Lần đầu tiên Việt Nam đưa công nghệ thực tế ảo 'mắt thần' vào thay khớp nhân tạo
Với việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào thay khớp nhân tạo, không chỉ mở ra cơ hội cho người bệnh thoái hóa khớp gối ngày càng nhiều tại Việt Nam, ngành y tế Việt Nam còn tạo một dấu ấn mạnh mẽ trong khu vực và quốc tế trong lĩnh vực nội soi khớp và thay khớp.
Ngày 19/3, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TP Hồ Chí Minh) cho biết vừa đưa công nghệ thực tế ảo “mắt thần” vào thay khớp gối. Đây là một công nghệ kỹ thuật cao bậc nhất thế giới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Với việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật thực tế ảo sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu suất trong phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo, mở ra nhiều cơ hội cho người bệnh thoái hóa khớp gối đang ngày một nhiều không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Theo đó, “mắt thần” Knee+ là thiết bị được sử dụng trong phẫu thuật tạo hình toàn bộ khớp gối. Thiết bị này giúp phẫu thuật viên định vị khớp nhân tạo dễ dàng hơn. Tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh, Chủ tịch Hội nội soi khớp và thay khớp Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết, ưu điểm nổi bật của “mắt thần” Knee+ trong phẫu thuật tạo hình toàn bộ khớp gối là căn chỉnh chính xác, cải thiện phạm vi chuyển động và định vị vị trí khớp nhân tạo thích hợp hơn nhờ vào đường mổ hoàn toàn chính xác. Kỹ thuật này còn có thể áp dụng cho các trường hợp phức tạp như bệnh nhân béo phì, người có độ cong bất thường ở xương đùi, người biến dạng ngoài khớp của xương đùi hoặc xương chày, biến dạng nặng ở khớp gối…
“Nếu như một ngày phẫu thuật viên chỉ đủ sức khỏe và sự tập trung mổ khoảng 2 ca bệnh, nhưng hiện một ngày tại các bệnh viện lớn, phẫu thuật viên phải xử lý từ 5 ca trở lên thì tầm nhìn của con người cũng thiếu đi sự ổn định. Sự chính xác tuyệt đối của con người không thể bằng máy móc. Chính vì thế, “mắt thần” sẽ giải quyết các vấn đề đó, đảm bảo các yếu tố định vị và chỉ định cắt đều chính xác tuyệt đối, không có sai sót với từng người bệnh vốn có những kích thước cơ thể và hệ thống xương khớp khác nhau”, Tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh chia sẻ.
Theo các bác sĩ, cách đây vài năm, xu hướng sử dụng robot trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là một bước tiến vượt bậc trong y khoa và nhiều bệnh viện tại Việt Nam đã cập nhật công nghệ này. Tuy nhiên, một khó khăn của việc sử dụng robot là độ chính xác của máy móc vẫn phụ thuộc vào việc nhập thông số, vị trí phẫu thuật của bệnh nhân… Với công nghệ mới thực tế ảo, được thiết kế nhỏ gọn như một cặp kính, đeo trực tiếp vào mắt phẫu thuật viên, sẽ tạo ra được một không gian linh hoạt, do chính con người điều khiển tùy biến, làm chủ hoàn toàn các thao tác trong quá trình phẫu thuật.