Lần đầu tiên áp dụng kỹ thuật phân tích gen trong môi trường để tìm kiếm những cá thể Sao la cuối cùng
Nằm trong khuôn khổ dự án 'Cứu Sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng', từ ngày 17-19/5, tại TP. Đông Hà, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (WWF) đã tổ chức lớp tập huấn 'Quy trình chuẩn khảo sát Sao la bằng bẫy ảnh và mẫu ADN môi trường (eDNA)'.
Phương pháp tìm các loài thú quý hiếm thông qua mẫu ADN lần đầu tiên được triển khai tại Quảng Trị thông qua hai phương pháp lấy mẫu vắt và mẫu nước. Những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực phân tích eDNA đã khẳng định tầm quan trọng của phương pháp này trong việc bổ trợ kỹ thuật theo dõi bằng bẫy ảnh. Kinh nghiệm thực tế khi triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, cho thấy sử dụng phân tích eDNA từ vắt (một loài côn trùng hút máu động vật) kết hợp với bẫy ảnh sẽ tối ưu hóa việc phát hiện các loài quý hiếm.
Tại lớp tập huấn, các đối tác của dự án và cán bộ hai khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Bắc Hướng Hóa sẽ được hướng dẫn quy trình thu mẫu, đặt bẫy ảnh và bảo quản mẫu, xử lý dữ liệu. Mục đích của lớp tập huấn nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản nhất để đảm bảo quy trình thu mẫu và đặt bẫy ảnh chuẩn, thống nhất cho toàn bộ dự án. Sau khi nắm bắt được quy trình chuẩn, các thành viên tham gia lớp tập huấn sẽ thực hành điều tra bằng bẫy ảnh và mẫu ADN môi trường tại huyện Hướng Hóa. Dự án kỳ vọng thông qua hai phương pháp này sẽ có hình ảnh, kết quả phân tích chính xác để tìm ra dấu vết Sao la - một loài thú quý hiếm sắp có nguy cơ tuyệt chủng - trên toàn khu vực Trung Trường Sơn.
Dự án Cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ với tổng kinh phí 1,4 triệu USD, triển khai ở 6 tỉnh miền Trung. Dự án này tăng cường hoạt động tìm kiếm và phát hiện Sao la trên toàn khu vực Trung Trường Sơn thông qua hợp tác với các tổ chức bảo tồn thiên nhiên, viện nghiên cứu gen trong nước, quốc tế, hướng đến bảo tồn các loài nguy cấp.