Lần đầu ghép tủy đồng loại ở miền Trung, cứu sống bệnh nhi 42 tháng tuổi

Bệnh viện Trung ương Huế lần đầu tiên thực hiện ghép tủy đồng loại ở khu vực miền Trung để cứu sống hai bệnh nhi, trong đó có trường hợp 42 tháng tuổi.

Ngày 7/10, GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xác nhận, các y bác sĩ đã thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại đầu tiên trên bệnh nhi mắc bệnh lý tan máu bẩm sinh.

Bệnh nhi được ghép tủy là Trần Viết Th. (42 tháng tuổi, trú TP Đà Nẵng) bị tan máu bẩm sinh từ năm 2 tuổi. Hằng tháng, Th. phải vào Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng để truyền máu. Sau khi xét nghiệm, bé Th. phù hợp hoàn toàn với chị gái.

Bệnh nhi sau đó được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế để thực hiện kỹ thuật mới này. Sau những ngày vào hóa chất diệt tủy, đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện cùng với một chuyên gia đến từ Đức thực hiện thu thập tế bào gốc tủy xương cho chị của bé Th. và truyền trực tiếp vào cho bé.

Các bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với chuyên gia Đức thực hiện ghép tủy đồng loại để cứu sống bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh. (Ảnh: BVCC)

Các bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với chuyên gia Đức thực hiện ghép tủy đồng loại để cứu sống bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh. (Ảnh: BVCC)

Sau quá trình ghép, bé Th. gặp một biến chứng hiếm gặp trong ghép tủy, đó là biến chứng xuất huyết phế nang lan tỏa. Tuy nhiên, nhờ sự phát hiện và điều trị kịp thời, bé Th. hồi phục hoàn toàn và xuất viện trong ngày 7/10.

Bệnh nhi thứ hai là Phạm Lê H.V. (8 tuổi, trú TP Đà Nẵng) được chẩn đoán tan máu bẩm sinh từ lúc 17 tháng và phải đến viện truyền máu hằng tháng từ năm 2018 tại Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng. Sau khi kiểm tra, cháu phù hợp hoàn toàn với chị ruột và V. được thực hiện ghép tủy đồng loại. Quá trình ghép, bệnh nhi bị biến chứng sốt giảm bạch cầu hạt, nhưng mức độ nhiễm trùng nhẹ và nhanh chóng phục hồi.

Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, bệnh tan máu bẩm sinh là nhóm gồm nhiều loại bệnh lý di truyền khác nhau, có đặc điểm là không có hoặc giảm sản sinh huyết sắc tố bình thường, gây thiếu máu hồng cầu nhỏ. Đối với các thể trung bình và nặng, bệnh nhi phải lệ thuộc truyền máu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt lúc trẻ đến tuổi trưởng thành, việc thiếu máu ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển thể chất và tinh thần, bệnh nhân bị đau nhức xương nhiều do tạo máu ngoài tủy. Phương pháp điều trị tốt nhất là ghép tủy đồng loại, đem lại một cuộc sống mới cho trẻ. Sau ghép tủy thành công, trẻ không còn phải lệ thuộc truyền máu, khỏe mạnh và có một sự phát triển bình thường.

"Thành công ghép tủy đồng loại trên các bệnh tan máu bẩm sinh không chỉ là niềm hy vọng cho các cháu bị bệnh tan máu bẩm sinh mà còn đem lại nhiều hy vọng cho các cháu mắc những căn bệnh khác cần tiến hành ghép tủy đồng loại như như suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư tái phát…điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế", ông Hiệp nói.

NGUYỄN VƯƠNG

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/lan-dau-ghep-tuy-dong-loai-o-mien-trung-cuu-song-benh-nhi-42-thang-tuoi-ar900524.html