cường phân tích khi giải quyết một vụ kiện dân sự, tòa án xét thấy hành vi có dấu hiệu vu khống, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người khác và gây nguy hiểm cho xã hội, thì HĐXX có quyền chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.

Nếu bị xử phạt hành chính, người vi phạm có thể bị phạt 100.000-300.000 đồng, theo Điều 5 Nghị định 167/2013. Trường hợp cá nhân xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội thì có thể bị phạt hành chính từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, theo Điều 101 Nghị định số 15/2020.

Về xử lý hình sự, theo luật sư Cường, người bị kết án xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, gây ảnh hưởng nặng về tâm lý, sức khỏe của nạn nhân, có thể bị truy tố về một trong các tội Vu khống, Làm nhục người khác, Truyền hoặc đưa trái phép thông tin mạng máy tính mạng viễn thông hoặc Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-the-nao-de-doi-boi-thuong-1000-ty-dong-khi-bi-vu-khong-post1222729.html