Làm thế nào để người dân được sử dụng điện với giá hợp lý?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa quyết định tăng giá điện thêm 4,8% kể từ ngày 11/10. Vậy là từ năm 2023, giá điện đã được điều chỉnh tăng 3 lần, lần lượt với các mức 3%, 4,5% và lần này là 4,8%, nghĩa là với mức cao nhất. Với lần tăng mới này, đơn giá điện hiện nay là 2.103,11 VND/kWh chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Quyết định được đưa ra ngay sau khi EVN công bố khoản lỗ trên 34.000 tỷ đồng trong năm 2023. Tình trạng lỗ được cho có nguyên nhân chính là giá bán điện được ấn định dưới giá thành sản xuất và đây cũng được coi là một trong những cơ sở chính để tiến hành điều chỉnh giá điện.

Trong bối cảnh điện là mặt hàng cơ bản được sử dụng trong mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt của đời sống xã hội, việc tăng giá điện tất yếu dẫn đến tăng giá tất cả các sản phẩm, dịch vụ khác. Với tỷ lệ tăng giá điện như trên, chỉ cần làm một vài bài toán đơn giản là có thể thấy ngay việc tăng lương cơ sở vừa qua sẽ hầu như không có ý nghĩa gì tích cực nữa về phương diện cải thiện khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu của người lao động.

Tất nhiên, bán dưới giá thành thì lỗ và đã làm ăn thì không được để bị lỗ. Công thức giao tiếp xã hội "báo lỗ rồi tăng giá bán" được thực hiện một cách tương đối bài bản. Tuy nhiên, không nên quên rằng EVN, được hình dung như một thực thể kinh doanh thống nhất trong lĩnh vực cung ứng điện trên phạm vi quốc gia, giữ vai trò độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh liên quan. Trong bối cảnh đó, việc khắc phục tình trạng lỗ bằng cách tăng giá điện có thể khiến người ta nghi ngờ về khả năng lạm dụng vị thế độc quyền nhà nước, độc quyền doanh nghiệp để làm giá.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vấn đề là liệu giá thành sản xuất điện hiện tại đã được tính toán hợp lý? Nếu câu trả lời là khẳng định thì chắc chắn phải tăng giá và xã hội phải chấp nhận. Nhưng nếu câu trả lời là phủ định thì phải rà soát các khâu trong sự hình thành giá sản xuất để xem: có khâu nào là bất hợp lý, không cần thiết thì phải cắt bỏ để giảm giá.

Rõ hơn, không thể mặc định cứ giá thành sản xuất thấp hơn giá bán là phải tăng giá bán để cắt lỗ mà trước hết, phải xem lại để biết liệu giá thành cao có phải do nguyên nhân chủ quan để khắc phục, sửa chữa những "khuyết tật" của bản thân doanh nghiệp. Việc đòi hỏi xã hội chi trả, thông qua biện pháp tăng giá, chỉ có lý do để được lựa chọn trong trường hợp doanh nghiệp đã nỗ lực hết sức trong việc hợp lý hóa quy trình sản xuất và cho ra giá thành tốt nhất có thể.

Người dân có lý do để yêu cầu làm rõ các yếu tố làm hình thành giá sản xuất điện. Cách nay khoảng hơn chục năm, báo chí đã phanh phui chuyện EVN đưa vào giá thành điện cả chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis, nói chung là chi phí đầu tư cho hạ tầng phúc lợi của ngành điện. Sự việc đã được chính thức kết luận bởi cơ quan có thẩm quyền, là Thanh tra Chính phủ, với sai phạm thuộc về ngành điện. Do có tiền lệ đó, người dân có quyền đặt dấu hỏi đối với cách xây dựng giá thành sản xuất điện trong lần tăng giá này.

Cần tổ chức các cuộc giải trình công khai về giá điện của đại diện EVN trước cơ quan đại diện dân cử quốc gia là Quốc hội hoặc ít nhất trước cơ quan được ủy quyền thực hiện chức năng lập pháp giữa hai kỳ họp Quốc hội là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài việc giải trình, EVN phải chịu sự kiểm tra của cơ quan đại diện dân cử về cách tính giá điện.

Ngay cả trong trường hợp không có chuyện đưa vào giá thành sản xuất điện những chi phí vô lý thì tính hợp lý của các yêu tố tạo ra giá thành cũng phải được làm rõ. Một trong những cách để thẩm định tính hợp lý của yếu tố tạo ra giá thành sản xuất điện là tham khảo giá thành và giá bán điện của những nước lân cận và những nước có trình độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và so sánh với giá thành và giá bán điện của nước ta. Nếu khác biệt là đáng kể và thực tế ghi nhận giá điện mà người tiêu dùng Việt Nam phải trả là cao hơn thì phải tìm hiểu nguyên nhân và nếu có thể, đề ra giải pháp khắc phục tình trạng giá cao bất hợp lý.

Cả trong trường hợp sau khi đã xem xét vấn đề ở mọi khía cạnh và xác định việc tăng giá điện để cắt lỗ là cần thiết, thì tăng giá cũng chỉ nên được coi là giải pháp tình thế. EVN vẫn phải tiếp tục nghiên cứu để đề ra giải pháp cho bài toán giá điện mang tính ổn định, bền vững.

Mấy năm nay, dư luận thi thoảng nghe nói về những khó khăn trong việc đưa các dự án điện gió, điện mặt trời của tư nhân hòa vào lưới điện quốc gia. Đặc biệt, rất nhiều cơ sở sản xuất điện mặt trời của các hộ gia đình ở trong tình trạng dư điện và sẵn sàng bán lại cho Nhà nước với giá phải chăng nhưng lại gặp rất nhiều trở ngại về cơ chế. Phải làm rõ nguyên nhân của những vướng mắc này và có biện pháp tháo gỡ để có thể mở ra hành lang thông thoáng cho phép khai thác các nguồn điện của quốc gia một cách có hiệu quả và với giá cả hợp lý. Không để tồn tại dai dẳng điều nghịch lý: điện được các thực thể trong xã hội sản xuất ra và dư thừa so với nhu cầu của người sản xuất thì bỏ đi một cách lãng phí; trong khi đó, điện do tổ chức được Nhà nước giao bảo đảm nguồn cung điện cho người dân thì lại thiếu và giá điện được xác định quá cao so với giá có thể được tính toán một cách hợp lý.

Về lâu dài nên cân nhắc khả năng xây dựng thị trường cung ứng điện cạnh tranh đúng nghĩa: liệu có thể tổ chức đấu thầu cung ứng điện giữa các chủ thể có năng lực thực hiện dịch vụ cung ứng điện? Chủ thể nào cam kết cung ứng điện cho dân với giá tốt nhất, bảo đảm ít rủi ro nhất về gián đoạn cung ứng sẽ được công nhận trúng thầu và đảm nhận việc cung ứng điện trong một khoảng thời gian nhất định. Hết thời gian đó là tổ chức đấu thầu để tạo cơ hội cho những nhà cung ứng điện tiềm năng khác...

Viện sĩ, PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/lam-the-nao-de-nguoi-dan-duoc-su-dung-dien-voi-gia-hop-ly_168532.html